Âu lo và phấn khởi

Cùng trải qua giai đoạn điêu đứng chung của thị trường VLXD, nhưng ngành thép và xi măng đang cho thấy có sự  khác nhau. Trong khi xi măng liên tục đạt được những con số tăng trưởng mơ ước, ngành thép vẫn tiếp tục loay hoay với áp lực cạnh tranh từ bên ngoài.

Cùng trải qua giai đoạn điêu đứng chung của thị trường VLXD, nhưng ngành thép và xi măng đang cho thấy có sự  khác nhau. Trong khi xi măng liên tục đạt được những con số tăng trưởng mơ ước, ngành thép vẫn tiếp tục loay hoay với áp lực cạnh tranh từ bên ngoài.

Thép: đầy áp lực

 

Trải qua quãng thời gian dài vật lộn với hàng tồn kho và sự cạnh tranh của thép giá rẻ nhập khẩu, ngành thép vẫn được dự báo có tương lai không mấy sáng sủa trong năm 2015. Theo Bộ Công Thương, 2015 sẽ tiếp tục là năm doanh nghiệp thép trong nước gặp nhiều khó khăn do cung vượt cầu và thép nhập khẩu từ Nga và Trung Quốc đang gây sức ép.

Còn theo số liệu của Hiệp hội Thép Việt Nam (VSA), hiện nay tổng năng lực sản xuất ngành thép cả nước lên đến 22 triệu tấn, tuy nhiên nhu cầu tiêu thụ lại rất khiêm tốn.

Cụ thể, nhu cầu tiêu thụ thép xây dựng cả nước trong năm 2015 dự báo chỉ khoảng 6 triệu tấn, trong khi công suất thép xây dựng của các nhà máy hiện lên đến 11 triệu tấn, vượt gần gấp đôi nhu cầu. Như vậy, sẽ có ít nhất gần 50% lượng thép sản xuất được tiếp tục bị lưu kho trong năm 2015.

Tình trạng tương tự cũng xảy ra đối với các nhà sản xuất phôi thép, tôn mạ và tôn mạ phủ màu khi cung sẽ vượt 1,5-2 lần nhu cầu sử dụng trong năm mới. Thí dụ, công suất phôi thép 10 triệu tấn trong khi nhu cầu chỉ 5,5 triệu tấn/năm; công suất tôn mạ và sơn phủ màu đạt 2,5 triệu tấn/năm nhưng tiêu thụ chỉ khoảng 1,3 triệu tấn/năm... Theo dự báo của VSA ngành thép năm 2015 sẽ có mức tăng trưởng khoảng 11,8% so với năm 2014.

Cần rà soát nhằm loại bỏ các dự án thép đầu tư không hiệu quả, gây mất cân đối cung cầu. Bên cạnh đó, giảm chi phí, tăng chất lượng thép và mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ông Hồ Nghĩa Dũng,
Chủ tịch VSA

Chưa hết, tình hình tiêu thụ có phần bi đát trên được các chuyên gia đánh giá là tương đối, thậm chí có thể không chạm được ngưỡng dự báo, khi trong năm 2015 ngoài sự cạnh tranh khốc liệt đến từ thép giá rẻ chứa nguyên liệu Bo đến từ Trung Quốc, thép Việt Nam sẽ gặp phải đối thủ đáng gờm khác là thép nhập khẩu từ Nga sau khi Hiệp định thương mại tự do giữa Việt Nam và Liên minh thuế quan Nga - Belarus - Kazakhstan được ký kết.

Bởi Nga vốn có lợi thế về sản xuất thép, với tổng sản lượng hơn 70 triệu tấn/năm, đứng thứ 5 thế giới, chi phí sản xuất thấp, nguồn nguyên liệu tại chỗ phong phú, công nghệ cao hơn Việt Nam… “Với tình hình này có thể tạo nên thêm 1 năm điêu đứng cho các nhà sản xuất thép trong nước vốn dĩ đã cực kỳ khó khăn” - ông Đỗ Duy Thái, Tổng giám đốc Tổng công ty Thép Việt, nhận định.

Xi măng: tiêu thụ khả quan

Ngược lại thực trạng thị trường thép xây dựng vẫn nhuộm một màu u ám, xi măng với những lợi thế vượt trội của mình đang hứa hẹn năm 2015 đầy lạc quan theo đà tăng trưởng tươi sáng của năm trước. Theo báo cáo của Bộ Xây dựng, tổng sản lượng xi măng, clinker tiêu thụ năm 2014 khoảng 70,6 triệu tấn, đạt 110,3% kế hoạch, tăng 15% so với năm 2013.

