Các dự án luật mới

Cần minh định quyền tự do kinh doanh

5 dự án luật về thuế - tài chính và đầu tư - doanh nghiệp được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp lần thứ 8 vừa qua, với những cải tiến được kỳ vọng sẽ tạo đà cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những bất cập rất cần được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật phù hợp hơn.

5 dự án luật về thuế - tài chính và đầu tư - doanh nghiệp được Quốc hội khóa 13 thông qua tại kỳ họp lần thứ 8 vừa qua, với những cải tiến được kỳ vọng sẽ tạo đà cho cộng đồng doanh nghiệp phát triển mạnh mẽ và hội nhập sâu rộng hơn. Tuy nhiên, thực tế vẫn còn những bất cập rất cần được điều chỉnh bằng các văn bản dưới luật phù hợp hơn.

Chưa hết vướng mắc

So với Luật Đầu tư năm 2005,  Luật Đầu tư (sửa đổi) năm 2014 có tinh thần mở hơn, phạm vi điều chỉnh rõ ràng hơn khi chuyển phương pháp quản lý là “chọn cho” (nghĩa là cái gì cho ghi trong luật) sang “chọn bỏ” (những gì cấm thì ghi trong luật), cái gì luật không ghi hoặc ghi thiếu người dân và doanh nghiệp được quyền làm.

Dù vậy, đâu đó vẫn còn sự lưỡng lự giữa mong muốn thu hút đầu tư nước ngoài và bảo hộ đầu tư trong nước, giữa quyền quản lý của Nhà nước và quyền tự do đầu tư của nhà đầu tư. 

Lĩnh vực kinh doanh có điều kiện nhiều hay ít không phải là hạn chế về thủ tục. Đối với những đất nước càng phát triển, càng có nhiều điều kiện trong kinh doanh để ngành đó phục vụ sự phát triển con người, thí dụ sức khỏe, an ninh, môi trường… Vì thế những điều kiện kinh doanh là để phục vụ tốt hơn cho con người, không phải là thêm thủ tục. Do đó, trong 267 lĩnh vực kinh doanh có điều kiện, Chính phủ sẽ quyết định lĩnh vực, ngành nghề nào cần phải được cấp phép, những lĩnh vực này sẽ được hạn chế đến mức tối thiểu.

Ông Bùi Quang Vinh,
Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - Đầu tư

Đơn cử, đối với các dự án lớn theo Điều 30, 31 và 32 của Luật Đầu tư 2014 như nhà máy điện hạt nhân, chuyển mục đích vườn quốc gia... sẽ phải xin chấp thuận chủ trương đầu tư từ Quốc hội, Thủ tướng Chính phủ hoặc UBND cấp tỉnh. Dù những dự án phải xin chủ trương đầu tư là những dự án lớn và đặc biệt, tuy nhiên việc chấp thuận chủ trương đầu tư có thể phát sinh hệ lụy.

Thực ra trong bối cảnh Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) mới được ban hành, sự cẩn trọng của các cơ quan cấp phép nhằm tránh việc áp dụng tràn lan thủ tục xin chủ trương đầu tư, nhưng cũng có thể tạo cơ hội cho những nhà đầu tư không đủ năng lực xí phần dự án thông qua việc chạy chấp thuận chủ trương đầu tư.

Bên cạnh đó, Luật Đầu tư 2014 cũng chưa giải quyết triệt để bài toán về tư cách của nhà đầu tư nước ngoài. Nhà đầu tư nước ngoài hiện nay được xác định theo tiêu chí chính là quốc tịch, ai không có quốc tịch Việt Nam đó là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, có quan điểm khác lại xác định nhà đầu tư nước ngoài theo vốn, tức chỉ cần doanh nghiệp tại Việt Nam có vốn đầu tư từ nước ngoài, doanh nghiệp đó cũng bị xem là nhà đầu tư nước ngoài.

Đáng lẽ nên chọn phương án thứ nhất, tức xác định nhà đầu tư nước ngoài theo quốc tịch, luật lại chọn phương án trung dung. Theo đó, Luật Đầu tư 2014 chia nhà đầu tư nước ngoài thành 3 nhóm: Nhóm 1: nhà đầu tư có quốc tịch nước ngoài; nhóm 2: các doanh nghiệp Việt Nam có 51% vốn nước ngoài; nhóm 3: doanh nghiệp Việt Nam có dưới 51% vốn nước ngoài.

