Truyền hình không thực tế

Trong sự cạnh tranh thông tin thời kỹ thuật số, các chương trình tương tác mang tính thực tế được xác định là một hướng đi khôn ngoan của ngành truyền hình. Thế nhưng, những gì xuất hiện trên màn ảnh nhỏ liên tục khiến công chúng phải ngao ngán.

Trong sự cạnh tranh thông tin thời kỹ thuật số, các chương trình tương tác mang tính thực tế được xác định là một hướng đi khôn ngoan của ngành truyền hình. Thế nhưng, những gì xuất hiện trên màn ảnh nhỏ liên tục khiến công chúng phải ngao ngán.

Chương trình “Điều ước thứ 7” phát sóng trên VTV3 ngày 10-1 nói về một cặp vợ chồng nghèo ở Anh Sơn - Nghệ An đam mê âm nhạc. Người vợ tên Đào khiếm thị từ nhỏ, song người chồng tên Thanh được giới thiệu đã tốt nghiệp Học viện Âm nhạc quốc gia vẫn yêu thương và nên duyên phu thê. Vợ chồng Đào - Thanh sống bằng nghề hát rong, có một đứa con gái đặt tên Sao Mai với mơ ước lớn lên cháu sẽ tham gia Sao Mai - Điểm hẹn. Đáng tiếc, câu chuyện xúc động ấy hoàn toàn không phải sự thật. Thanh sinh ra trong một gia đình chài lưới ở Thanh Hóa và chưa bao giờ bước chân vào trường nhạc nào. Bẽ bàng hơn, khi “Điều ước thứ 7” phát sóng Thanh đã rời bỏ cuộc hôn nhân này vì đã có vợ và 2 con nơi quê nhà.

Rõ ràng, VTV3 muốn xây dựng một câu chuyện đẹp tựa cổ tích, mà không màng xác định đúng sai. Nếu đủ thiện chí để làm một chương trình mang tính thực tế, VTV3 phải tìm hiểu đầy đủ thông tin về người chồng tên Thanh, chứ không thể hồn nhiên phát sóng như vậy. Cái kiểu tương tác của VTV3 thật khiến khán giả cảm thấy ê chề.

“Điều ước thứ 7” không phải chương trình đầu tiên của VTV3 gây bẽ bàng cho dư luận. Trước đây, VTV3 từng phát hình thí sinh chương trình “Vua bếp” chặt đầu con ba ba làm người xem bàng hoàng. Tiếp đến VTV3 “có phần trách nhiệm” khi cho lên sóng chương trình “Tìm kiếm tài năng Việt Nam” với một thí sinh uống nhầm a-xít. Tệ tại hơn, một chương trình lâu năm như “Ai là triệu phú” cũng nảy sinh tình huống khó chấp nhận. Với câu hỏi: Theo một câu hát thì: “Ba thương con vì con giống mẹ. Mẹ thương con vì con giống… ai?” và những người thực hiện đưa ra 4 đáp án: A. Ông hàng xóm; B. Chú cạnh nhà; C. Ba; D. Bác đầu ngõ. Không thể ngờ, một câu đùa vô cùng khiếm nhã như vậy cũng xuất hiện trên kênh truyền hình quốc gia.

Không ai phủ nhận những đóng góp của truyền hình trong đời sống văn hóa hôm nay. Tuy nhiên, những chương trình thực tế VTV3 đang dàn dựng rất cần phải cân nhắc lại một cách nghiêm túc. Nếu cứ chạy theo lợi nhuận và phó thác các chương trình thực tế cho những công ty tư nhân góp vốn đầu tư, VTV3 sẽ dần đánh mất thương hiệu chính mình.

Các tin khác