ERP nâng chất quản trị

Nói đến quản trị DN, nhiều người sẽ nghĩ đến các yếu tố như chiến lược, phương pháp quản trị hay con người. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản trị (ERP) cũng đóng vai trò sống còn. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Mai Công Nguyên (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ ERP FPT, nhận định:

Nói đến quản trị DN, nhiều người sẽ nghĩ đến các yếu tố như chiến lược, phương pháp quản trị hay con người. Nhưng trong giai đoạn hiện nay, hệ thống công nghệ thông tin (CNTT) phục vụ công tác quản trị (ERP) cũng đóng vai trò sống còn. Trao đổi với ĐTTC về vấn đề này, ông Mai Công Nguyên (ảnh), Tổng giám đốc Công ty TNHH Dịch vụ ERP FPT, nhận định:

Những năm gần đây, DN trong nước đã tích cực đầu tư hệ thống ERP. Theo đó, năm 2013 trong top 10 DN tư nhân hàng đầu của bảng xếp hạng VNR500 có 3 DN sử dụng ERP, đến năm 2014 con số này đã nâng lên 6 DN. Lĩnh vực sản xuất đứng đầu về số DN đầu tư ERP, tiếp đến là khối ngân hàng, xây dựng và dịch vụ.

Tuy nhiên, với đại bộ phận DN, việc hệ thống hóa/số hóa công tác quản trị vẫn chỉ dừng ở mức sử dụng hệ thống báo cáo, bảng biểu, sổ sách bằng excel hay các phần mềm rời rạc. Việc điều hành sản xuất, kinh doanh vẫn còn nhiều yếu tố thủ công, cảm tính nên không kịp thời và chính xác, nhất là trong môi trường kinh doanh biến động như hiện nay.

PHÓNG VIÊN: - Vậy ERP có vai trò như thế nào đối với DN, thưa ông?

Ông MAI CÔNG NGUYÊN: - Hiện nay, phần lớn DN luôn đối mặt với rất nhiều thách thức cần phải vượt qua để bắt kịp với tốc độ của sự đổi mới. Trong cuộc chiến này DN vất vả kiểm soát chi phí và lợi nhuận, lúng túng xác định chiến lược phát triển, đau đầu giữ chân nhân tài và bố trí nhân lực hiệu quả…

Mục đích của hệ thống ERP là giúp DN cải thiện cách thức điều hành, năng lực cạnh tranh, quản lý nhân lực tốt hơn, quan sát tốt hơn các chỉ số hoạt động, lợi nhuận cao hơn, quản lý kho hàng tốt hơn, kiểm soát tốt hơn các chi phí, doanh thu tăng hơn, quan hệ với nhà cung cấp và khách hàng tốt hơn...

ERP còn giúp DN tối ưu hóa các nguồn lực của mình và mở cửa chào đón các nhà cung cấp, khách hàng, đối tác. Đặc biệt, ERP giúp DN trở thành tổ chức học hỏi, cùng trưởng thành và vươn tới đẳng cấp quốc tế ngay từ khi bắt đầu làm ERP, không chỉ đợi đến khi hệ thống này vận hành.

- Hiện nay nhiều DN vẫn băn khoăn về chi phí đầu tư ERP bởi nó rất tốn kém?

- DN muốn làm ERP phải chuẩn bị thật tốt nguồn lực cho dự án. Một dự án ERP thường có thời gian nhiều tháng, bao gồm nhiều giai đoạn từ khảo sát, thiết kế, xây dựng đến đào tạo, chạy thử, chuyển giao, rồi vận hành, bảo trì. Để phát triển ERP cần sự kết hợp giữa đội ngũ dự án của đối tác triển khai và đội ngũ dự án của DN dưới sự chỉ đạo của ban quản lý dự án.

