Khơi thông “điểm nghẽn” bảo hiểm nông nghiệp

Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người nông dân, hiện chiếm trên 70% dân số.

Việt Nam là một trong những quốc gia hứng chịu nhiều thiên tai, dịch bệnh, trong đó, bị ảnh hưởng nặng nề nhất chính là những người nông dân, hiện chiếm trên 70% dân số.

 

Điều đáng nói là trong bối cảnh khó khăn đó, nông dân dường như đang phải “đơn thương, độc mã” trong cuộc chiến không cân sức với “ông trời” khi các hoạt động bảo hiểm nông nghiệp vẫn ách tắc trong việc triển khai trên diện rộng.

Tìm hiểu nguyên nhân và lời giải cho hoạt động bảo hiểm nông nghiệp tại Việt Nam, phóng viên TTXVN đã có cuộc trao đổi với ông Tăng Minh Lộc - Cục trưởng, Chánh Văn phòng Ban chỉ đạo Trung ương Chương trình mục tiêu quốc gia Xây dựng nông thôn mới.

-Thưa ông, ông có thể đánh giá tổng quan về thị trường bảo hiểm nông nghiệp ở Việt Nam và theo ông điểm nghẽn của bảo hiểm nông nghiệp hiện nay là gì?

Ông Tăng Minh Lộc: Vừa qua chúng ta đã triển khai 3 năm thí điểm bảo hiểm nông nghiệp. Đây là chương trình thí điểm của Chính phủ nhằm rút ra những bài học kinh nghiệm trước khi triển khai trên diện rộng. Chúng ta đã lựa chọn 20 tỉnh và 2 doanh nghiệp bảo hiểm và Bảo Việt và Bảo Minh tham gia với 6 đối tượng bảo hiểm là cây trồng, vật nuôi và thủy sản.

Chương trình đã kết thúc và cũng đã có những bài học rất quý giá. Chúng ta thấy điểm nổi bật là thời gian rất ngắn nhưng chúng ta đã có 304.000 hộ tham gia và tổng giá trị bảo hiểm là trên 7.700 tỷ đồng.

Tôi nghĩ rằng trong một thời gian rất ngắn, với một vấn đề rất mới thì đây là kết quả đáng quý. Tuy nhiên, cũng có những điểm, bất cập, đó là dường như chính sách của chúng ta mới tập trung đến những hộ nghèo và cận nghèo.

Hiện nay, chúng ta có tới 92% đối tượng thma gia bảo hiểm nông nghiệp là hộ nghèo và cận nghèo, trong khi đối tượng ngoài diện này chỉ chiếm khoảng 8%. Chúng ta phải khẳng định đây là một chính sách kinh tế chứ không phải là một chính sách xã hội.

Điều chúng ta hướng dến là một nền sản xuất nông nghiệp hàng hóa thì cần phải lôi cuốn những hộ sản xuất nông nghiệp hàng hóa như nông dân, chủ trang trại, xã viên hợp tác xã...

Cũng trong thời gian qua, chúng ta thấy bảo hiểm nuôi trồng thủy sản cũng còn nhiều lúng túng. Vừa rồi doanh nghiệp lỗ trong bảo hiểm thủy sản tới trên 200 tỷ đồng. Đây là vấn đề đặc thù vì bảo hiểm thủy sản cũng là vấn đề khó cả đối với các cơ quan bảo hiểm thế giới, vì vậy chúng tac cũng không có nhiều bài học kinh nhiệm để học tập.

Hơn nữa các cơ quan bảo hiểm dường như cũng chưa nắm vững về quy trình sản xuất thủy sản và chưa nắm rõ tâm lý của người nông dân. Các nhân viên bảo hiểm dường như chưa thông thạo về ngành. Tuy nhiên, tôi nghĩ vấn đề này cũng không quá khó để khắc phục khi chúng ta triển khai trên diện rộng.

-Ông suy nghĩ thế nào về những tâm tư, nguyện vọng của người nông dân về yêu cầu bảo hiểm nông nghiệp?

Ông Tăng Minh Lộc: Sản xuất nông nghiệp là lĩnh vực rất nhiều rủi ro, nhất là trong điều kiện trình độ sản xuất ở nước ta còn thấp nên người nông dân luôn mong muốn được hỗ trợ khi gặp rủi ro.

Trước đây Nhà nước vẫn có hỗ trợ nhưng thực ra cũng rất ít vì ngân sách không nhiều. Nay các doanh nghiệp thực hiện việc đó bằng cách hợp đồng với nông dân. Nếu nông dân làm đúng quy trình khi rủi do doanh nghiệp sẽ bồi thường và mức bồi thường rất lớn, có khi lên tới 100% thiệt hại.

Tôi nghĩ đó là điều rất cần thiết khi chúng ta muốn nông dân có một điểm tựa để yên tâm mở rộng sản xuất, phát triển ứng dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất lớn.

