Nợ xấu và vốn nền kinh tế: Tăng giải pháp, gỡ điểm nghẽn

2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nỗ lực xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các giải pháp được triển khai vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Muốn xử lý nợ xấu để tháo điểm nghẽn tín dụng cần phải sớm đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm và phải làm sớm, không nên kéo dài.

2 năm trở lại đây, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) và các tổ chức tín dụng (TCTD) đã nỗ lực xử lý nợ xấu nhằm tháo gỡ khó khăn cho các TCTD nói riêng và nền kinh tế nói chung. Tuy nhiên, theo đánh giá của nhiều chuyên gia, các giải pháp được triển khai vẫn chưa giải quyết được gốc rễ vấn đề. Muốn xử lý nợ xấu để tháo điểm nghẽn tín dụng cần phải sớm đồng bộ nhiều giải pháp trọng tâm và phải làm sớm, không nên kéo dài.

Nợ xấu: vẫn đáng lo ngại

Theo báo cáo của các TCTD, 9 tháng năm 2014, tỷ lệ nợ xấu chiếm 3,8% tổng dư nợ, giảm hơn so với các tháng trước. Cụ thể tháng 6: 4,17%, tháng 7: 4,11%, tháng 8: 3,9% và ước tính đến cuối năm nay nợ xấu còn khoảng 2,5-2,7%.

Tuy nhiên, theo tính toán của NHNN, tỷ lệ nợ xấu đến cuối tháng 9 khoảng 5,4%, cao hơn so với báo cáo các TCTD. Dù vậy, NHNN rất lạc quan với mục tiêu đến cuối năm 2014, nợ xấu giảm về mức 3,7-4,2% và đến năm 2015 có thể đưa về mức 3%.

Năm 2015 nên tập trung xử lý dứt điểm nợ xấu của các TCTD thông qua tạo dựng hành lang pháp lý đủ thẩm quyền và khả thi cho VAMC; xử lý vấn đề sở hữu chéo và thay đổi chiến lược sáp nhập hợp nhất các TCTD, từ hình thức tự nguyện sang bắt buộc, thậm chí cho phá sản những TCTD yếu kém để thanh lọc hệ thống.

GS.TS Trần Thọ Đạt,
Hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế Quốc dân

Tuy nhiên, trên mặt bằng chung của hệ thống NHTM, tình hình nợ xấu diễn biến kém khả quan hơn. Hiện nhiều NHTM lớn vẫn có tỷ lệ nợ xấu trên ngưỡng 3%, như Eximbank 3,36%, ACB 3,07%, MB 3,06%. Một số NH có tỷ lệ nợ xấu cao khiến kết quả kinh doanh 9 tháng rất ảm đạm.

Chẳng hạn, DongABank đã bán 2.000 tỷ đồng cho Công ty Quản lý tài sản của các TCTD Việt Nam (VAMC), nhưng tính đến hết tháng 9, nợ xấu vẫn còn 6.946 tỷ đồng, chiếm 13% tổng dư nợ. NH này phải trích lập dự phòng rủi ro 139 tỷ đồng trong quý III, gần gấp đôi so với lợi nhuận thu được, tính chung 9 tháng, mức trích lập 339 tỷ đồng.

Điều này đẩy DongABank vào tình trạng lỗ sau thuế 76 tỷ đồng trong quý III và 9 tháng chỉ đạt lợi nhuận sau thuế 149 tỷ đồng, chưa bằng một nửa cùng kỳ 2013. Nợ xấu 9 tháng tại ABBank 3.739 tỷ đồng, chiếm 16% tổng dư nợ, Trong quý III, ABBank trích lập dự phòng rủi ro 108 tỷ đồng, tăng 18 lần so với cùng kỳ năm ngoái, lũy kế 9 tháng, khoản trích lập lên đến 216 tỷ đồng, tăng 12 lần so với cùng kỳ.

Trong khi đó, các NH có mức nợ xấu 9 tháng dưới 3% cũng tiềm ẩn nhiều rủi ro. Cụ thể tại BIDV, nợ xấu chỉ chiếm 1,93% dư nợ cho vay khách hàng nhưng so với cuối năm 2013 đã tăng 7,3%. Hơn nữa, trong tổng số 7.961 tỷ đồng nợ xấu có đến 5.371 tỷ đồng nợ có khả năng mất vốn.