Các cán bộ, nhân viên DN tham gia dự án là người trực tiếp đưa ra yêu cầu, đánh giá chạy thử, được đào tạo chuyển giao hệ thống và đưa hệ thống ERP vào vận hành. Muốn ERP thành công, trước hết DN cần thống nhất với đối tác các yêu cầu, kế hoạch triển khai. Khi guồng máy đã khởi động, DN cần chủ động phối hợp, tích cực tháo gỡ khó khăn cùng đối tác và luôn tuân thủ kế hoạch ban đầu.

Thực tế đã có nhiều dự án ERP kéo dài hoặc dang dở không phải vì lý do tài chính hay chuyên gia triển khai yếu, mà do nguồn lực DN chưa được chuẩn bị tốt, hợp tác thiếu hiệu quả, quản trị dự án chưa sâu sát, xử lý các vấn đề phát sinh không hợp lý. Với DN có nhu cầu làm ERP, đội ngũ tư vấn chuyên nghiệp của chúng tôi sẽ giới thiệu giải pháp với tổng chi phí phù hợp với điều kiện tài chính, tổ chức, con người của DN đó.

Chúng tôi đã xây dựng và triển khai từ các bộ giải pháp ERP lớn cho các tập đoàn, tổng công ty cho đến các gói giải pháp nhỏ thích hợp với DNNVV. Giải pháp ERP trên nền điện toán đám mây (ERP Cloud) được chúng tôi triển khai trong năm 2015 sẽ mang lại cơ hội lớn hơn cho DNNVV được tiếp cận và sử dụng ERP.

- Dự báo xu hướng ứng dụng ERP của ông trong những năm tới?

- Tại thời điểm hiện nay, ở Việt Nam không chỉ Tập đoàn FPT mà đã có nhiều DN có hệ thống quản trị ERP hiện đại. Chúng tôi đã xây dựng nhiều hệ thống ERP cho các tập đoàn kinh tế hàng đầu Việt Nam như Petrolimex, Vingroup, Trung Nguyên, Vinamilk, Minh Phú; các ngân hàng VietinBank, BIDV, MSB; và nhiều DN khác trong các lĩnh vực xây dựng, sản xuất, thương mại.

Tuy tỷ lệ DN ứng dụng ERP vẫn còn khiêm tốn nhưng chúng tôi cho rằng xu hướng ứng dụng ERP là tất yếu. Việc đầu tư ERP sẽ giúp DN tăng sức cạnh tranh ở trong nước và thêm cơ hội kinh doanh ở khu vực. Tuy nhiên, để việc đầu tư ERP phát huy hiệu quả, DN cần tính toán rất kỹ lưỡng, đặc biệt trong bối cảnh kinh tế còn nhiều khó khăn. 

Việc DN đầu tư cho ERP không chỉ nhằm phục vụ cho chính mình, hay chỉ để cạnh tranh với các đối thủ quen thuộc tại thị trường trong nước, mà còn để cạnh tranh sòng phẳng với các đối thủ nước ngoài trên chính sân nhà của chúng ta, đồng thời tạo tiềm lực để vươn ra tìm kiếm thị trường nước ngoài. Như vậy, đầu tư cho ERP gần như là điều bắt buộc để DN tăng lợi thế cạnh tranh cho mình.

Thí dụ, năm 2014, FPT đã khẳng định năng lực CNTT của mình tại thị trường nước ngoài bằng việc tiếp tục thắng 14 gói thầu với tổng giá trị lên tới 26,4 triệu USD. Các thị trường như Campuchia, Myanmar, Philippines, Bangladesh… là những điểm sáng toàn cầu hóa nổi bật của FPT trong năm qua.

Để đạt được những kết quả đó tại thị trường nước ngoài đòi hỏi không chỉ có quyết tâm và tài chính mà cần phải có năng lực thật sự của DN. Đó là bề dày kinh nghiệm triển khai các dự án hệ thống thông tin, năng lực trong công nghệ và trình độ tư vấn, quản trị khách hàng.

Khó khăn ban đầu có thể là những vấp váp về văn hóa, ngôn ngữ nhưng chất lượng dịch vụ cung cấp mới là yếu tố quyết định.

- Xin cảm ơn ông.

Các tin khác