Chua chát, bẽ bàng

Cưu mang những người bất hạnh trong cuộc sống vừa là sứ mệnh vừa là đạo lý, đã trở thành một giá trị phổ quát mang tính nhân loại. Riêng truyền thống Việt Nam được đúc kết bằng những lời khuyên nhủ “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “thương người như thể thương thân”. Từ lâu, xã hội đã luôn dành những sự tôn vinh thích đáng cho những người hảo tâm. Thật xót xa, khi thỉnh thoảng vẫn thấy kiểu lòng tốt bị biến tướng.

Cưu mang những người bất hạnh trong cuộc sống vừa là sứ mệnh vừa là đạo lý, đã trở thành một giá trị phổ quát mang tính nhân loại. Riêng truyền thống Việt Nam được đúc kết bằng những lời khuyên nhủ “lá lành đùm lá rách”, “một miếng khi đói bằng một gói khi no” hay “thương người như thể thương thân”. Từ lâu, xã hội đã luôn dành những sự tôn vinh thích đáng cho những người hảo tâm. Thật xót xa, khi thỉnh thoảng vẫn thấy kiểu lòng tốt bị biến tướng.

Sự kiện nhiều đôi vợ chồng khiếm thị lên tiếng khiếu nại một cơ sở kim hoàn tại TPHCM là một thí dụ đau lòng. Khi tham gia chương trình Đám cưới vì cộng đồng 2014 với chủ đề “Kết nối tin yêu - Vẹn tròn hạnh phúc”, những cô dâu và chú rể khiếm thị được hứa hẹn tặng một cặp nhẫn cưới trị giá 6 triệu đồng. Nhẫn cưới đeo tay ít lâu, nhiều người phát hiện đó là vàng ít tuổi, bị đổi màu. Cơ sở kim hoàn trong vai trò nhà tài trợ giải thích “cho để làm kỷ niệm thôi”. Một nạn nhân của lòng tốt biến tướng đã phải thốt lên cay đắng: “Họ tặng nhẫn cưới không có giá trị vậy mà nói làm kỷ niệm thì coi thường chúng tôi quá. Chắc họ nghĩ người mù không thấy đường, nên muốn tặng sao, nói sao cũng được”.

Mọi chuyện đổ vỡ, ban tổ chức Đám cưới vì cộng đồng 2014 mới chịu trưng ra hợp đồng ghi rõ cơ sở kim hoàn chỉ tặng 25 cặp nhẫn cưới, mỗi cặp 2,5 triệu đồng. Rõ ràng giá trị mỗi cặp nhẫn cưới 6 triệu đồng do nhà tài trợ tự thổi phồng lên hòng tạo hào quang từ thiện cho thương hiệu của mình. Nghe thật chua chát và thật bẽ bàng. Dù giải thích bằng cách nào, hành vi của cơ sở kim hoàn cũng rất khó chấp nhận. Dẫu biết lĩnh vực kinh doanh luôn tồn tại không ít tiểu xảo, nhưng không nên dùng bất kỳ sự khuất tất nào để nhân danh tài trợ đối xử khiếm nhã với người tàn tật. Nếu những đôi vợ chồng khiếm thị cắn răng chịu đựng không nói ra chuyện này, liệu cơ sở kim hoàn kia có thấy việc làm thiếu nghiêm túc và thiếu chân thành của họ không? Câu hỏi quả không dễ trả lời. Trong cơ chế thị trường, đôi khi lòng tốt cũng trở thành món hàng cho những mưu cầu và toan tính riêng.

Mùa xuân, mùa của sum vầy và no ấm. Nhiều mảnh đời cơ cực vẫn đang cần những nhà từ thiện dang tay tương trợ. Hy vọng câu chuyện Đám cưới vì cộng đồng 2014 là hồi chuông cảnh tỉnh sâu sắc và ý nghĩa. Ai cũng tin, lòng tốt vẫn tồn tại xung quanh chúng ta và đang nảy nở tươi đẹp mỗi ngày.

Các tin khác