Nhóm 1 và 2 bị áp dụng các điều kiện như nhà đầu tư nước ngoài (từ ngành nghề đến thủ tục đầu tư...), trong khi nhóm 3 được áp dụng các thủ tục và điều kiện như doanh nghiệp trong nước. Như vậy doanh nghiệp có 51% vốn nước ngoài và doanh nghiệp có 50,9% vốn nước ngoài (tức xấp xỉ nhau) được áp dụng 2 thủ tục đầu tư khác nhau. Bất hợp lý khác là ngay cả khi doanh nghiệp có 51% vốn nước ngoài thành lập một doanh nghiệp mới tại Việt Nam cũng vẫn phải áp dụng các điều kiện và thủ tục như nhà đầu tư nước ngoài.

Chờ nghị định, thông tư điều chỉnh

Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) đã gỡ bỏ hàng loạt gánh nặng, cản trở làm nản lỏng người khởi sự kinh doanh và hiện thực hóa một cách đầy đủ quyền tự do kinh doanh theo nguyên tắc đã được hiến định: Người dân được tự do kinh doanh những ngành nghề pháp luật không cấm.

Tuy nhiên, gần đây cộng đồng doanh nghiệp lại có lý do để hoài nghi về tính khả thi của luật này khi Hiệp hội Taxi ở Hà Nội và TPHCM đã lần lượt kiến nghị Chính phủ cho dừng dịch vụ Uber. Đồng thời một thứ trưởng của Bộ Giao thông-Vận tải cho rằng ở Việt Nam chưa có quy định cụ thể về loại hình này (nghĩa là luật chưa cho phép) nên “bất kỳ hãng nào hoạt động đều là trái luật”. Rất may sau đó người đứng đầu Bộ Giao thông-Vận tải và Thủ tướng Chính phủ đã khẳng định quan điểm sẽ tìm giải pháp để Uber hoạt động hợp pháp, đóng thuế đầy đủ.

Việc chỉ áp dụng một mức 2% có cái lợi là người nộp thuế chủ động tính được số thuế phải đóng, không phải tranh cãi với cơ quan thuế, đồng thời hạn chế được tiêu cực của cán bộ thuế. Tuy nhiên, điều này lại cho thấy rõ sự bị động trong công tác quản lý hiện nay, nghĩa là đang quản đến đâu phát triển tới đó.

Ông Nguyễn Thái Sơn,
Giám đốc Công ty Tư vấn thuế Sài Gòn

Khoa học công nghệ phát triển đang tạo điều kiện cho doanh nghiệp mở ra các loại hình kinh doanh mới mà dịch vụ Uber là một thí dụ. Điều đó cũng đặt ra thách thức cho các loại hình kinh doanh truyền thống và gây sức ép lên các cơ quan quản lý nhà nước. Trước tình thế đó, cơ quan nhà nước cũng như doanh nghiệp truyền thống chỉ có 2 lựa chọn: cấm hoặc thay đổi để thích ứng và vươn lên.

Nếu cấm, chắc chắn nền kinh tế Việt Nam sẽ kém cạnh tranh và tụt hậu, nên chỉ còn con đường là phải thay đổi, phải tiếp nhận cái mới để hòa vào xu thế phát triển. Muốn vậy cơ quan quản lý nhà nước phải thay đổi để trở nên hiệu quả hơn, doanh nghiệp phải cải tổ để đạt được hiệu suất cao hơn, từ đó thực hiện nghiêm túc quyền tự do kinh doanh, không dùng biện pháp hành chính để thủ tiêu hay hạn chế cạnh tranh.

Đối với Luật Quản lý và sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh tại doanh nghiệp (sửa đổi) năm 2014, dù được thông qua nhưng theo các chuyên gia vẫn chưa xử lý được vấn đề then chốt ai sẽ là đại diện chủ sở hữu tại doanh nghiệp nhà nước.

Tại Chương 1, Điều 5 quy định: “Chính phủ chịu trách nhiệm trước Quốc hội thống nhất thực hiện quyền, trách nhiệm của đại diện chủ sở hữu nhà nước trong việc đầu tư vốn nhà nước vào doanh nghiệp và quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp”. Như vậy Chính phủ sẽ chịu trách nhiệm trước Quốc hội, nhưng chưa chỉ rõ chịu trách nhiệm về cái gì, lấy chỉ tiêu nào để đánh giá Chính phủ đã hoàn thành hay không hoàn thành nhiệm vụ?

