Vỡ mộng Dòng chảy Phương Nam (K3): Sẽ hồi sinh?

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Bulgaria Temenuzhka Petkova hôm 19-12, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak kêu gọi Bulgaria cung cấp giấy phép ủy quyền từ EU đối với việc xây dựng Dòng chảy Phương Nam. Liệu đây có phải là dấu chỉ cho thấy Moscow thực sự không muốn khai tử hệ thống đường ống này?

Trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Bulgaria Temenuzhka Petkova hôm 19-12, Bộ trưởng Năng lượng Nga Alexander Novak kêu gọi Bulgaria cung cấp giấy phép ủy quyền từ EU đối với việc xây dựng Dòng chảy Phương Nam. Liệu đây có phải là dấu chỉ cho thấy Moscow thực sự không muốn khai tử hệ thống đường ống này?

Vỡ mộng Dòng chảy Phương Nam (K2): Ai được ai mất?

Vỡ mộng Dòng chảy Phương Nam (K1): Nước cờ cao?

Nỗ lực của Bulgaria

Đáp lại lời kêu gọi của Nga, sau cuộc gặp với nguyên thủ các nước EU tại cuộc gặp cấp cao ở Brussels cuối tuần trước, Thủ tướng Bulgaria Boyko Borisov cho biết Bulgaria đã được EU giao trách nhiệm thường trực thực hiện việc chuẩn bị cho công tác xây dựng Dòng chảy Phương Nam. Nước này sẽ ban hành các giấy phép cần thiết để có thể bắt đầu xây lắp đường ống này.

“Câu trả lời của tôi về Dòng chảy Phương Nam là tiếp tục dự án cùng với việc thực hiện các thỏa thuận liên chính phủ nhằm tránh các kiện tụng, án phạt và các khoản phạt có thể xảy ra giống như dự án nhà máy năng lượng hạt nhân Belene. Từ bây giờ, mọi nghĩa vụ pháp lý áp dụng là các nghĩa vụ pháp lý của EU.

Đất nước chúng tôi có trách nhiệm thường trực thực hiện các nghĩa vụ nhằm chuẩn bị cho công tác xây lắp và đặc biệt là cho việc nối dài đường ống qua đáy biển và phát hành các giấy phép cần thiết. Nếu Gazprom hủy bỏ dự án bất chấp sự cấp phép của Bulgaria đó là lỗi của họ, không phải của Bulgaria” - ông Borisov nói.

Hiển nhiên, việc có đủ các giấy phép cần thiết không có nghĩa là dự án Dòng chảy Phương Nam sẽ hồi sinh. Trước đây, việc thực hiện các thỏa thuận song phương giữa Nga và Bulgaria trong xây dựng Dòng chảy Phương Nam đã bị đình chỉ vào mùa hè này, do Ủy ban châu Âu nghi ngờ thỏa thuận này trái với các nguyên tắc của EU về gói năng lượng bên thứ ba.

Cho đến nay ngay cả Alexey Miller, Giám đốc điều hành Gazprom - cổ đông lớn nhất của Dòng chảy Phương Nam, cũng tuyên bố dự án đã không còn được tiếp tục. Ngày 22-12, Phó Tổng giám đốc Gazprom Alexander Medvedev tái khẳng định: “Đường ống Dòng chảy Phương Nam sẽ không được xây dựng và chúng tôi sẽ thực hiện một dự án khác, sẽ được đặt tên trong tương lai gần nhất. Đối tác Thổ Nhĩ Kỳ đã đề xuất tên Dòng chảy Thổ Nhĩ Kỳ (Turkish Stream)”.

Đối sách của châu Âu

Theo sau việc Nga bất ngờ hủy Dòng chảy Phương Nam, EU đã đưa ra hoặc khôi phục một số dự án. Các dự án này được chia thành 2 loại lớn: các trạm LNG (khí thiên nhiên hóa lỏng) và tuyến đường hành lang phía Nam (Southern Corridor).

Việc xây dựng các trạm nhập khẩu LNG từ lâu đã được châu Âu nhắm tới như một cách để giảm phụ thuộc vào Nga và đa dạng hóa nguồn cung cấp năng lượng từ các nhà cung cấp ở xa hơn và có đầu óc thương mại hơn như Qatar. Đức, Pháp và Italia đã tiến những bước dài trong việc xây dựng các trạm LNG trong thập niên qua.

Tuy nhiên, các nước Trung và Đông Âu chậm chạp hơn trong việc này. Những nước này thường ít muốn hoặc thiếu ngân sách cho các dự án này, không giống như các quốc gia giàu có ở Tây Âu. Có 2 trường hợp ngoại lệ gần đây: Lithuania ra mắt một trạm nhập khẩu LNG hồi tháng 11 và Ba Lan khai trương trạm LNG của mình vào đầu năm tới.

