Những vụ bắt cóc chấn động (K1): Con tin đáng giá

Chưa đầy 1 tháng qua đã xảy ra 3 vụ bắt cóc gây chấn động thế giới, khiến nhiều người thiệt mạng. ĐTTC điểm lại những vụ bắt cóc con tin nổi tiếng nhất trong những năm gần đây.

Chưa đầy 1 tháng qua đã xảy ra 3 vụ bắt cóc gây chấn động thế giới, khiến nhiều người thiệt mạng. ĐTTC điểm lại những vụ bắt cóc con tin nổi tiếng nhất trong những năm gần đây.

Tự do của 1 con tin được đổi lại bằng tự do của 1.027 người khác. Đó là trường hợp của Trung sĩ Israel Gilad Shalid trong một vụ bắt cóc được coi là vụ trao đổi hời nhất của bọn bắt cóc từ trước đến nay.

Tấn công bằng đường hầm

Shalit sinh ngày 28-8-1986 ở Nahariya, Israel, trong gia đình của Noam và Aviva Shalit, cùng với anh trai và em gái tại Mitzpe Hila ở Tây Galilee. Anh tốt nghiệp hạng ưu Trường Trung học Manor Kabri và bắt đầu phục vụ trong Lực lượng Quốc phòng Israel từ tháng 7-2005. Mặc dù có hồ sơ sức khỏe thấp, Shalit thích ở trong đơn vị chiến đấu hơn và theo chân anh trai mình, Yoel, vào đơn vị thiết giáp. Anh có 2 quốc tịch Pháp và Israel.

Rạng sáng 25-6-2006, các chiến binh Palestine thuộc Lữ đoàn Ad-Din al-Qassam Izz và Army of Islam đã vượt qua biên giới Israel với Dải Gaza thông qua một đường hầm dưới lòng đất gần Kerem Shalom, tấn công một vị trí của quân đội Israel. 2 binh sĩ Israel đã thiệt mạng và 2 binh sĩ khác (không kể Shalit) đã bị thương.

2 trong số các chiến binh Palestine thực hiện vụ tấn công cũng đã bị giết chết. Shalit bị gãy tay trái và một vết thương nhẹ ở vai. Các chiến binh Palestine đã bắt anh và đưa qua đường hầm vào Gaza. Ngay hôm sau, những kẻ bắt cóc đã đưa ra tuyên bố xác nhận đã bắt cóc Shalit. Anh là binh sĩ Israel đầu tiên bị bắt bởi người Palestine, kể từ vụ bắt cóc Nachshon Wachsman vào năm 1994.

Shalit bị giam giữ làm con tin ở một địa điểm bí mật ở Dải Gaza của Hamas. Việc Shalit giữ 2 quốc tịch Pháp và Israel đã khuyến khích Pháp và Liên minh châu Âu tham gia các nỗ lực giải cứu anh. Để phóng thích Shalit, Hamas yêu cầu thả tất cả trẻ em vị thành niên và tù binh nữ người Palestine đang bị Israel giam giữ.

Tiến hành chiến tranh

Không bằng lòng với điều kiện do Palestine đưa ra, ngày 28-6-2006 quân đội Israel đã tiến vào Khan Yunis, một thành phố phía Nam Dải Gaza để tìm kiếm Shalit. Một phát ngôn viên của Đại sứ quán Israel cho biết: “Israel đã sử dụng tất cả phương tiện ngoại giao và trao cho Mahmoud Abbas (lãnh đạo Gaza) cơ hội để trả lại binh sĩ Israel nhưng ông ta đã bỏ qua...

Chiến dịch này có thể được chấm dứt ngay lập tức, với điều kiện Gilad Shalit được trả tự do”. Cùng ngày, 4 máy bay không quân Israel đã bay qua Phủ Tổng thống Syria Bashar al-Assad tại Latakia, vì Israel cho rằng nhà lãnh đạo Syria tài trợ cho Hamas.

Trong những giờ đầu của chiến dịch, một số địa điểm dân sự ở Palestine bị nhắm đến. Những cây cầu ở Dải Gaza bị phá hủy. 65% nguồn điện khu vực này bị mất sau khi máy bay Israel đã bắn ít nhất 9 tên lửa vào nhà máy điện duy nhất của Gaza. Quân đội Israel cũng chiếm sân bay quốc tế Gaza. Các cuộc không kích còn nhắm vào các trại đào tạo và kho vũ khí của Hamas.

Tối 28-6, bộ binh và xe tăng của quân đội Israel vượt qua biên giới phía Bắc Gaza và chuẩn bị giai đoạn thứ 2 của chiến dịch, tuyên bố nhắm vào các khu vực phóng tên lửa Qassam của Palestine. Tuy nhiên, tất cả nỗ lực tìm kiếm địa điểm giam giữ Shalit đã thất bại. Ngày 1-7-2006, hãng tin BBC cho biết Shalit đang được một bác sĩ người Palestine điều trị vì bị gãy tay và bị thương nhẹ ở vai.

