Doanh nghiệp cần sòng phẳng với người tiêu dùng

Thời gian qua, giá xăng dầu giảm mức kỷ lục khoảng 35%, đây là tin vui đối với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam. Niềm vui sẽ được nhân lên nếu các mặt hàng tiêu dùng theo đó cũng giảm giá.

Thời gian qua, giá xăng dầu giảm mức kỷ lục khoảng 35%, đây là tin vui đối với hàng triệu người tiêu dùng Việt Nam. Niềm vui sẽ được nhân lên nếu các mặt hàng tiêu dùng theo đó cũng giảm giá.

 

Tuy nhiên, trên thực tế, biên độ giá cả không thay đổi theo hướng có lợi cho người tiêu dùng khi nhiều mặt hàng vẫn “găm” giá, nhiều đơn vị vận tải cố tình im hơi lặng tiếng.

Dân mòn mỏi chờ

Theo ghi nhận thực tế tại Thành phố Hồ Chí Minh, người dân, đặc biệt những người có thu nhập thấp đều vui mừng trước việc giá xăng giảm. Tuy nhiên, việc xăng dầu "đơn độc" giảm giá còn những dịch vụ, mặt hàng khác "ăn theo" giá xăng vẫn giữ nguyên giá, khiến người lao động, thu nhập thấp tỏ ra thất vọng.

Huỳnh Thị Cẩm Nhi, sinh viên trường Đại học Y Dược Thành phố Hồ Chí Minh, cho biết, thời gian đầu vào thành phố học, gia đình cố gắng gửi mỗi tháng 2 triệu đồng để cô lo chi phí sinh hoạt, học tập. Sau đó, gia đình gửi tiền theo khả năng lo liệu, khoảng từ 1-1,5 triệu đồng/tháng.

Trong số này, Nhi phải chi trả tiền nhà 700.000 đồng/tháng, thêm điện nước và chi phí khác tổng cộng khoảng 800.000 đồng/tháng. Mọi chi phí cho sinh hoạt chỉ gói gọn trong số tiền 700.000 đồng còn lại.

Theo Cẩm Nhi, để tiết kiệm, cô không sử dụng xe máy. Thông tin giá xăng giảm khiến Nhi cũng rất mừng vì nghĩ rằng giá các mặt hàng khác cũng giảm theo. Nhưng thực tế cho thấy, giá nhiều mặt hàng tiêu dùng vẫn như cũ.

Chị Bùi Thanh Thúy, ngụ tại quận Phú Nhuận chia sẻ, hàng ngày, phải lo bữa ăn cho 6 thành viên trong gia đình nên khi thấy mặt hàng xăng dầu, gas giảm giá liên tục chị kỳ vọng giá các mặt hàng thiết yếu sẽ giảm theo nhưng đến nay vẫn chưa được điều chỉnh.

Chị Thuý than, khi xăng dầu lên giá, các đơn vị sản xuất, kinh doanh tăng giá sản phẩm nhưng khi mặt hàng này giảm giá lại không thấy động thái gì, như vậy không tuân theo quy luật giá cả thị trường, lợi ích chính đáng của người tiêu dùng chưa được đảm bảo.

Tương tự, chị Kim Dung, Quận 9, thường xuyên đi chợ cho biết, một số mặt hàng rau củ có giảm giá (như cà chua, súplơ…) nhưng đây là giảm theo mùa giống như mọi năm. Nhiều loại rau khác và mặt hàng tươi sống, hàng tiêu dùng vẫn giữ nguyên giá.

Theo những người bán lẻ, do giá lấy hàng ở chợ đầu mối vẫn như trước đây nên không giảm được giá.

Theo phản ánh của nhiều công nhân làm ở các khu chế xuất, khu công nghiệp trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh, qua thực tế đi chợ hàng ngày, giá các mặt hàng hầu như không giảm.

