Mua điện gió giá nào?

Các nhà đầu tư cho rằng mức giá mua điện gió của Chính phủ hiện nay quá thấp nên không thể bảo đảm thu hồi vốn cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án điện gió mới.

Các nhà đầu tư cho rằng mức giá mua điện gió của Chính phủ hiện nay quá thấp nên không thể bảo đảm thu hồi vốn cũng như thu hút nguồn vốn đầu tư vào các dự án điện gió mới.

Nhà đầu tư nội muốn tăng

Theo Bộ Công Thương, cả nước hiện có gần 50 dự án điện gió đã đăng ký trong hơn 3 năm nay với tổng công suất đăng ký 4.876MW. Tuy nhiên, mới chỉ có 3 nhà máy điện gió phát điện thương mại là Bình Thuận, Phú Quý và Bạc Liêu. Đây là con số rất khiêm tốn so với tiềm năng năng lượng điện gió của Việt Nam. Nguyên nhân do suất đầu tư của dự án điện gió khá cao, trong khi giá mua điện khoảng 1.614 đồng/kWh (tương đương 7,8 cent/kWh), cao hơn 310 đồng/kWh so với mức giá điện bình quân hiện nay là 1.304 đồng/kWh, nhưng thấp hơn nhiều nước trong khu vực, được xem chưa hấp dẫn nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Một nghiên cứu về năng lượng gió GIZ/MoIT do Viện Năng lượng thực hiện cho thấy đối với các dự án điện gió sử dụng công nghệ Hoa Kỳ và châu Âu đáp ứng đầy đủ tiêu chuẩn IEC (Hội đồng Kỹ thuật điện Quốc tế), chi phí đầu tư ban đầu ước tính 2.250USD/kW và giá thành điện bình quân 10,68 cent/kWh. Trong khi đó, đối với công nghệ Trung Quốc suất đầu tư 1.700USD/kW và giá thành khoảng 8,6 cent/kWh. Trong suất đầu tư cho 1 dự án điện gió, giá thành của tuabin chiếm 70-80%, còn lại là các chi phí như xây dựng móng, bảo trì, làm mới đường vận chuyển, lắp đặt cột và tuabin, thiết lập hệ thống điện nội bộ và đấu nối điện, thuê tư vấn…

Đại diện Hiệp hội Điện gió Bình Thuận cho rằng 1 dự án điện gió trên bờ công suất 30MW có vốn đầu tư gần 65 triệu USD, trong đó khoảng 80% vốn vay. Với giá 7,8 cent/kWh, để dự án có hiện quả nhà đầu tư phải vay được vốn với lãi suất nhỏ hơn 1,1%/năm là điều rất khó. Do vậy, Hiệp hội kiến nghị Chính phủ, các bộ, ngành liên quan cần đưa ra lộ trình tăng giá mua điện gió trên bờ từ mức 7,8 cent/kWh hiện nay lên trên 10 cent/kWh vào năm 2015 và trên 12 cent/kWh vào năm 2017.

Ông Tô Hoài Dân, Chủ tịch Công ty TNHH Công Lý, đơn vị đầu tư xây dựng nhà máy điện gió tại tỉnh Bạc Liêu, cho biết do dự án triển khai trên biển nên được Bộ Công Thương phê duyệt mức giá mua điện 9,8 cent/kWh (khoảng 2.100 đồng/kWh). Việc này đang khiến nhà đầu tư lưỡng lự bởi với giá mua điện trên, thời gian hoàn vốn 1 dự án điện gió kéo dài trên 15 năm. Ông Nguyễn Việt Cường, Chủ tịch Tập đoàn Phú Cường Cà Mau, nhà đầu tư dự án Nhà máy điện gió Sóc Trăng, cho rằng giá bán điện gió ở mức 9,8 cent/KWh cũng chưa an toàn cho doanh nghiệp đầu tư lĩnh vực này, mà phải ở mức 12,8 cent (gần 2.700 đồng/kWh), sau 10 năm khai thác sẽ điều chỉnh giảm xuống 10%.

Nhà đầu tư ngoại không mặn mà

Là đối tác của Phú Cường trong dự án điện gió Sóc Trăng, ông Chris Beaufait, Chủ tịch Công ty Vestas khu vực châu Á Thái Bình Dương và Trung Quốc, cho rằng phát triển nguồn năng lượng tái tạo như điện gió là xu hướng chung, đồng thời là giải pháp tương lai của các quốc gia, trong đó có Việt Nam. Tuy nhiên, thách thức lớn nhất Việt Nam đang đối mặt về phát triển điện gió gồm 3 vấn đề: thiếu nguồn vốn đầu tư, khả năng kết nối với hệ thống lưới điện quốc gia chưa được tính đến và năng lực thiết kế, quản lý vận hành, bảo dưỡng còn hạn chế.  Bên cạnh đó, nếu so sánh về giá thành, hiện điện gió đang phải cạnh tranh gay gắt với điện gas, nhiệt điện và thủy điện. Như vậy, điện gió chỉ cạnh tranh được với điện chạy dầu, với chi phí thấp hơn khoảng 24%. Trong khi đó, giá mua vào theo quy định của Chính phủ với hàng loạt chính sách ưu đãi mới dừng lại 7,8 cent/kWh, so với mức đề xuất của các doanh nghiệp nước ngoài phải tối thiểu trên 10 cent/kWh.

Ông Chris Beaufait khẳng định với khả năng kinh nghiệm của mình, Vestas có thể cung cấp nhiều loại công nghệ sử dụng được cả khi nguồn gió thấp và gió cao, với chi phí lắp đặt giảm 14% và công suất tăng gấp đôi. Đồng thời Vestas sẽ hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết những thách thức về nguồn tài chính, kỹ thuật, vận hành - bảo dưỡng, giảm tổn thất... Tuy nhiên, liệu Vestas có cùng các doanh nghiệp đầu tư phát triển điện gió tại Việt Nam, ông Beaufait khẳng định công ty không tham gia đầu tư trực tiếp vào các dự án mà chỉ tư vấn hỗ trợ kỹ thuật, tìm kiếm nguồn vốn cho nhà đầu tư thông qua các định chế tài chính; cung cấp công nghệ thiết bị tối ưu để doanh nghiệp đạt hiệu quả cao nhất.

Các tin khác