Những vụ bắt cóc chấn động (K2):Thảm sát con tin

Cách nay hơn 10 năm, vụ bắt cóc con tin tại một trường học ở Nga đã kết thúc bằng vụ thảm sát đẫm máu, với hơn 1.100 người thương vong, trở thành một trong những vụ bắt cóc con tin đẫm máu nhất trong lịch sử và để lại những nỗi đau không nguôi.

Cách nay hơn 10 năm, vụ bắt cóc con tin tại một trường học ở Nga đã kết thúc bằng vụ thảm sát đẫm máu, với hơn 1.100 người thương vong, trở thành một trong những vụ bắt cóc con tin đẫm máu nhất trong lịch sử và để lại những nỗi đau không nguôi.

3 ngày căng thẳng

Ngày 1-9-2004, hơn 1.100 học sinh và phụ huynh háo hức tới Trường Số 1 (SNO) ở Beslan, Bắc Ossetia (một khu tự trị trong vùng Bắc Caucasus của Nga) tham dự lễ khai giảng năm học mới. Trước đó, vào sáng sớm, một nhóm gồm 32 tay súng Hồi giáo đã rời nơi cắm trại của chúng ở làng Psedakh, nước Cộng hòa Ingushetia kế bên (phía Đông Cộng hòa Ossetia). Trên đường đến Beslan, chúng đã bắt một cảnh sát Ingushetia, Thiếu tá Sultan Gurazhev.

Ông Gurazhev sau đó trốn thoát được và đến đồn cảnh sát trình báo sự việc. Lúc 9 giờ 11 phút sáng (giờ địa phương), 32 tay súng được trang bị vũ trang hạng nặng đã đến SNO trên 1 xe cảnh sát và 1 xe tải quân đội. Nhiều người ở trường học tưởng họ là lực lượng đặc nhiệm Nga đang tập trận.

Bất ngờ, những kẻ khủng bố nổ súng, bắt 1.100 con tin vào phòng thể dục. 50-100 người định bỏ chạy nhưng không thành. Các tay súng chặn cửa ra vào và cửa sổ trong phòng và bắt đầu cài các thiết bị nổ.

Cách ứng phó với vụ bắt cóc của Chính quyền Tổng thống Vladimir Putin bị một số nhà quan sát và các tổ chức cơ sở, trong đó có tổ chức Những bà mẹ Beslan và Đài Tiếng nói Beslan, chỉ trích gay gắt. Ngay sau khi cuộc khủng hoảng, nghị sĩ độc lập Vladimir Ryzhkov đổ lỗi cho các lãnh đạo hàng đầu của Nga. Liên minh châu Âu cũng chỉ trích cách ứng phó của Moscow.

Bọn bắt cóc yêu cầu được thương thuyết với các nhân vật sau: Aleksander Dzasokhov (Tổng thống Bắc Ossetia), Murat Zyazikov (Tổng thống Ingushetia), Ruslan Aushev (cựu Tổng thống Ingushetia), Leonid Roshal (bác sĩ nhi khoa). Dzasokhov và Zyazikov đã không đến Beslan (Dzasokhov sau đó nói ông bị một Đại tướng cấp cao của Bộ Nội vụ chặn lại, nói được lệnh sẽ bắt nếu ông đi). Trong khi đó, lý do chính khiến ông Zyazikov không đến là “bị bệnh”.

4 giờ sáng ngày 2-9, ông Aushev đã gặp các tay súng và chúng đồng ý phóng thích 26 con tin, gồm phụ nữ và các em bé. Trong khi đó, bác sĩ Roshal tiếp tục đàm phán với những kẻ tấn công, yêu cầu họ cho phép tiếp tế thực phẩm và nước uống cho những người bị giam cầm, nhưng không mang lại kết quả tích cực. Bọn bắt cóc đã đưa cho ông Aushev một cuộn băng, trong đó ghi các yêu cầu của chúng.

Lúc đầu Moscow nói rằng đoạn băng hoàn toàn không có gì, tuy nhiên về sau người ta khẳng định trong đoạn băng bọn bắt cóc đã đưa ra yêu sách Nga phải công nhận độc lập của Chechnya ở Liên hiệp quốc và rút toàn bộ binh lính khỏi Chechnya.

Bước sang ngày thứ 3, nhiều vụ nổ và các đợt nã súng tiếp diễn và làm rung chuyển SNO. Sau buổi trưa, nhóm khủng bố cho phép các nhân viên của Bộ Khẩn cấp tiếp cận khu vực để nhận thi thể những người thiệt mạng. Xác của họ đã nằm phía trước tòa nhà trong 2 ngày.

Khoảng 13 giờ, lực lượng cứu hộ đã tiếp cận hiện trường. Các vụ nổ kèm theo tiếng súng vẫn vang lên trong phòng thể dục. Theo nhân chứng, một kẻ ôm bom tự sát đã nổ tung khiến tình hình trở nên hỗn loạn. Những kẻ khủng bố đã nổ súng vào nhiều con tin khi họ cố bỏ trốn qua một lỗ hổng trên tường. Lực lượng an ninh đã bắn trả và giúp hàng chục người chạy thoát.

