Kinh tế VN: Thoát bất ổn vĩ mô, chưa thoát trì trệ

Hôm nay 22-1-2015, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt”. Năm 2014, kinh tế nước ta được nhìn nhận đã thoát được bất ổn vĩ mô, song năm 2015 lại là một thách thức khi bước vào năm cuối cùng của giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế (2011-2015), bắt đầu thực thi nhiều hiệp định thương mại. Trước thềm hội thảo, ĐTTC ghi nhận ý kiến của TS. Trần Du Lịch.

Hôm nay 22-1-2015, Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Thời báo Kinh tế Việt Nam tổ chức Hội thảo “Hội nhập sâu rộng, cạnh tranh khốc liệt”. Năm 2014, kinh tế nước ta được nhìn nhận đã thoát được bất ổn vĩ mô, song năm 2015 lại là một thách thức khi bước vào năm cuối cùng của giai đoạn tái cơ cấu nền kinh tế (2011-2015), bắt đầu thực thi nhiều hiệp định thương mại. Trước thềm hội thảo, ĐTTC ghi nhận ý kiến của TS. Trần Du Lịch.

2013-2014: Giai đoạn phục hồi

Từ năm 2012, chính sách kinh tế nước ta đã chuyển hướng sang mục tiêu ưu tiên kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô. Tuy nhiên, sức mua chung của nền kinh tế suy giảm tạo nên vòng luẩn quẩn: sức mua giảm - tồn kho tăng - sản xuất giảm - nợ xấu tăng - tín dụng giảm…

Điều này dẫn tới tăng trưởng GDP bình quân 4 năm 2011-2014 chỉ đạt 5,7%/năm, khá thấp so với mục tiêu Đại hội XI đề ra bình quân 7-7,5%/năm và thấp hơn mức điều chỉnh theo theo Nghị quyết của Quốc hội 6,5-7%/năm (tốc độ tăng GDP bình quân giai đoạn 2006-2010 là 7%/năm). Có thể nói giai đoạn 2011-2014 là thời kỳ nền kinh tế tăng trưởng dưới tiềm năng và mục tiêu quan trọng nhất của chính sách Nhà nước là ổn định vĩ mô, khắc phục tình trạng bất ổn kéo dài.

Sự đứng vững và phát triển không ngừng của khu vực FDI trước những biến động kinh tế vĩ mô trong 3 năm qua cho thấy sự phát triển thiếu bền vững của khu vực kinh tế trong nước. Chắc chắn từ thực tiễn của tình hình 3 năm 2012-2014, các DN sẽ rút ra được nhiều bài học để khắc phục những hạn chế, yếu kém trong các năm tới.

Trong 3 năm 2012-2014, hệ quả của các biện pháp giảm tổng cầu đã tác động kiềm hãm sức mua của thị trường và tốc độ tăng trưởng kinh tế. Số lượng doanh nghiệp (DN) ngưng hoạt động, phá sản, giải thể có xu hướng tăng nhanh từ đầu năm 2012 và kéo dài sang năm 2014.

Vì thế, trong suốt 2 năm 2013 và 2014 nền kinh tế vẫn đối diện với 4 thách thức: (i) Nguy cơ tái lạm phát cao kèm theo sự trì trệ của thị trường đã thu hẹp dư địa của các chính sách tài khóa và tiền tệ.

(ii) Tình hình nợ xấu chưa được cải thiện nên dòng tín dụng vẫn bị tắc nghẽn, nền kinh tế không hấp thụ được vốn. Tình trạng thừa tiền thiếu vốn còn kéo dài. Khả năng tiếp cận vốn của DN vẫn còn khó khăn, nhất là DNNVV.

(iii) Do lạm phát kỳ vọng cả năm 6,5-7%, nên việc kéo giảm lãi suất tiết kiệm tiền gửi bị hạn chế và lãi suất cho vay dù đã kéo giảm nhiều lần nhưng vẫn còn khá cao, đặc biệt lãi suất vay trung - dài hạn, nên  không kích thích được DN đang có thị trường mở rộng đầu tư và vẫn là nguy cơ làm tăng nợ xấu đối với những DN đang nỗ lực phục hồi sản xuất.

