Kỳ vọng Davos

Một lần nữa những người quyền lực và giàu có nhất hành tinh lại tụ họp ở Davos, Thụy Sĩ để tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra từ ngày 21 đến 24-1. Diễn đàn năm nay sẽ bàn đến những vấn đề gì, có sức ảnh hưởng ra sao?

Một lần nữa những người quyền lực và giàu có nhất hành tinh lại tụ họp ở Davos, Thụy Sĩ để tham dự cuộc họp thường niên của Diễn đàn Kinh tế thế giới (WEF) diễn ra từ ngày 21 đến 24-1. Diễn đàn năm nay sẽ bàn đến những vấn đề gì, có sức ảnh hưởng ra sao?

Là một diễn đàn, dĩ nhiên WEF chỉ là nơi nói chuyện, nhưng nó là một diễn đàn có tầm ảnh hưởng lớn nhất thế giới. WEF ra đời vào năm 1971, với ý tưởng rất đơn giản: tụ họp những nhà lãnh đạo doanh nghiệp hàng đầu tại một nơi yên tĩnh để giúp họ thoát khỏi những áp lực thường ngày về công việc và lợi nhuận. Tại đó họ có thể tự do trao đổi ý kiến, đồng thời có thể ký kết một hai thỏa thuận.

Sáng lập viên của diễn đàn là GS. Klaus Schwab, hiện vẫn là người điều hành WEF, gọi đây là “một nền tảng cho tư duy hợp tác và tìm kiếm giải pháp, chứ không phải đưa ra quyết định”. Trải qua nhiều năm phát triển, diễn đàn hàng năm quy tụ hơn 2.500 nhân vật quyền lực và giàu có đến từ 140 nước, hàng trăm nhà báo, khoảng 40 nguyên thủ, lãnh đạo cấp cao các nước và rất nhiều chính trị gia. WEF không chỉ nói chuyện của giới kinh doanh, mà quan tâm đến cả các lĩnh vực nghệ thuật, chính trị, xã hội, nhân đạo…

Năm nay, trong bối cảnh những vụ thảm sát, bắt cóc con tin đẫm máu vừa diễn ra ở Pháp, cộng với sự tham gia của Tổng thống Pháp François Hollande, diễn đàn chắc chắn sẽ nhắc đến việc làm thế nào để ngăn chặn những thảm kịch tương tự.

Kinh tế dĩ nhiên là vấn đề chủ chốt của diễn đàn ở Davos, đặc biệt khi nó diễn ra trùng khớp việc Thống đốc ECB Mario Draghi công bố gói nới lỏng định lượng (QE) sắp tới của ngân hàng này và ngay sau tuyên bố bất ngờ của Thụy Sĩ về việc cắt liên kết với đồng EUR. Giá dầu lao dốc là chủ đề nổi bật của diễn đàn, với sự tham dự của các diễn giả liên quan đến năng lượng như Chủ tịch Saudi Aramco Khalid Al Falih và CEO General Motors Mary Barra, Abdullah Al Badri của OPEC…

Cả thế giới đều muốn nghe những nhân vật này dự báo giá dầu sẽ duy trì ở mức thấp bao lâu và xuống tới mức nào. Giá dầu ở dưới 40USD/thùng kéo dài trong 6 tháng chắc chắn sẽ châm ngòi cho những thay đổi lớn lao trên thế giới. Nhưng mức giá 60-80USD/thùng là thứ hầu hết các nền kinh tế có thể vui vẻ chấp nhận.

Davos, nơi tụ họp hàng năm của các nhân vật quyền lực và giàu có nhất thế giới.

Davos, nơi tụ họp hàng năm của các nhân vật quyền lực và giàu có nhất thế giới.

Môi trường cũng là một đề tài luôn được chú ý ở Davos. Dự kiến trong kỳ này các lãnh đạo chính phủ và doanh nghiệp sẽ thảo luận các ưu tiên sắp tới cho vòng đàm phán tiếp theo để cho ra đời một hiệp ước thế giới khác sau khi Nghị định thư Kyoto hết hạn.

Những diễn giả đến từ các nước mới nổi cũng được chú ý đặc biệt, trong đó có Thủ tướng Trung Quốc Lý Khắc Cường. Người ta muốn nghe nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sẽ chuẩn bị những cách ứng phó nào đối với việc tăng trưởng kinh tế chậm lại. Ngoài ra còn có nhiều cuộc tranh luận xoay quanh việc tìm kiếm một loại thuốc đặc trị Ebola và cái gọi là "chính niệm" trong kinh doanh. Theo Ban tổ chức, sẽ có trên 200 phiên thảo luận và hội thảo, trong đó 22 phiên được truyền hình trực tiếp.

Quy mô của diễn đàn rõ ràng là rất lớn, nhưng vấn đề là nội dung thảo luận của nó hoàn toàn diễn ra một cách tự do và không có ràng buộc gì về phía nhà tổ chức. Tuy nhiên, với những thỏa thuận song phương, đa phương của các đại biểu tham gia, diễn đàn vẫn có một sức ảnh hưởng rất lớn, và luôn được cả thế giới theo dõi và kỳ vọng.

Các tin khác