Trước đây, mỗi lần xăng tăng giá, hàng loạt các mặt hàng tiêu dùng cũng tăng theo điều này tác động lớn đời sống người dân, nhưng lần này giá xăng giảm mà giá các mặt hàng khác không giảm trong khi, chi phí cuộc sống công nhân vẫn còn chật vật, khó khăn.

Hàng hóa, dịch vụ "neo giá"

Mặc dù giá xăng dầu liên tục giảm trong thời gian qua, nhưng khảo sát thực tế diễn biến thị trường cho thấy, không chỉ các cửa hàng ăn uống, dịch vụ, thực phẩm… "neo giá" mà các đơn vị sản xuất, kinh doanh cũng không giảm giá thành sản phẩm.

Tại Thành phố Hồ Chí Minh, ngoài các sản phẩm nằm trong những chương trình khuyến mãi, giảm giá nhẹ nhân dịp Tết Nguyên đán Ất Mùi 2015, nhìn chung giá cả các mặt hàng đang "neo" ở mức cũ.

Tại các chợ bán lẻ trên địa bàn Thành phố Hồ Chí Minh như Bến Thành, Bà Chiểu, Quách Thị Trang, Hòa Hưng…, giá các mặt hàng thiết yếu như thủy hải sản, rau củ, quả, đồ khô… vẫn duy trì mức giá trong nhiều tháng nay.

Ông Thanh Tùng, tiểu thương kinh doanh ngành hàng thủy hải sản tại chợ Nguyễn Văn Trỗi, quận 3, cho biết hiện nay, giá thủy hải sản không biến động nhiều, mức tăng-giảm dao động trong biên độ từ 2.000-5.000 đồng, tùy theo loại. Mặt khác, giá hàng hóa lấy sỉ không được giảm nên tiểu thương không thể giảm giá bán lẻ cho người tiêu dùng.

Không chỉ các mặt hàng thiết yếu mà những điểm kinh doanh, dịch vụ ăn uống, càphê – nước giải khát, cơm trưa… cũng vẫn duy trì mức giá cũ và ở mức cao. Cụ thể, giá điểm tâm sáng đang được niêm yết phổ biến từ 25.000-40.000 đồng/phần, cơm trưa văn phòng 27.000-50.000 đồng/phần.

Chủ quán Ánh Việt, kinh doanh Bún chả Hà Nội cho biết, các nguyên liệu đầu vào vẫn ở mức giá như trước, điển hình thịt lợn giá 120.000 đồng/kg, xà lách 25.000-40.000 đồng/kg, rau thơm các loại 35.000 đồng/kg… nên không thể giảm giá bán được.

Bên cạnh đó, nhiều cơ sở kinh doanh ăn uống cho rằng, giá xăng dầu không tác động nhiều đến mức có thể điều chỉnh giá các mặt hàng, do đó dịch vụ ăn uống vẫn duy trì mức giá hiện tại và tăng các dịch vụ hậu mãi như miễn phí nước uống, khăn lạnh để giữ khách.

Dưới góc độ nhà nghiên cứu, phó giáo sư-tiến sỹ Lê Vũ Nam, Trưởng Khoa Luật, Trường Đại học Kinh tế-Luật (Đại học Quốc gia Thành phố Hồ Chí Minh), cho rằng hiện, giá xăng giảm khá sâu nhưng giá cước phí vận chuyển trên thực tế chưa giảm hoặc có giảm không đáng kể. Mặt khác, giá cả các mặt hàng thiết yếu vẫn giữ nguyên, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Các doanh nghiệp cần phải sòng phẳng và chia sẻ với người tiêu dùng.

Khi giá xăng tăng thì cước phí vận chuyển và giá cả hàng hóa, dịch vụ lập tức tăng theo, thậm chí cao hơn nhiều so với mức tăng giá của xăng. Và khi ấy, người tiêu dùng cũng đã chấp nhận, chia sẻ. Đây là thời điểm các doanh nghiệp nên chia sẻ với người tiêu dùng trên tinh thần “có đi, có lại”.

Các tin khác