Xu hướng mua công ty tài chính

Nhiều NH đang đẩy mạnh mua lại công ty tài chính (CTTC) trên thị trường để tận dụng nguồn vốn dồi dào từ lượng khách hàng có sẵn. Trước làn sóng mua lại này đã phần nào khiến cho CTTC thuộc các doanh nghiệp, tập đoàn từng làm nhiệm vụ điều phối vốn nội bộ không còn hợp thời.

Nhiều NH đang đẩy mạnh mua lại công ty tài chính (CTTC) trên thị trường để tận dụng nguồn vốn dồi dào từ lượng khách hàng có sẵn. Trước làn sóng mua lại này đã phần nào khiến cho CTTC thuộc các doanh nghiệp, tập đoàn từng làm nhiệm vụ điều phối vốn nội bộ không còn hợp thời.

 

NHNN vừa có văn bản chấp thuận nguyên tắc NHTMCP Kỹ thương Việt Nam (TechcomBank) mua lại CTTC cổ phần Hóa chất Việt Nam (VCFC). Trước đó, đầu tháng 12-2014, CTTC cổ phần Vietel – Vinaconex (VVF) cũng công bố nội dung cuộc họp đại hội đồng cổ đông bất thường thông qua chủ trương sáp nhập vào NHTMCP Sài Gòn-Hà Nội (SHB). Đây là 2 vụ mới nhất trong hàng chục thương vụ CTTC bị mua lại hoặc sáp nhập với NH trong thời gian qua.

Ông Hoàng Trọng Đức, Tổng giám đốc VVF, cho rằng hiện nay Chính phủ và NHNN đang có chủ trương tái cấu trúc các TCTD. VVF lựa chọn phương án sáp nhập với SHB là TCTD đã được niêm yết trên sàn chứng khoán, lộ trình dự kiến hoàn tất vào cuối tháng 3-2015. Dự kiến tỷ lệ hoán đổi giữa cổ phiếu VVF và SHB là 1:1. Về phía SHB, ý đồ tìm kiếm một CTTC để sáp nhập đã được đề cập từ hồi đầu năm nhưng cho đến nay NH này vẫn chưa công bố chính thức mua lại tổ chức nào.

Thời gian qua việc sáp nhập giữa CTTC và NH đã nở rộ. Vụ đầu tiên được quan tâm nhiều nhất là việc hợp nhất của CTTC Dầu khí (PVFC) với NH Phương Tây (WesternBank) và đổi tên thành NH Đại Chúng (PVComBank). PVFC là một CTTC khá lớn và là công ty con của tập đoàn giàu có nhất hiện nay - Tập đoàn Dầu khí Việt Nam. Việc hợp nhất với NH Phương Tây để hoạt động như một NH được kỳ vọng PVFC nâng tầm hoạt động.

Trong làn sóng mua lại CTTC của NH còn kể đến NHTMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) mua lại Công ty TNHH MTV tài chính Than - Khoáng sản Việt Nam (CMF) và đổi tên thành CTTC TNHH MTV NH Việt Nam Thịnh Vượng. Trước đó HDBank cũng mua trọn 100% vốn của CTTC Việt Société Générale (SGVF), một trong những CTTC nước ngoài lớn nhất Việt Nam thuộc Tập đoàn tài chính Société Générale của Pháp. Hiện NHTMCP Hàng Hải (Maritime Bank) cũng trở thành cổ đông lớn nhất với tỷ lệ sở hữu hơn 64% tại CTTC Dệt may (Vinatex).

Còn nhớ một thời các CTTC của Việt Nam cũng nở rộ trên thị trường tài chính. Ngoài những CTTC thuộc một số công ty bảo hiểm được thành lập để sử dụng nguồn vốn dồi dào của những công ty này, phần lớn đều thuộc tập đoàn hoặc một tổng công ty nhà nước. Những CTTC này như là một kênh trung gian để điều phối vốn giữa các doanh nghiệp trong tập đoàn hoặc tổng công ty.

Chính vì những cơ chế này, hoạt động của CTTC rất rủi ro. Theo báo cáo của NHNN chi nhánh TPHCM, tính đến cuối tháng 10-2014, theo cơ cấu các TCTD, CTTC và cho thuê tài chính có nợ xấu lên đến 21-37%, nợ xấu các NHTM dao động 2-8%.

Thực tế cũng cho thấy phần lớn hiệu quả hoạt động của những CTTC đều không cao. Kết quả thống kê của NHNN đến hết tháng 10-2014 cũng cho thấy tổng tài sản có của CTTC, cho thuê tài chính là 62.530 tỷ đồng, giảm 4,45% so với cuối năm 2013, tỷ lệ an toàn vốn tối thiểu là 31,21%, vượt xa mức quy định 9%.

Một trong những mục tiêu tái cấu trúc hệ thống tài chính là cấu trúc lại các CTTC kém hiệu quả. Theo đó, nhiều CTTC tại các tập đoàn thường có xu hướng phải bán lại hoặc sáp nhập với các NH khác. Việc TechcomBank và VCFC, việc sáp nhập này có thể mang lại lợi ích cho cả 2 phía. TechcomBank đang muốn đẩy mạnh NH bán lẻ bởi nguồn thu và lợi nhuận từ mảng bán lẻ chiếm đến 40% tổng dư nợ của NH này.

Hơn nữa, TechcomBank còn là đồng cổ đông sáng lập VCFC với Tập đoàn Hóa chất Việt Nam, Công ty Phân đạm và Hóa chất Hà Bắc, Tổng CTCP Bảo Minh. VCFC có vốn điều lệ 600 tỷ đồng với lợi nhuận sau thuế 2013 hơn 75 tỷ đồng. Việc sáp nhập này sẽ giúp cho TechcomBank có được nguồn vốn dồi dào từ lượng khách hàng mới đã có sẵn ở VCFC. Đồng thời, đây cũng là con đường thoái vốn của cổ đông Nhà nước tại các doanh nghiệp ngoài ngành theo quy định của Chính phủ.

Trước xu thế các NH hướng đến phát triển mảng bán lẻ với tiêu dùng vi mô đang làm ăn hiệu quả, các CTTC thuộc các doanh nghiệp, tập đoàn nhà nước với hiệu quả hoạt động thấp sẽ gần như không còn hợp thời.

Các tin khác