(iiii) Những nỗ lực để làm ấm thị trường bất động sản chưa mang lại nhiều kết quả, nên thanh khoản của thị trường này ít được cải thiện.

Cho đến thời điểm cuối năm 2014, có thể nói những khó khăn của nền kinh tế đã được cải thiện phần nào. Theo đó, GDP  năm 2014 tăng 5,93%; lạm phát được kiểm soát (tăng 1,86%), thấp nhất trong 10 năm qua. Đặc biệt hàng tồn kho ngành công nghiệp chế biến chỉ tăng 9,4% so với mức tăng 21,5% cùng kỳ 2013; thanh khoản ngân hàng thương mại (NHTM) có sự ổn định hơn so với các năm trước; thành quả nổi bật là kinh tế vĩ mô ổn định hơn, lạm phát được kiểm soát, lãi suất giảm, tỷ giá ổn định…

2014-2015: Vượt qua thách thức

Dự báo bức tranh kinh tế thế giới trong năm 2015 cho thấy kinh tế Việt Nam vừa có cơ hội nhưng cũng vừa đứng trước những thách thức, nhất là lĩnh vực xuất khẩu nông sản. Từ đầu tháng 5-2014, do tác động của tình hình biển Đông đã có những ảnh hưởng nhất định đến môi trường kinh tế vĩ mô, niềm tin thị trường.

Tuy nhiên, cho đến nay tình hình diễn biến bình thường và nền kinh tế vẫn đang trong giai đoạn phục hồi. Sự thay đổi chính sách từ sự kiềm chế lạm phát bị động sang lạm phát mục tiêu sẽ tạo dư địa cho việc thực thi chính sách tài khóa và tiền tệ trong 2 năm 2014-2015; trong đó có sự tăng chi tiêu công qua việc tăng phát hành trái phiếu chính phủ và tăng dư nợ tín dụng, giảm lãi suất.

Năm 2015 có nhiều nhân tố để tin rằng nền kinh tế Việt Nam sẽ phục hồi dần tốc độ tăng trưởng, niềm tin của thị trường được củng cố và DN có triển vọng phát triển bền vững hơn. GDP năm 2015 dự kiến tăng 6,2%. Tất cả những điều này đặt kỳ vọng những nỗ lực của Chính phủ trong việc đổi mới mạnh mẽ  thể chế, hoàn thiện hệ thống pháp luật, bảo đảm sự vận hành của cơ chế thị trường.

Những nỗ lực của Chính phủ trong việc cải cách thể chế, đẩy mạnh mục tiêu tái cơ cấu 3 lĩnh vực ưu tiên: đầu tư công, hệ thống NHTM và DNNN. Theo đó, các giải pháp điều hành của Chính phủ trong năm 2015 thông qua Nghị quyết 01/NQ-CP đều hướng vào mục tiêu phục hồi khu vực kinh tế trong nước, giải quyết đồng bộ 4 vấn đề: sức mua thị trường, xử lý nợ xấu của hệ thống NHTM gắn với chính sách tiền tệ linh hoạt, làm ấm thị trường bất động sản và hỗ trợ sự phục hồi tăng trưởng của 5 lĩnh vực kinh tế ưu tiên trong nước (nông nghiệp, sản xuất hàng xuất khẩu, DNNVV, công nghiệp hỗ trợ và sản phẩm công nghệ cao).

Về những thách thức trước mắt, dù từ giữa năm 2013 và cả năm 2014, nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi, nhưng vẫn còn trì trệ, tốc độ tăng trưởng chậm và đang phải đối diện với những khó khăn ngắn hạn, chứa đựng nhiều nguy cơ tiềm ẩn có thể gây mất ổn định trở lại.