Các trạm nhập khẩu đầu cuối giúp Lithuania và Ba Lan linh hoạt hơn trong lĩnh vực năng lượng vì giảm sự phụ thuộc vào Nga để bảo đảm an ninh năng lượng. Những dự án này cũng có chi phí tương đối thấp: dự án của Lithuania 325 triệu USD, trong khi Ba Lan 1 tỷ USD.

Tuy nhiên, các trạm đầu cuối này cũng có những hạn chế về công suất - chỉ 4 tỷ m3 với Lithuania và 5 tỷ m3 ở Ba Lan. Các trạm này cũng nằm trên bờ biển Baltic, xa các nước châu Âu nằm trên tuyến Dòng chảy Phương Nam dự kiến. Trừ khi được mở rộng mạnh mẽ, các trạm đầu cuối rất khó thay thế cho Dòng chảy Phương Nam ở Nam Âu.

Tuy nhiên, việc hủy Dòng chảy Phương Nam đã làm sống lại các cuộc thảo luận về trạm đầu cuối LNG mới ở Nam Âu, đặc biệt ở Hy Lạp và Croatia. Tính đến tháng 5, có kế hoạch về 2 trạm LNG mới ở Hy Lạp, một của DEPA và một của Prometheus Gas.

Dự án của DEPA, có tên Aegean LNG, ở gần biên giới với Bulgaria và Thổ Nhĩ Kỳ, có công suất 3-5 tỷ m3/năm. Dự án của Prometheus gần cảng Alexandroupolis có công suất 2,5 tỷ m3/năm. Trạm LNG của Croatia, Adria LNG, sẽ được đặt trên đảo Adriatic của Krk có công suất lên đến 10 tỷ m3. Lithuania và Ba Lan hiện nay vẫn chưa đủ tiền để mở rộng các trạm LNG, trong khi Hy Lạp và Croatia cho đến nay không thể (hoặc không muốn) đầu tư một mình để phát triển các trạm này.

Một đề xuất khác để thay thế Dòng chảy Phương Nam và tránh phụ thuộc vào Ukraine là Southern Corridor, đưa năng lượng từ các nước Caspian (đặc biệt là Azerbaijan và Turkmenistan, thậm chí cả Iran và Iraq) đến châu Âu qua Thổ Nhĩ Kỳ hay Biển Đen.

Dự án này rất hấp dẫn các nước châu Âu vì họ muốn giảm phụ thuộc vào Nga và Ukraine. Một trong số những dự án như vậy là đường ống Nabucco, đưa 10-30 tỷ m3 khí đốt từ Thổ Nhĩ Kỳ-Bulgaria sang Romania, Hungary và Áo. Tuy nhiên, dự án này đã bị EU hủy bỏ sau khi đạt được những thỏa thuận về năng lượng với Nga (xem Kỳ 1).

Lựa chọn của Moscow

Cho đến nay lựa chọn số 1 của Moscow vẫn là hệ thống đường ống đi qua Thổ Nhĩ Kỳ, điều này sẽ giúp Điện Kremlin cảm thấy thoải mái hơn khi vừa không phải phụ thuộc vào Ukraine, vừa không cần để ý sắc mặt của các nhà hoạch định chính sách EU.

Tuy nhiên, xây dựng một đường ống khác có công suất lên đến 63 tỷ m3 như Dòng chảy Phương Nam có thể khiến Moscow lún sâu vào các vấn đề kinh tế. Trong dự án Dòng chảy Phương Nam, Moscow chỉ chiếm 50% cổ phần, trong khi nếu xây dựng đường ống qua Thổ Nhĩ Kỳ, có thể Nga phải gánh toàn bộ chi phí xây dựng.

Điều này hết sức bất lợi trong bối cảnh nền kinh tế xứ Bạch Dương đang vô cùng u ám vì giá dầu lao dốc và đồng rúp rớt giá không phanh. Lựa chọn nâng cấp đường ống Blue Stream hiện hữu (xem Kỳ 2) thay vì xây mới có thể ít tốn kém hơn. Tuy nhiên, dù có nâng cấp hết mức Blue Stream vẫn không đạt được công suất có thể giúp thay thế hệ thống đường ống qua Ukraine hiện nay.

Những dự án đề xuất hậu Dòng chảy Phương Nam.

Những dự án đề xuất hậu Dòng chảy Phương Nam.

Người ta vẫn hy vọng Moscow sẽ thay đổi quyết định để hồi sinh Dòng chảy Phương Nam. Nếu nói hành động hủy bỏ dự án của Nga là đơn thuần do chính trị, điều này có thể được giải quyết. Giới phân tích cho rằng dù quan hệ Nga - EU đang rất căng thẳng, nhưng nó có thể cải thiện đủ để hồi sinh Dòng chảy Phương Nam.

Những nước thành viên EU như Bulgaria và Hungary đã vận động hành lang rất mạnh ở Brussels để hồi sinh dự án, ngay cả Đức cũng ủng hộ điều đó. Vì vậy, dù việc hồi sinh Dòng chảy Phương Nam rất khó, nhưng không phải không thể thực hiện.

Các tin khác