Khoảng 14 giờ 20, một ngọn lửa bùng cháy ở hội trường của phòng thể dục. Ngay lập tức, đội cứu hỏa tới hiện trường và sơ tán các con tin. Khoảng 100 binh sĩ thuộc lực lượng đặc nhiệm đã ở bên trong tòa nhà. 5 người trong số họ đã thiệt mạng khi cứu nạn nhân.

Sau cuộc giải cứu lúc 15 giờ, các cuộc đấu súng giữa nhóm khủng bố và đặc nhiệm vẫn diễn ra tại nhiều khu vực khác của trường. Các đơn vị y tế đã tới hiện trường để sơ cứu người bị thương, trước khi chuyển họ tới bệnh viện ở thành phố Beslan và Vladikavkaz. Từ 18-19 giờ, quân đội triển khai súng phun lửa Shmel và 2 xe tăng T-72 trong nỗ lực chống những kẻ khủng bố.

Khoảng 21 giờ 30, lực lượng an ninh đã loại bỏ những kẻ bắt cóc và giành kiểm soát khu vực. Moscow cho biết nỗ lực giải cứu bất thành đã khiến 333 người, trong đó hơn một nửa là trẻ em, thiệt mạng. Tuy nhiên, con số thực tế được cho là cao hơn, trên 385 người thiệt mạng và 783 người bị thương.

Chỉ trích

Những người chỉ trích, bao gồm các cư dân Beslan còn sống sót và thân nhân của các nạn nhân, cho rằng việc chính phủ quyết định càn quét khu vực giam giữ con tin là quá tàn nhẫn. Họ chỉ ra việc sử dụng vũ khí hạng nặng như xe tăng và súng phun lửa Shmel là không thích hợp cho một vụ giải cứu con tin.

Súng Shmel là một loại vũ khí nhiệt áp, đốt cháy không khí, hút oxy ra khỏi một khu vực kín và tạo ra một làn sóng áp lực lớn. Nhà quan sát Pavel Felgenhauer còn cáo buộc chính phủ đã bắn hỏa tiễn từ một chiếc trực thăng chiến đấu Mi-24.

Một số nhà hoạt động nhân quyền cáo buộc ít nhất 80% con tin bị giết chết do đạn lạc của đặc nhiệm Nga. Felgenhauer nói: “Đó không phải là một chiến dịch giải cứu con tin, mà là chiến dịch tiêu diệt khủng bố”.

Chính quyền và cảnh sát địa phương bị chỉ trích đã cho phép vụ bắt cóc xảy ra, đặc biệt những chốt chặn cảnh sát trên đường đến Beslan đã bị dỡ bỏ một thời gian ngắn trước vụ tấn công. Nhiều người nói tham nhũng tràn lan đã cho phép những kẻ tấn công đưa hối lộ để vượt qua các trạm kiểm soát. Trong thực tế, đó là điều bọn bắt cóc đã khoe với con tin.

Nhà quan sát nói Thiếu tá Gurazhev đã bị bọn bắt cóc bắt vì ông ta tiếp cận chiếc xe tải của chúng để đòi hối lộ, vì tưởng rằng đó là xe buôn lậu dầu mỏ. Theo một số tài liệu nội bộ của ngành cảnh sát báo Novaya Gazeta tiếp cận được, cảnh sát liên bang đã biết trước thời gian và địa điểm của vụ bắt cóc.

Gazeta cho biết Moscow đã biết vụ bắt cóc 4 giờ trước khi nó xảy ra từ một chiến binh bị bắt ở Chechnya. Theo thủ lĩnh ly khai Chechnya Shamil Basayev, đường tới Beslan được dỡ bỏ chốt chặn vì FSB có kế hoạch dụ nhóm khủng bố vào rọ để sau đó tiêu diệt.

Hình ảnh tưởng niệm các nạn nhân.

Hình ảnh tưởng niệm các nạn nhân.

Các nhà quan sát cũng chỉ trích chính quyền không ứng phó thích hợp, bao gồm việc không chặn lối vào SNO đối với dân thường, trong khi công tác cứu thương không được chuẩn bị kỹ lưỡng. Nhiều nạn nhân đã chết do không được cấp cứu kịp thời.

Chính quyền Moscow còn bị chỉ trích nặng nề vì đã cô lập cơ sở cấp cứu với thế giới bên ngoài sau vụ bắt cóc, khiến người thân của nạn nhân không thể biết con họ sống hay chết. 2 tháng sau vụ khủng hoảng, người ta vẫn phát hiện những phần thi thể cùng giấy tờ tùy thân trong các bãi rác ở các vùng ngoại ô Beslan.

(Còn tiếp)

Các tin khác