Chính phủ Israel cảnh báo “trời sẽ sập” nếu Shalit bị làm hại. Cùng ngày, những kẻ bắt cóc yêu cầu Israel phải thả thêm 1.000 tù nhân khác, ngoài việc thả tất cả tù nhân nữ và trẻ em dưới 18 tuổi, đồng thời chấm dứt các cuộc tấn công vào Dải Gaza. 2 ngày sau đó, những kẻ bắt cóc đã đưa ra một tối hậu thư 24 giờ phải đáp ứng yêu cầu của họ, đe dọa những “hậu quả khôn lường” nếu Israel từ chối.

Cuộc xung đột đã kéo dài đến tận ngày 26-11-2006 mới chấm dứt. Cuộc chiến đã lấy đi sinh mạng của 409 người, bao gồm 7 người Israel và 402 người Palestine, trong đó có 119 dân thường. Trước khi đạt được thỏa thuận trả tự do cho Shalit, Israel còn tiến hành nhiều cuộc chiến khác vào Dải Gaza, chẳng hạn cuộc chiến kéo dài từ ngày 27-12-2008 đến 18-1-2009 làm chết 13 người Israel và 1.417 người Palestine, trong đó có 929 dân thường.

1 đổi 1.027

5 năm 4 tháng sau khi Shalit bị bắt cóc, ngày 11-10-2011, Israel và Hamas mới đạt được một thỏa thuận về Gilad Shalit. Thủ tướng Israel Netanyahu đã triệu tập một cuộc họp nội các đặc biệt để phê duyệt thỏa thuận về Shalit. Đức và Ai Cập đóng vai trò trung gian hòa giải trong thỏa thuận được ký kết tại Cairo.

Theo đó, việc trả tự do cho Gilad Shalit sẽ đổi lại 1.027 tù binh bị Israel bắt giữ, trong đó có 280 người đang chịu án chung thân do tội lập kế hoạch và tham gia các cuộc tấn công khủng bố nhằm vào các mục tiêu của Israel. Nhà lãnh đạo quân sự Hamas Ahmed Jabari phát biểu trên báo Al-Hayat khẳng định các tù nhân được thả vì một phần của thỏa thuận này là chịu trách nhiệm chung đối với 569 trường hợp tử vong của thường dân Israel.

Một thời gian ngắn sau khi Benjamin Netanyahu tuyên bố đạt được một thỏa thuận, nội các Israel đã tổ chức một phiên họp khẩn cấp để bỏ phiếu về thỏa thuận này. 26 bộ trưởng bỏ phiếu ủng hộ, trong khi 3 bộ trưởng bỏ phiếu chống, gồm Ngoại trưởng Avigdor Lieberman, Bộ trưởng Bộ Nội vụ chiến lược Mosche Jaalon và Bộ trưởng Bộ Cơ sở hạ tầng quốc gia Uzi Landau Ya'alon, với lập luận rằng các tù nhân sẽ "quay trở lại chủ nghĩa khủng bố", làm mất ổn định tình hình an ninh ở khu Bờ Tây. Landau cảnh báo thỏa thuận này là “chiến thắng lớn cho khủng bố" và sẽ khuyến khích nhiều vụ bắt cóc người Israel.

Shalit trong ngày được trả tự do.

Shalit trong ngày được trả tự do.

Ngày 18-10-2011, Trung sĩ Gilad Shalit được đưa tới biên giới Rafah giữa Gaza và Ai Cập. 477 tù nhân Palestine được đưa tới biên giới Kerem Shalom giữa Israel và Ai Cập, nằm cách biên giới Rafah 10 phút lái xe. 550 tù nhân Palestine còn lại được thả vào đợt sau. Shalit được chuyển giao cho phía Ai Cập, với sự chứng kiến của các đại diện Israel. Khi sự phóng thích của Shalit được xác nhận, Israel thả 27 tù nhân nữ.

Shalit sau đó được chuyển tới biên giới Kerem Shalom. Ngày 24-10-2011, đích thân Tổng thống Israel Shimon Peres đã đến thăm Shalit ở nhà anh tại Mitzpe Hila để chúc mừng và cầu phúc cho anh. Ông gọi cậu là anh hùng và nói rất tự hào vì anh đã chịu đựng được tình trạng giam giữ tồi tệ.

Sau đó Shalit được hưởng chế độ thương binh 20%. Tuy nhiên, đến tháng 3-2013, tờ Jerusalem Post đưa tin Shalit đã nói với các nhà điều tra của quân đội Israel rằng anh đã được đối xử rất tốt, được xem World Cup 2006 tổ chức ở Đức trên truyền hình.

(Còn tiếp)

Các tin khác