Rắc rối hóa đơn thuế

Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và tổ chức, việc mua hóa đơn thuế giá trị gia tăng được coi là một thủ tục không thể thiếu. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TPHCM đang rất hoang mang về việc từ 1-1-2015 không được tiếp tục mua hóa đơn từ cơ quan thuế, nếu muốn sử dụng hóa đơn phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Dù mới đây cơ quan quản lý ngành thuế đã giải tỏa vấn đề này, nhưng xem ra chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Để đảm bảo hoạt động sản xuất, kinh doanh bình thường của các doanh nghiệp và tổ chức, việc mua hóa đơn thuế giá trị gia tăng được coi là một thủ tục không thể thiếu. Tuy nhiên, các hộ kinh doanh cá thể trên địa bàn TPHCM đang rất hoang mang về việc từ 1-1-2015 không được tiếp tục mua hóa đơn từ cơ quan thuế, nếu muốn sử dụng hóa đơn phải chuyển đổi thành doanh nghiệp. Dù mới đây cơ quan quản lý ngành thuế đã giải tỏa vấn đề này, nhưng xem ra chỉ là giải pháp ngắn hạn.

Việc nhiều hộ kinh doanh, tiểu thương lo lắng về việc sắp tới đây không còn được mua hóa đơn của cơ quan thuế là một thực tế. Không có hóa đơn sẽ khó bán hàng cho đối tác là doanh nghiệp, bởi họ mua hàng thường đòi hóa đơn để tính vào chi phí sản xuất, kinh doanh. Mặt khác, chính doanh nghiệp cũng lo ngại việc mua hàng từ các hộ kinh doanh nếu không có hóa đơn hạch toán chi phí sẽ ra sao.

Nguyên nhân bắt nguồn từ việc Bộ Tài chính ban hành Công văn 17526/BTC-TCT ngày 1-12-2014, triển khai thực hiện một số nội dung tại Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế vừa được Quốc hội thông qua.

Mua hóa đơn thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THANG

Mua hóa đơn thuế tại Cục Thuế TPHCM.
Ảnh: CAO THANG

Theo công văn trên, các hộ, cá nhân kinh doanh sẽ không được mua hóa đơn của chi cục thuế từ ngày 1-1-2015 bởi đã được tính thuế khoán. Nếu muốn mua hóa đơn để xuất bán cho khách hàng phải làm thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp. Quy định này được cho sẽ gây áp lực lớn đến hoạt động kinh doanh của các hộ, cá nhân kinh doanh. Thứ nhất, thời gian để áp dụng còn rất ngắn (10 ngày).  Thứ hai, nếu phải thành lập doanh nghiệp sẽ phát sinh rất nhiều chi phí quản lý, chi phí hệ thống…

Nếu không thực hiện lại đứng trước nguy cơ  đóng cửa, giải thể vì không còn có hóa đơn để xuất cho khách hàng. Mặt khác, có thể còn có hệ lụy là các hộ kinh doanh mua hóa đơn của các doanh nghiệp, công ty khác để xuất bán cho khách hàng.

Theo một cán bộ ngành thuế TPHCM, quy định hộ kinh doanh cá thể không được mua hóa đơn của cơ quan thuế hiện nằm trong dự thảo Nghị định hướng dẫn cho Luật số 71/2014/QH13 sửa đổi, bổ sung 6 luật về thuế (gồm thuế giá trị gia tăng, thu nhập cá nhân, thu nhập doanh nghiệp, tiêu thụ đặc biệt, tài nguyên, quản lý thuế).

Quy định này sẽ có hiệu lực đồng bộ với thời gian có hiệu lực của các luật thuế. Vì vậy, các cục thuế, trong đó có Cục Thuế TPHCM kiến nghị Tổng cục Thuế, Bộ Tài chính đề xuất Chính phủ dời thời gian thực hiện đến 30-6-2015 để có lộ trình chuyển đổi, thực hiện.

Trước các băn khoăn này, ngày 16-12, Tổng cục Thuế đã có Công văn hỏa tốc số 5603/TCT-CS khẳng định tiếp tục thực hiện như quy định hiện hành. Tuy nhiên, theo các chuyên gia thuế đây chỉ là cách xử lý tạm thời cho đến khi có hướng dẫn mới.  Việc “tiếp tục như hiện hành” chắc chắn sẽ không thể kéo dài.

Bởi luật sửa đổi các luật về thuế, trong đó có sửa về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) không thể không thực hiện. Do vậy nghị định, thông tư hướng dẫn về thuế và hóa đơn với hộ kinh doanh cũng sẽ sớm ban hành, việc hộ kinh doanh cá thể có được mua hóa đơn hay không vẫn phải chờ.

Chuyện vừa ban hành quy định đã phải thu hồi không hiếm gặp trong rừng văn bản luật và dưới luật của Việt Nam hiện nay. Các cơ quan ban hành văn bản dường như không biết hay biết nhưng cố ý đẩy cái khó về phía người dân bằng những công văn trái luật vô tội vạ, như kiểu của Bộ Tài chính mới đây, khi buộc các tiểu thương phải lên làm giám đốc (đăng ký thành lập doanh nghiệp) dù họ không muốn và không có nhu cầu.

Luật sư Trần Xoa, Công ty Luật Minh Đăng Quang, cho rằng có 2 hướng giải quyết vấn đề. Thứ nhất, người dân cần góp ý triệt để cho dự thảo nghị định, thông tư hướng dẫn luật để khi ban hành có tính khả thi cao. Dự thảo nghị định cần ghi rõ “cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế” và dự thảo thông tư cũng nêu “cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế”.

Thứ hai, khả năng thực hiện cao hơn là tìm biện pháp giải quyết tình huống doanh nghiệp mua hàng không có hóa đơn sẽ tính vào chi phí thế nào. Theo Điểm 2.4 Khoản 2 Điều 6 Thông tư 78/2014/TT-BTC của Bộ Tài chính về thuế thu nhập doanh nghiệp (áp dụng từ kỳ tính thuế năm 2014), doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ không có hóa đơn được phép lập bảng kê thu mua hàng hóa, dịch vụ mua vào theo mẫu số 01/TNDN, trong đó có các loại hàng hóa, dịch vụ như nông sản, hải sản, thủy sản... và “mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên) có mức doanh thu dưới ngưỡng doanh thu chịu thuế giá trị gia tăng (100 triệu đồng/năm)”.

Trường hợp giữ nguyên quy định “cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN không sử dụng hóa đơn của cơ quan thuế” trong dự thảo nghị định và dự thảo thông tư thuế TNCN, dự thảo thông tư về thuế thu nhập doanh nghiệp cần sửa đoạn quy định về mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh như sau: “Mua hàng hóa, dịch vụ của hộ gia đình, cá nhân kinh doanh (không bao gồm các trường hợp nêu trên)”.

Như vậy, khi doanh nghiệp mua hàng hóa, dịch vụ của cá nhân kinh doanh không giới hạn doanh thu, không phân biệt doanh thu năm trên hay dưới 100 triệu đồng đều không đòi hỏi hóa đơn, doanh nghiệp lập bảng kê mẫu số 01/TNDN để tính vào chi phí được trừ.

Thiết nghĩ, với những văn bản luật liên quan đến thuế cần tham khảo ý kiến các chuyên gia luật trong, ngoài nước và phải tiến hành điều tra xã hội trước khi soạn thảo, nhằm tránh kiểu ban hành văn bản như vừa qua.

Các tin khác