 Trong đó, tiêu thụ nội địa khoảng 50,9 triệu tấn, tăng 10% so với năm 2013; xuất khẩu khoảng 19,7 triệu tấn tăng 30%  so với năm 2013. Bộ Xây dựng cũng đặt mục tiêu trong năm 2015, tổng sản lượng xi măng tiêu thụ sẽ lên mức 70-72 triệu tấn, tăng nhẹ so với 2014.

Năm 2015, để tiêu thụ đạt mức tăng 10%, VICEM sẽ tiến hành cải cách mạnh mẽ trên mọi phương diện, từ sản xuất đến lưu thông. Điểm nào chưa hợp lý, chưa phù hợp phải điều chỉnh.

Ông Trần Việt Thắng,
Tổng giám đốc VICEM

Sự khởi sắc trên thị trường bất động sản cũng như tình hình xây dựng cơ bản sôi động đã giúp ngành xi măng dễ thở hơn sau giai đoạn nguy khốn bởi hàng tồn kho, ế ẩm. Nhiều doanh nghiệp ngành xi măng đã mạnh dạn đưa ra những con số mục tiêu tăng trưởng cao.

Theo ông Trần Việt Thắng, Tổng giám đốc Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM), mục tiêu của doanh nghiệp này trong năm 2015 là tăng trưởng 10% so với năm 2014. Trong khi đó, năm 2014 có thể coi là một năm thành công của VICEM khi đạt được những con số ấn tượng: tổng sản phẩm tiêu thụ đạt 21,85 triệu tấn, bằng 105,8% so với kế hoạch năm; doanh thu 31.591 tỷ đồng, vượt 4,38% so với kế hoạch năm… Đặc biệt, năm qua không công ty nào thuộc VICEM thua lỗ - tình trạng xảy ra thường xuyên ở nhiều năm trước.

Ngay cả Xi măng Cẩm Phả - một trong những đơn vị “đen” của ngành xi măng về nợ nần, thua lỗ - cũng đã cho thấy những dấu hiệu lạc quan khi doanh thu năm 2014 đạt 2.467 tỷ đồng; tiêu thụ 2,54 triệu tấn sản phẩm; lợi nhuận 94 tỷ đồng, bằng 105% so với kế hoạch. Lãnh đạo của doanh nghiệp này cũng không ngần ngại đưa ra những con số dự báo tình hình tiêu thụ và xuất khẩu xi măng trong năm nay với đà đi lên.

Cụ thể, mục tiêu của Xi măng Cẩm Phả trong năm 2015 là doanh thu đạt 2.600 tỷ đồng; tiêu thụ 2,54 triệu tấn sản phẩm; lợi nhuận 183 tỷ đồng; xuất khẩu khoảng 160.000 tấn xi măng và 500.000 tấn clinker.

Theo ông Lê Văn Tới, Vụ trưởng Vụ VLXD, Bộ Xây dựng, dù tình hình kinh tế - xã hội 2015 vẫn diễn biến khó lường, nhưng ngành xi măng kỳ vọng sẽ khởi sắc vì Chính phủ vẫn quan tâm đầu tư các công trình hạ tầng kỹ thuật trọng điểm, nhu cầu về xây dựng của người dân tăng và thị trường bất động sản đang có dấu hiệu ấm lên.

Năm 2015, dự báo nhu cầu nội địa tăng hơn năm 2014 khoảng 3 triệu tấn, trong khi nguồn cung vẫn không tăng, lượng xuất khẩu sẽ giữ như năm trước, nên thị trường sẽ có hướng phát triển tốt.

 Thống kê của Bộ Xây dựng cũng cho thấy cả nước hiện có 74 dây chuyền xi măng với công suất thiết kế 77,35 triệu tấn, công suất huy động 73-74 triệu tấn. Năm 2015, dự kiến 1 dự án xi măng với công suất 0,6 triệu tấn/năm đi vào vận hành, nâng số dây chuyển sản xuất lên 75 với tổng công suất thiết kế gần 78 triệu tấn.

Như vậy, nguồn cung xi măng cả nước tính đến cuối năm 2015 vẫn đảm bảo đáp ứng đủ nhu cầu tiêu thụ, có một lượng nhất định cho xuất khẩu và lượng dự trữ khoảng 10% công suất thiết kế cho bình ổn thị trường xi măng cả nước, đặc biệt khu vực phía Nam.

Các tin khác