Vì thế, cần giải quyết vấn đề ngắn hạn, vừa phải tập trung cho các vấn đề trung - dài hạn. Đặc biệt trong bối cảnh một nền công nghiệp chủ yếu dựa vào gia công, với lao động rẻ, giá trị gia tăng thấp, đã khiến nền kinh tế giảm sức cạnh tranh khi hội nhập; năng suất tổng hợp (TPF) giảm; tái cơ cấu và chuyển đổi mô hình tăng trưởng đang vướng mắc về mặt tư duy.

Tái cơ cấu đầu tư công

Tái cơ cấu đầu tư công phải được đặt trong tổng thể tái cơ cấu nền kinh tế và phải gắn với mục tiêu tái cơ cấu nền kinh tế. Trọng tâm tái cơ cấu nền kinh tế giai đoạn 2011-2015 tập trung 3 nội dung: đầu tư công, DNNN và hệ thống NHTM, nhưng cần gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng kinh tế.

Tuy nhiên, cho đến thời điểm này chủ trương tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế gắn với chuyển đổi mô hình tăng trưởng chưa thực sự đi vào thực tiễn; chưa có chính sách và giải pháp cụ thể nào tác động để dẫn dắt DN tham gia quá trình tái cơ cấu như trong lĩnh vực nông nghiệp hay chuyển từ nền công nghiệp gia công sang sản xuất; thay đổi nhận thức về cơ cấu kinh tế địa phương…

Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã từng chỉ rõ tái cơ cấu chỉ mới giải quyết phần ngọn của vấn đề chứ chưa giải quyết phần gốc. Vì thế cần chỉ rõ nguyên nhân sâu xa gây lãng phí và kém hiệu quả của đầu tư công là cơ chế phân cấp đầu tư “theo kiểu khoán trắng” cho địa phương, trong khi Trung ương không kiểm soát được phần ngân sách đã phân cấp cho địa phương.

Cần lý giải do nguyên nhân nào nhiều địa phương còn nghèo, ngân sách eo hẹp vẫn ưu tiên xây dựng cơ quan nhà nhà nước hoành tráng, trong khi không có tiền để đầu tư phúc lợi thiết yếu cho Nhân dân. Cần phải có chính sách đủ mạnh để thúc đẩy quá trình tái cơ cấu tổng thể nền kinh tế, đặc biệt 3 lĩnh vực: tái cơ cấu nền nông nghiệp và chuyển nền công nghiệp gia công sang sản xuất và phát triển kinh tế vùng thay cho cơ cấu kinh tế địa phương.

Hệ quả của các biện pháp giảm tổng cầu đã kìm hãm sức mua của thị trường. Ảnh: CAO THĂNG

Hệ quả của các biện pháp giảm tổng cầu đã kìm hãm sức mua của thị trường.
Ảnh: CAO THĂNG

Thực tế chỉ ra rằng nếu một nền tài chính công, với bội chi liên tục để đầu tư trong 10 năm mà không tạo ra được hiệu quả có khả năng tạo ra giá trị cao hơn, thể hiện sự thặng dư cho "tái sản xuất mở rộng", thì nguy cơ mất an toàn sẽ xảy ra.

Nói cụ thể: Nếu năm 2006 bắt đầu bội chi bằng nguồn vay dưới nhiều hình thức để đầu tư, ở thời điểm chưa có thặng dư giữa nguồn thu và chi thường xuyên, thì vào thời điểm 2016, phải có thặng dư ngân sách cho đầu tư, sau khi chi thường xuyên và trả nợ đến hạn. Nước ta đang diễn ra tình hình ngược lại, nên có thể đánh giá là vay đầu tư không mang lại sự thặng dư cho tài nguyên ngân sách.

Với cách tính như vậy tôi đề nghị phân tích và đánh giá tình hình vay nợ trong 10 năm qua và xây dựng chiến lược tài chính công trong 10 năm tới, khi đó mới có sở đánh giá về tính an toàn, tránh rơi vào tình trạng vỡ nợ.

Các tin khác