SCB sau gần 3 năm tái cơ cấu

Cổ đông SCB trông chờ quyền lợi

NHTMCP Sài Gòn (SCB) là NH đầu tiên thực hiện việc tái cơ cấu trên cơ sở hợp nhất 3 NH (Tín Nghĩa, Đệ Nhất và SCB cũ). Cổ đông đã đồng lòng chia sẻ khó khăn, không nhận cổ tức trong 3 năm qua với đích đến là sẽ khai sinh một NH mới lành mạnh, hiệu quả. Tuy nhiên đến nay đích đến đã kề cận, cổ đông vẫn bày tỏ nỗi quan ngại về hiệu quả tái cấu trúc NH này.

NHTMCP Sài Gòn (SCB) là NH đầu tiên thực hiện việc tái cơ cấu trên cơ sở hợp nhất 3 NH (Tín Nghĩa, Đệ Nhất và SCB cũ). Cổ đông đã đồng lòng chia sẻ khó khăn, không nhận cổ tức trong 3 năm qua với đích đến là sẽ khai sinh một NH mới lành mạnh, hiệu quả. Tuy nhiên đến nay đích đến đã kề cận, cổ đông vẫn bày tỏ nỗi quan ngại về hiệu quả tái cấu trúc NH này.

Thực chất nợ xấu

Đến thời điểm này SCB vẫn chưa công bố kết quả kinh doanh quý III-2014 ra công chúng như nhiều NH khác. Theo báo cáo của SCB, bên cạnh công tác phát triển tín dụng, NH chú trọng đẩy mạnh công tác xử lý, thu hồi nợ và kiểm soát chất lượng tín dụng trong mức quy định, cơ cấu lại khoản nợ. Như vậy, kể từ sau khi hợp nhất vào cuối năm 2011, nhìn vào con số công bố có thể thấy SCB đạt tốc độ xử lý nợ xấu “thần kỳ”.

Theo báo cáo thường niên 2013, tỷ lệ nợ xấu theo phân loại nợ đến cuối tháng 11-2013 là 4,08% tổng dư nợ so với mức 7% cuối năm 2012. Còn tại thời điểm 31-12-2013, nợ xấu của SCB chỉ còn 1.452 tỷ đồng, giảm 4.921 tỷ đồng và chỉ chiếm 1,63% tổng dư nợ.

Hiện nay chưa rõ SCB sẽ tăng vốn bằng phát hành cho cổ đông hiện hữu hay cổ đông bên ngoài. Song đối với nhiều cổ đông hiện hữu của SCB, phải mua cổ phiếu này với giá 10.000 đồng có lẽ là một quyết định khó khăn bởi thị giá thực tế rất thấp, còn đối với cổ đông bên ngoài ắt hẳn là nhà đầu tư “rất đặc biệt”, bởi lẽ không ai đưa vốn vào một NH chưa tỏ rõ thế mạnh và hoạt động thật sự lành mạnh.

Tuy nhiên, phân tích trên các số liệu báo cáo cho thấy, tốc độ xử lý nợ nhanh của SCB phần lớn do NH này đã bán 6.452 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Thông tin gần đây cho biết SCB dự kiến sẽ bán tiếp cho VAMC từ 3.000-4.000 tỷ đồng cuối năm 2014.

Như vậy, thực tế việc nợ xấu của SCB giảm nhanh chủ yếu do xử lý về mặt kỹ thuật chứ không hẳn đã giảm về thực tế. Toàn bộ số nợ hơn 6.000 tỷ đồng của SCB đã bán cho VAMC thực tế vẫn là nợ xấu nhưng tạm thời loại khỏi bảng cân đối kế toán của NH.

Thuyết minh báo cáo tài chính 2013 của SCB còn cho thấy những khoản nợ xấu tiềm ẩn khác. Cụ thể, SCB đang đầu tư khoản trái phiếu công ty lên đến 7.000 tỷ đồng. Đây là trái phiếu được phát hành nhằm đầu tư vào Dự án đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp-khu dân cư sinh thái Tân Thành tại tỉnh Long An.