Vừa rồi trong quá trình thực hiện thí điểm, ngay cả nông dân ở những vùng thí điểm và nông dân nói chung đều rất mong muốn được tiếp tục tham gia và mở rộng các đối tượng bảo hiểm khác.

-Do chưa có một cơ chế đảm bảo hài hòa lợi ích nên khó tìm được tiếng nói chung hay khó đạt được sự thỏa hiệp giữa doanh nghiệp bảo hiểm và người nông dân. Vậy tại sao Nhà nước không can thiệp, thưa ông?

Ông Tăng Minh Lộc: Thực ra không phải doanh nghiệp và nông dân tham gia bảo hiểm tự làm với nhau mà khi chúng ta làm bảo hiểm vai trò của nhà nước rất quan trọng. Nhà nước giao cho các cơ quan liên quan tham gia xây dựng chính sách và hỗ trợ; lãnh đạo các cấp cũng là trọng tài khi xảy ra tranh chấp và khi các doanh nghiệp bảo hiểm gặp rủi ro lớn Nhà nước cũng có thể hỗ trợ doanh nghiệp tái bảo hiểm chống đỡ rủi ro. Có thể hiểu khi chúng ta thực hiện bảo hiểm thì đằng sau cơ quan bảo hiểm là “bóng dáng” của Nhà nước.

-Hiện nay, trên 80% đối tượng tham gia bảo hiểm nông nghiệp và người nghèo và cận nghèo, ông nghĩ sao về vấn đề này?

Ông Tăng Minh Lộc: Giúp cho người nghèo và cận nghèo tham gia vào thị trường bảo hiểm để hạn chế thiệt hại, có thể sản xuất bền vững là chính sách nhân văn. Tuy nhiên, chúng ta phải các định mục tiêu của bảo hiểm là thông qua đó chúng ta dẫn dắt người nông dân tiếp cận nhanh hơn với khoa học và tiến nhanh hơn đến sản xuất hàng hóa thì chúng ta rất cần các đối tượng sản xuất hàng hóa lớn như hộ nông dân sản xuất lớn, trang trại, hợp tác xã, và các doanh nghiệp nông nghiệp. Đây là đối tượng chúng ta cần quan tâm và làm sao dẫn dắt họ tham gia tích cực vào lĩnh vực bảo hiểm nông nghiệp.

-Một vấn đề mấu chốt nữa để phát triển hoạt động bảo hiểm nông nghiệp, chính là tuyên truyền, giáo dục và nâng cao nhận thức cho người dân về bảo hiểm nông nghiệp. Theo ông, việc này cần phải được đẩy mạnh như thế nào trong thời gian tới?

Ông Tăng Minh Lộc: Bảo hiểm nông nghiệp là một lĩnh vực mới và rất cần tuyên truyền sâu với nhiều đối tượng khác nhau. Ví dụ như đối với người dân phải để người dân hiểu là chỉ có tham gia bảo hiểm nông nghiệp thì khi bị rủi ro người nông dân có thể được hỗ trợ nhiều nhất để khắc phục nhanh hậu quả. Đồng thời người dân muốn tham gia phải đóng đầy đủ phí bảo hiểm.

Đối với các doanh nghiệp chúng ta phải tuyên truyền đây là thị trường đặc thù nên không thể lấy lợi nhuận là mục tiêu tối thượng. Các nhân viên bảo hiểm cần phải được tập huấn để hiểu rõ quy trình sản xuất của từng loại đối tượng cây trồng, vật nuôi để giám sát tốt rủi ro.

Các nhà quản lý cũng phải thấy rõ trách nhiệm của mình là làm bảo hiểm nông nghiệp vì sự phát triển bền vững của sản xuất. Do đó phải quản lý, giám sát và là trọng tài kịp thời để xử lý những vướng mắc.

Tôi nghĩ khi chúng ta tuyên truyền được các đối tượng mấu chốt trong dây chuyền bảo hiểm nông nghiệp như vậy thì chắc chắn sẽ tạo ra sự đồng thuận cao và hiệu quả tốt.

-Thủ tướng Chính phủ đã yêu cầu Bộ Tài chính và Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn đề xuất chính sách phát triển bảo hiểm nông nghiệp trong thời gian tới. Quan điểm của ông về vấn đề này như thế nào?

Ông Tăng Minh Lộc: Qua 3 năm thí điểm chúng ta đã rút ra những bài học quý. Hiện nay bảo hiểm trồng trọt và chăn nuôi đã có kết quả khá tốt, chúng ta có thể mở rộng được. Còn với bảo hiểm thủy sản vẫn là lĩnh vực chúng ta chưa nhiều kinh nghiệm, do đó vẫn cần có thời gian thí điểm tiếp. Chúng tôi cũng mong muốn tới đây Nhà nước cần có chính sách để hấp dẫn, lối cuốn được các đối tượng nông dân mạnh dạn tham gia vào thị trường này./.

Các tin khác