Nỗ lực xây dựng, phát triển thương hiệu quốc gia

Tên của bạn (*)

(ĐTTC) - Chiều qua 16-12, Bộ Công Thương đã công bố quyết định công nhận 63 doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt “Thương hiệu quốc gia năm 2014” (trên cơ sở 1.500 hồ sơ).


Đây là năm thứ tư liên tiếp danh sách này được công bố kể từ năm 2008 (mỗi 2 năm/lần). Theo kế hoạch, ngày 23-12 tới, lễ công bố sẽ được tổ chức tại Hà Nội với đại diện tham dự là lãnh đạo của Đảng, Nhà nước và Chính phủ.

Dự kiến, ngày 25-12, Hội đồng thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp sẽ có buổi tiếp kiến, báo cáo Chủ tịch nước Trương Tấn Sang

Theo ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, việc công bố các doanh nghiệp tham gia chương trình thương hiệu quốc gia chỉ là bước khởi đầu cho việc tiếp tục xây dựng thương hiệu (khác với các giải thưởng khác khi trao giải là xong). Bởi sau đó, Chính phủ, Bộ Công Thương sẽ cùng các doanh nghiệp tiếp tục xây dựng thương hiệu doanh nghiệp, tạo điều kiện cho thương hiệu doanh nghiệp được thế giới biết đến, công nhận.

Cũng theo ông Hải, do đây là chương trình duy nhất được Chính phủ quảng bá, xây dựng thương hiệu nên các tiêu chí để chọn thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia được đưa ra đấu thầu quốc tế để từ đó đưa ra những yêu cầu với chuẩn mực cao. Khác với các nhiều chương trình, giải thưởng, doanh nghiệp mỗi ngành hàng khi nộp hồ sơ tham gia chương trình đều qua vòng tuyển chọn của ban chuyên gia.

Chẳng hạn, doanh nghiệp ngành dệt may sẽ có ban chuyên gia gồm đại diện lãnh đạo hiệp hội, Tập đoàn Dệt may để tiến hành chấm điểm, lựa chọn. Sau đó, danh sách doanh nghiệp sẽ được trình lên Hội đồng thương hiệu quốc gia với đại diện các bộ, ngành để tiếp tục xem xét. Mục đích cuối cùng của chương trình này nhằm phát triển các thương hiệu sản phẩm của doanh nghiệp có uy tín, nâng tầm thương hiệu đó và để thương hiệu đó ra thị trường quốc tế được nhắc đến như là thương hiệu quốc gia của Việt Nam.

Theo Bộ Công Thương, khi tham gia chương trình thương hiệu quốc gia, doanh nghiệp sẽ được hỗ trợ tuyên truyền quảng bá thương hiệu trên báo chí, ấn phẩm điện tử, bản tin xuất khẩu; nâng cao nhận thức về thương hiệu và tăng cường năng lực kinh doanh và phát triển thương hiệu (năm 2013, các chương trình quảng bá, xúc tiến, giới thiệu sản phẩm… giúp doanh nghiệp ký biên bản ghi nhớ hợp tác 1,4 tỷ USD và 162 tỷ đồng; doanh số bán hàng hơn 308 tỷ đồng…); hỗ trợ hiệp hội ngành hàng có năng lực cạnh tranh xuất khẩu và thực hiện chiến lược phát triển thương hiệu sản phẩm cho ngành…

Trong danh sách doanh nghiệp có thương hiệu sản phẩm đạt thương hiệu quốc gia có nhiều tên tuổi nổi tiếng tại các lĩnh vực ở trong nước như: Thống Nhất, Ô tô Trường Hải; May 10; Minh Long 1; Ngân hàng Ngoại thương; trà Cozy…

Các tin khác