Khoản trái phiếu này được đáo hạn vào cuối năm 2016, song hiện một số lãi và gốc của khoản trái phiếu này đã phải cơ cấu lại. Theo một chuyên gia trong ngành tài chính, việc SCB mua một khoản trái phiếu lớn như vậy có thể là chiêu lách những quy định về giới hạn tín dụng và việc cơ cấu lại này có thể do trái chủ không có khả năng trả nợ. Như vậy, về bản chất khoản trái phiếu 7.000 tỷ đồng này có thể đã là nợ xấu.

Ngoài ra, khoản phải thu của NH này cũng rất lớn. Vào cuối năm 2013, tổng khoản phải thu của SCB lên hơn 40.000 tỷ đồng, còn tài sản có khác gần 12.000 tỷ đồng. Chỉ riêng khoản “Tài sản có khác” này bằng gần 60% dư nợ tín dụng của SCB và chiếm hơn 30% tài sản của NH. Đây là khoản tài sản từ cấn trừ nợ, xiết nợ...

Trong đó các khoản lãi, phí phải thu lên đến 32.577 tỷ đồng. Ngoài ra, còn khoảng gần 5.000 tỷ đồng là các khoản SCB cho vay repo cổ phiếu. Thông thường, những khoản phải thu và cấn trừ nợ phát sinh khi khách hàng không thể trả được nợ, điều này đồng nghĩa với việc những khoản nợ đó có thể sẽ trở thành “nợ xấu”. Như vậy, có thể thấy sau kết quả xử lý nợ xấu đã có, những khoản khác của SCB cũng đáng lo không kém.

Tăng vốn - kế hoạch khả thi?

Mới đây, NHNN đã có văn bản chấp thuận cho SCB được tăng vốn điều lệ từ 12.295 tỷ đồng lên 14.295 tỷ đồng theo phương án tăng vốn điều lệ năm 2014 đã được Đại hội đồng cổ đông SCB thông qua. Tại đại hội hồi tháng 3-2014, đại diện SCB đã nêu ra phương án tăng vốn điều lệ trong trường hợp không thể tăng vốn cấp 2 bằng nguồn ủy thác từ nước ngoài, NH sẽ phát hành riêng lẻ 200 triệu cổ phiếu cho các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước với giá bán thỏa thuận giữa SCB và các nhà đầu tư.

Nguồn tiền thu được từ việc tăng vốn, NH đưa ra kế hoạch sử dụng: 250 tỷ đồng để đầu tư, góp vốn kinh doanh; 255 tỷ đồng đầu tư hiện đại hóa công nghệ thông tin; 45 tỷ đồng đầu tư xây dựng, sửa chữa trụ sở các chi nhánh và 1.450 tỷ đồng bổ sung nguồn vốn kinh doanh. Nhưng theo dõi giá cổ phiếu SCB trên sàn giao dịch OTC hiện đang ở mức 4.300-4.500 đồng/cổ phiếu, để tổ chức thành công việc bán cổ phần là không dễ dàng.

SCB không trả cổ tức cho cổ đông nhằm hỗ trợ NH trong quá trình tái cơ cấu. Trước đó, năm 2012 NH lãi gần 64 tỷ đồng, năm 2013 hơn 42 tỷ đồng. Theo lãnh đạo NH này, SCB không đặt nặng vấn đề lợi nhuận trong giai đoạn tái cơ cấu, tập trung vào việc khắc phục những yếu kém quá khứ, cùng với đó là tăng vốn điều lệ để củng cố tình hình tài chính.

Hiện tại, SCB có vốn điều lệ lớn hơn các NH cổ phần khác như ACB, Sacombank… nhưng quy mô về huy động và cho vay thấp hơn. Các hệ số tổng tài sản trên vốn điều lệ, tín dụng trên vốn điều lệ của SCB cũng thấp hơn so với nhiều NH khác.

