Đà Nẵng: Bất cập quỹ đất tái định cư

Dư hàng ngàn lô đất tái định cư do cán bộ giấu nhẹm trong nhiều năm liền, thế nhưng người dân phải đi thuê nhà trọ để ở. Điều này đã gây bức xúc cho người dân Đà Nẵng trong thời gian dài. Tuy nhiên, với số đất dôi dư lòi ra sau khi đích thân lãnh đạo TP đi kiểm tra, Đà Nẵng lại gặp vướng mắc trong xử lý.

Dư hàng ngàn lô đất tái định cư do cán bộ giấu nhẹm trong nhiều năm liền, thế nhưng người dân phải đi thuê nhà trọ để ở. Điều này đã gây bức xúc cho người dân Đà Nẵng trong thời gian dài. Tuy nhiên, với số đất dôi dư lòi ra sau khi đích thân lãnh đạo TP đi kiểm tra, Đà Nẵng lại gặp vướng mắc trong xử lý.

Ém đất

Sự việc lần đầu tiên được công khai tại kỳ họp thứ 11 HĐND TP Đà Nẵng tổ chức hồi trung tuần tháng 12-2014, khi đích thân Phó Chủ tịch UBND TP Đà Nẵng Võ Duy Khương đăng đàn trả lời bức xúc của cử tri. Theo ông Khương, tính đến thời điểm tháng 12-2014, qua thống kê, toàn TP còn 14.526 lô đất tái định cư chưa bố trí.

Sở dĩ có số đất này do thời gian qua TP đã tiến hành giải tỏa 100.000 hộ dân. Trong quá trình giải tỏa, di dời, bố trí đất cho người dân, TP đã giao cho 17 đơn vị, ban ngành có liên quan làm công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư để đảm bảo thời gian tiến độ, vì khối lượng công việc phải xử lý nhiều.

Tuy nhiên, trong quá trình triển khai, các ban, đơn vị đã nhập vào, tách ra liên tục nên số liệu thống kê không đảm bảo. Kết quả là đất dư hàng chục ngàn lô, nhưng trong 3 năm qua TP Đà Nẵng phải bỏ ra hơn 36 tỷ đồng hỗ trợ người dân thuê nhà để ở do không bố trí đất tái định cư kịp thời. Đây là sự bất cập gây lãng phí lớn đối với ngân sách của TP mà trách nhiệm thuộc về các đơn vị làm công tác đền bù, giải tỏa, tái định cư.

 

Về nguyên nhân không bố trí đất cho dân, ông Võ Duy Khương cho hay: Thứ nhất, do cách điều hành, quản lý của các ban được giao nhiệm vụ còn quá lỏng lẻo. Thứ hai, nhiều ban không trung thực, có hành vi ém nhẹm đất tái định cư. Vì thế, có dự án thiếu đất tái định cư bố trí cho người dân, dự án khác thì "ém" đất, hậu quả TP phải gánh chịu.

Về việc xử lý trách nhiệm những cá nhân, đơn vị để xảy ra sai phạm, ông Khương nói: "Vi phạm này của các đơn vị, các ban, chắc chắn TP sẽ kiểm tra kỹ và xử lý, kể cả những người đã nghỉ hưu. Nếu ai tội nặng thì chuyển hồ sơ cho cơ quan công an vào cuộc làm rõ, có xử lý theo pháp luật”.

Bí thư Thành ủy Đà Nẵng Trần Thọ cũng nói rõ: “Cán bộ ban quản lý dự án, ban giải tỏa đền bù biết được quỹ đất nhưng thiếu trách nhiệm, không báo cáo trung thực và kịp thời, có dấu hiệu lợi ích nhóm, tùy tiện xử lý sai quy định, vượt thẩm quyền nhiều trường hợp. Vai trò thẩm định của Sở Xây dựng không chặt chẽ, Sở Kế hoạch - Đầu tư không sâu sát, ít đi thực tế. Vai trò của Văn phòng UBND TP trong việc tổng hợp, tham mưu giúp UBND TP không tốt”.

Đến nay, việc bố trí đất tái định cư cho người dân đã cơ bản xong. Riêng quỹ đất còn lại trên 1.000 lô, UBND TP Đà Nẵng đưa ra kế hoạch dành một phần để làm các công trình công cộng cho những khu dân cư, như nhà sinh hoạt cộng đồng, nhà văn hóa, còn lại sẽ tiến hành chuyển nhượng thí điểm cho cán bộ, công chức, hộ dân nghèo đang khó khăn về nhà ở.

Vướng quy định

 Với quỹ đất còn dôi dư sau khi bố trí tái định cư cho người dân, Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng đang xây dựng kế hoạch chuyển nhượng thí điểm 1.000 lô đất ở đô thị từ các dự án tái định cư. Trong đó, có khoảng 700 lô đất trên địa bàn quận Cẩm Lệ và 300 lô đất ở huyện Hòa Vang. Đối tượng được chuyển quyền sử dụng là cán bộ, công chức và những đối tượng chính sách, hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở.

Chương trình này nhằm cụ thể hóa chủ trương có nhà ở của Thành ủy, HĐND TP Đà Nẵng; đồng thời tập trung khai thác, đưa vào sử dụng quỹ đất ở đô thị còn dư thừa, tăng nguồn thu cho ngân sách; tránh tình trạng lãng phí khi để đất trống, gây ô nhiễm môi trường, kéo theo nhiều hệ lụy trong công tác quản lý đất đai.

Tuy đã có kế hoạch, nhưng theo ông Nguyễn Chí Thức, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP Đà Nẵng, thực tế vẫn còn nhiều vướng mắc khi quyết định thực hiện chủ trương chuyển quyền sử dụng 1.000 lô đất nói trên. Trước hết, theo quy định của Luật Đất đai hiện hành, quỹ đất ở đô thị đều phải tổ chức đấu giá chuyển quyền sử dụng đất.

Do đó, mọi cá nhân, tập thể đều có quyền tiếp cận, nhận chuyển quyền sử dụng đất. Nguyên tắc đấu giá lấy từ cao xuống thấp để chọn người được quyền mua. Nếu vậy, những đối tượng được ưu tiên khi tiếp cận với quỹ đất do TP ưu tiên bố trí sẽ gặp khó khăn. Bởi, dù nguồn cung đất nền trên thị trường TP Đà Nẵng còn dồi dào, nhưng gần đây giá đất nền phân lô ở các dự án do doanh nghiệp đầu tư đang có dấu hiệu ấm lên.

Đồng thời, khi TP tung ra 1.000 lô đất ở đô thị theo phương thức đấu giá, nhiều đối tượng khách hàng khác cũng sẽ có cơ hội tiếp cận… Lúc đó, số đối tượng cán bộ công chức, hộ nghèo đang khó khăn về nhà ở sẽ không đủ khả năng tài chính để đấu giá với các đối tượng khác.

Giải quyết những vướng mắc này, theo ông Thức, nhóm đối tượng là cán bộ, công chức, đối tượng chính sách cần nhận được sự ưu đãi trực tiếp về giá đất, ghi nợ chuyển quyền sử dụng đất để có thể dễ dàng tiếp cận quỹ đất ở. Theo đó, TP cần xây dựng cơ chế riêng, ưu tiên cho việc tiếp cận quỹ đất ở cho các đối tượng này, trong đó xác định cụ thể về giá, cơ chế hỗ trợ…

Các tin khác