2015 Lợi nhuận chảy vào trích lập

Trong năm 2015, một số quy định về việc trích lập dự phòng (TLDP) của Thông tư 09 có hiệu lực. Đã có nhiều NH mạnh tay TLDP nhưng cũng có đơn vị chưa phân loại nợ và TLDP đầy đủ. Điều này cho thấy bức tranh lợi nhuận của NH sẽ có sự phân hóa mạnh trong năm nay.

Trong năm 2015, một số quy định về việc trích lập dự phòng (TLDP) của Thông tư 09 có hiệu lực. Đã có nhiều NH mạnh tay TLDP nhưng cũng có đơn vị chưa phân loại nợ và TLDP đầy đủ. Điều này cho thấy bức tranh lợi nhuận của NH sẽ có sự phân hóa mạnh trong năm nay.

Buộc phải TLDP

Vietcombank, BIDV, MBB hay VietinBank là những NH lớn trong hệ thống sớm công bố kết quả kinh doanh 2014 vượt kế hoạch cả năm. Tỷ lệ nợ xấu tại các NH này cũng giảm mạnh, chỉ dao động từ 1% đến dưới 3%. Sở dĩ lợi nhuận tăng tốt ở những “ông lớn” là do tăng trưởng tín dụng cao và thu hồi được nợ xấu.

Vietcombank thu hồi nợ ngoại bảng 1.905 tỷ đồng, đạt 147% kế hoạch 2014, tăng hơn gấp đôi so với năm 2013. BIDV cũng thu hồi đáng kể nợ xấu, cao hơn 50% mức tương ứng trong năm 2013. MBB cũng có tỷ lệ TLDP rủi ro 2014 ở mức 61% lợi nhuận trước thuế...

Chỉ các NH đã tiến hành TLDP cũng như phân loại nợ theo tiêu chuẩn Thông tư 02 và 09 trong năm 2014 mới có kết quả kinh doanh tích cực. Ngược lại, các NH nhỏ dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn khi chưa phân loại và trích lập theo quy định.

Theo ông Lưu Văn Lương (Công ty Chứng khoán Bảo Việt-BVSC),  số lũy kế NH TLDP trước đây chỉ ở mức 50% tổng nợ xấu, hiện nay tỷ lệ này nâng lên 70%. Thời gian bình quân để NH TLDP đầy đủ hết các khoản nợ xấu trước đây khoảng 6-7 năm, nay đã rút ngắn xuống còn 4-5 năm.

Con số chênh lệch đó cho thấy sự quyết tâm của các NH trong việc TLDP nợ xấu trong thời gian vừa rồi. 3 NH có mức TLDP tương đối đầy đủ và chặt chẽ đều là những “ông lớn” gồm Vietcombank, MBB và BIDV, thời gian bình quân mà các NH này TLDP đầy đủ các khoản nợ xấu này cũng rút ngắn hơn so với các NH còn lại.

Tính đến hết quý III-2014, BIDV có tỷ lệ TLDP/lợi nhuận trước thuế 88% so với cùng kỳ năm trước 33%, Vietcombank có tỷ lệ TLDP 84%, ACB là 62% trong khi 9 tháng 2013 là 16%. NH có tỷ lệ TLDP cao nhất là Techcombank 143% so với 9 tháng 2013 là 36%.

Trong báo cáo triển vọng ngành của Công ty Chứng khoán NH Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), cho rằng điểm nổi bật trong năm 2014 là mức TLDP rủi ro tăng vọt tại hầu hết các NH lớn, dành trung bình 60-88% lợi nhuận trước thuế.

Nguyên nhân không chỉ do nợ xấu tăng mạnh sau khi phân loại nợ chặt chẽ hơn, mà theo quy định của Thông tư 09/2014/TT-NHNN, ngoài ra các NH còn phải TLDP đối với trái phiếu VAMC trong vòng 5 năm. Như vậy khoảng 20 NH đã bán nợ cho VAMC trong năm 2013 với giá trị nợ gốc 38.900 tỷ đồng sẽ phải TLDP thêm.

Áp lực Thông tư 09

Trong năm 2015, một số quy định về việc TLDP của Thông tư 09 trên cơ sở sửa đổi bổ sung thay thế Thông tư 02 sẽ chặt chẽ hơn. Theo đó, nợ xấu sẽ được phân loại một cách chặt chẽ hơn do kết hợp phương pháp định tính và định lượng trong phân loại nợ, mở rộng đối tượng phải TLDP gồm trái phiếu doanh nghiệp, tiền gửi tại các TCTD khác và các khoản trả thay theo cam kết ngoại bảng.

Ngoài ra, Thông tư 09 còn quy định NH cũng phải TLDP các khoản nợ đã bán cho VAMC, lùi thời hạn xếp hạng tín dụng theo Trung tâm Thông tin Tín dụng (CIC) kể từ 1-6-2014 sang 1-1-2015, cơ cấu lại thời hạn trả nợ và giữ nguyên nhóm nợ, chỉ được thực hiện 1 lần và hết hiệu lực từ 1-4-2015.

Năm 2014, Vietcombank đã thu hồi nợ ngoại bảng 1.905 tỷ đồng.

Năm 2014, Vietcombank đã thu hồi nợ ngoại bảng 1.905 tỷ đồng.

Theo đánh giá của nhiều chuyên gia, với việc một số quy định về việc phân loại nợ xấu có hiệu lực sẽ làm tăng tỷ lệ nợ xấu so với trước. Trước đây có rất nhiều khoản vay lẽ ra phải bị xếp vào nhóm nợ xấu theo quy định nhưng vẫn được giữ nguyên nhóm nợ, hay việc xếp loại nợ cũng “định tính”, thì nay phải tuân thủ xếp loại nợ theo CIC.

Như vậy, những NH trước đây vẫn cố che nợ xấu sẽ phải chịu áp lực rất lớn. Có khoảng hơn 120.000 tỷ đồng đã bán cho VAMC năm 2014, tổng số tiền các NH phải TLDP ít nhất 24.000 tỷ đồng. Con số này chiếm một tỷ lệ khá lớn trong tổng lợi nhuận của các NH. Ngoài ra, trước đây nhiều NH cho doanh nghiệp vay thông qua việc mua trái phiếu doanh nghiệp, hay có NH đã mua bán trái phiếu lòng vòng để tránh phải TLDP nợ xấu.

Tuy nhiên, với những quy định mới việc TLDP cho trái phiếu khắt khe hơn trước. Do vậy, với những NH mà các khoản dự phòng này chưa được TLDP đầy đủ trong năm 2014, chi phí dự phòng trái phiếu trong năm 2015 cũng sẽ tăng mạnh.

Rõ ràng tới đây áp lực nợ lên lợi nhuận của các  NH là rất lớn và cụ thể hơn. Bức tranh về tình trạng kinh doanh theo đó cũng sẽ có sự phân hóa trong năm 2015.

Các tin khác