Như vậy, việc tăng vốn điều lệ của SCB càng gây áp lực lên hiệu quả hoạt động hiện nay. Bên cạnh đó, với mức giá trên thị trường OTC đang được giao dịch dưới 5.000 đồng/cổ phiếu, việc bán cho nhà đầu tư bằng mệnh giá có thể nói là việc khó.

Cổ đông được gì?

Một số cổ đông của SCB phản ánh với ĐTTC trong 3 năm qua chưa nhận được khoản cổ tức nào của NH theo chủ trương chia sẻ khó khăn trong giai đoạn tái cơ cấu. Tuy nhiên, thời gian tái cơ cấu như cam kết cũng đã hết (cuối năm 2014) và cổ đông cũng băn khoăn thời gian tới NH có chia lợi nhuận với cổ đông hay không, mức nào?

Được biết, NH hợp nhất chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1-1-2012 và đến nay đã gần hoàn tất 3 năm tái cơ cấu. Mặc dù nợ xấu của SCB trên bản cân đối kế toán đã về mức khả quan 1,63%, nhưng lợi nhuận đạt được trong nửa đầu năm 2014 là 123 tỷ đồng trên tổng tài sản là 202.464 tỷ đồng. Kết quả này còn khoảng cách khá xa so với kế hoạch năm 2013 là 1.185 tỷ đồng và năm 2014 là 1.865 tỷ đồng trong đề án hợp nhất 3 NH công bố thời điểm cuối năm 2011.

Các chỉ số số ROE, ROA tính đến cuối tháng 6-2014 có tăng trưởng nhưng vẫn ở mức thấp lần lượt là 0,71% và 0,05%. Chưa có thông tin nào về việc cổ đông sẽ được nhận cổ tức sau thời gian tái cơ cấu, và việc tăng vốn điều lệ càng tạo áp lực lên lợi nhuận. Cổ đông được hưởng cổ tức chính đáng của mình càng xa vời. Nhiều người đặt vấn đề: Thực chất tái cơ cấu ai có lợi, hay cổ đông phải chịu trách nhiệm về sự yếu kém do ban điều hành gây ra?

Giao dịch tại SCB. Ảnh: LONG THANH

Giao dịch tại SCB. Ảnh: LONG THANH

Hiện tại giá giao dịch của SCB cũng khá thấp trên thị trường tự do, thanh khoản kém. Vậy tới đây SCB sẽ phát hành tương đương 200 triệu cổ phiếu để huy động thêm 2.000 tỷ đồng (trong trường hợp không thể tăng vốn cấp 2 theo kế hoạch huy động nguồn vốn từ nước ngoài) có hấp thụ được không?

Trước đó, trong năm 2013, các cổ đông cũng đã góp 1.711 tỷ đồng để nâng mức vốn điều lệ của SCB lên 12.295 tỷ đồng. Hiện các phương án tăng vốn vẫn chưa được NH này chính thức công bố. Tuy nhiên, câu hỏi đặt ra là ai sẽ mua cổ phiếu của SCB?

Trong công văn chấp thuận tăng vốn của NHNN nhấn mạnh: “Thống đốc NHNN yêu cầu Hội đồng quản trị SCB chịu trách nhiệm về việc các cổ đông không sử dụng vốn vay của chính SCB để góp vốn vào NH”. Như vậy, NHNN lo ngại một hiện tượng khá phổ biến trước đây là nhiều NH tăng vốn ảo bằng cách cho cổ đông vay để góp vốn.

Năm tài chính 2014 sắp kết thúc và SCB chỉ có thể thực hiện tăng vốn trong năm sau. Lúc đó, nhận định của kiểm toán độc lập có thể giúp nhà đầu tư có cái nhìn khách quan, thực chất hơn về hoạt động NH trong 3 năm qua trước khi đưa ra các quyết định có tiếp tục mua cổ phần hoặc khả năng được chia cổ tức?

Các tin khác