Một điểm đáng lưu ý, theo Bộ Ngoại giao, các hiệp định thương mại tự do (FTA), Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP) Việt Nam đang đàm phán có cam kết tất cả doanh nghiệp nhà nước cạnh tranh bình đẳng với doanh nghiệp tư nhân; Nhà nước không trợ cấp cho doanh nghiệp nhà nước; minh bạch hóa quản lý.

Luật  sửa đổi cũng không đưa ra được các quy định đáp ứng yêu cầu của phía đối tác trong các FTA, nên hứa hẹn các nghị định, thông tư hướng dẫn sẽ có sự điều chỉnh hợp lý hơn.

Vừa ra đời đã gây “rối”

Luật sửa đổi bổ sung một số điều của các luật về thuế, có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2015, nhưng những quy định về thuế thu nhập cá nhân (TNCN) được đánh giá chưa hợp lý. Theo đó, kể từ ngày 1-1-2015, cá nhân chuyển nhượng bất động sản bị đánh thuế TNCN áp dụng một mức thuế suất 2% trên giá chuyển nhượng. Với chứng khoán cũng tương tự, áp dụng một mức thuế suất 0,1% trên giá chuyển nhượng, thay vì 2 phương pháp tính thuế hiện hành (0,1% trên giá chuyển nhượng hoặc 20% trên thu nhập).

Ngoài ra, cá nhân kinh doanh có doanh thu trên 100 triệu đồng trở lên mới phải đóng thuế TNCN.  Đồng thời, luật quy định cụ thể cá nhân kinh doanh nộp thuế theo tỷ lệ đối với từng lĩnh vực, ngành nghề, như phân phối, cung cấp hàng hóa 0,5%; dịch vụ, xây dựng không bao thầu nguyên vật liệu 2%; hoạt động cho thuê tài sản, đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp 5%; sản xuất, vận tải, dịch vụ có gắn với hàng hóa, xây dựng có bao thầu nguyên vật liệu 1,5%; hoạt động kinh doanh khác 1%.

Một bất cập nữa tại Điều 10 về thuế đối với cá nhân kinh doanh quy định cá nhân kinh doanh nộp thuế TNCN theo tỷ lệ trên doanh thu, trong đó có quy định mức thuế suất đối với đại lý bảo hiểm, đại lý xổ số, đại lý bán hàng đa cấp 5%. Trước đây những đơn vị trên nhận tiền hoa hồng từ các công ty mẹ được xem là tiền lương tiền công, nay chuyển qua ấn định một tỷ lệ trên doanh thu, trong khi khoản hoa hồng trong các lĩnh vực khác vẫn xem là tiền lương, tiền công và áp dụng theo mức thuế lũy tiến lên đến 35% là không công bằng.

Giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp và người dân về thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Giải đáp những thắc mắc của doanh nghiệp và người dân
về thuế tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Tương tự, việc Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt (sửa đổi) giữ nguyên mức thuế với ô tô cũng gây ra không ít tranh cãi trong cộng đồng doanh nghiệp ô tô, vì vẫn chưa mở ra lối thoát cho họ khi thời điểm giảm thuế nhập khẩu về 0% đang đến gần. Hiện ô tô cá nhân từ 9 chỗ trở xuống đang chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 45-60% tùy theo dung tích xi lanh. Trong khi đó, các nước trong khu vực không đánh thuế tiêu thụ đặc biệt nguyên chiếc mà dựa trên giá đơn hàng nhập khẩu bộ linh kiện sản xuất ô tô.

Chẳng hạn, với doanh nghiệp nhập khẩu 100% linh kiện xe về lắp ráp, với giá 10.000USD/bộ, khi chịu thuế tiêu thụ đặc biệt 45%, chi phí sẽ cao, còn doanh nghiệp nào nội địa hóa 50% chỉ nhập 50%, khi áp 45% thuế tiêu thụ đặc biệt, chi phí sẽ thấp hơn một nửa. Tức càng nội địa hóa nhiều, nhập khẩu ít chịu thuế tiêu thụ đặc biệt ít. Điều này mới khuyến khích doanh nghiệp đẩy mạnh nội địa hóa để giảm giá thành.

Các tin khác