Tại Vietcombank, nợ xấu giảm xuống còn 2,54% so với mức 2,72% hồi đầu năm, nhưng trong khoản nợ xấu 7.686 tỷ đồng có khoảng 50% rơi vào nhóm nợ có khả năng mất vốn, tăng gần 70% so với cuối năm 2013. Nợ quá hạn của VietinBank tăng 0,75% so với đầu năm lên 1,75%, chiếm 6.978 tỷ đồng, trong đó nợ dưới tiêu chuẩn tăng 88,5%, nợ nghi ngờ tăng gấp 2,5 lần và nợ có khả năng mất vốn tăng gấp rưỡi.

Nợ xấu của VIB 2,19%, quỹ dự phòng rủi ro lũy kế sau khi đã trừ các khoản xử lý rủi ro vẫn duy trì ở mức gần 1.600 tỷ đồng, nợ nhóm 5 tăng 96%. VPBank tuy không đề cập đến chất lượng tín dụng, tỷ lệ nợ xấu 9 tháng nhưng trích lập dự phòng rủi ro đến 958 tỷ đồng, tăng 58% so với đầu năm. Hiện có khoảng 20 NHTM đã công bố báo cáo tài chính nhưng trong đó, có gần phân nửa không nhắc đến tỷ lệ nợ xấu trong 3 quý đầu năm.

Xử lý nợ xấu chưa thông

Nguy cơ nợ xấu tăng trở lại vẫn đang là nỗi ám ảnh, bởi cho đến nay tổng cầu vẫn chưa phục hồi, môi trường kinh doanh chưa được cải thiện. Việc xử lý nợ xấu phụ thuộc nhiều vào các điều kiện kinh tế vĩ mô và thị trường.

Trong khi đó, thị trường bất động sản chưa phục hồi, sản xuất kinh doanh còn nhiều khó khăn, tiêu thụ hàng hóa chậm, năng lực tài chính và khả năng trả nợ của doanh nghiệp (DN) thấp, đang gây khó khăn cho việc bán, xử lý tài sản bảo đảm tiền vay và nợ xấu có nguy cơ gia tăng.

Thời gian qua, NHNN đã triển khai các giải pháp để kiềm chế nợ xấu gia tăng, như chỉ đạo các TCTD tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu, thực hiện các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng để hạn chế phát sinh nợ xấu mới; VAMC tiến hành đánh giá, phân loại các khoản nợ xấu đã mua để có biện pháp xử lý phù hợp theo quy định của pháp luật. Tuy nhiên, hiệu quả của các giải pháp trên đều có giới hạn và cho đến nay vẫn chưa giải quyết được những vướng mắc.

Bản thân các NHTM cũng tiến hành các giải pháp thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo nợ vay, nhưng khi triển khai lại vướng cơ chế. Điển hình như việc xử lý tài sản đảm bảo đến nay vẫn chưa thông, vì dù trong hợp đồng vay vốn NH được toàn quyền xử lý tài sản thế chấp, nhưng nếu khách hàng không ký hồ sơ chuyển nhượng, NH không thể làm gì được. Nhiều trường hợp kiện ra tòa, sau khi bản án có hiệu lực vẫn khó xử lý do thủ tục rườm rà hoặc thi hành án theo kiểu cầm chừng nên NH rất khó thu hồi nợ.

Nợ xấu chính là điểm nghẽn của dòng tín dụng và là nguy cơ gây bất ổn thanh khoản của hệ thống NH. Vì vậy, vấn đề này cần phải được giải quyết dứt điểm bằng các giải pháp đồng bộ sớm nhất, không thể để dây dưa mãi được.

TS. Trần Du Lịch,
thành viên Hội đồng Tư vấn chính sách tiền tệ quốc gia

Ông Trương Đình Tuyển, nguyên Bộ trưởng Bộ Thương mại, nhận định hiện nay cần có giải pháp hữu hiệu để giải quyết nợ xấu của các NHTM, gắn với tái cơ cấu hệ thống NH, thực hiện minh bạch tỷ lệ nợ xấu. Đối với nợ xây dựng cơ bản và nợ của DN nhà nước (DNNN) trước sau cũng phải trả nên cần tìm nguồn để trả.

Chẳng hạn, bán cổ phần của DNNN mà Nhà nước không cần tham gia sở hữu tại Tổng công ty Đầu tư và kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) để trả nợ, giải phóng bớt gánh nặng cho các TCTD, đi đôi với việc xử lý lãnh đạo DNNN đã gây ra nợ xấu và tái cơ cấu DNNN. Muốn VAMC giải quyết triệt để vấn đề nợ xấu phải tạo ra sân chơi chung, rộng hơn về quy mô và thông thoáng hơn về luật lệ với sự tham gia của các tổ chức mua bán nợ của NHTM hiện thời, hay từ nhiều nguồn lực khác.

Trả lời chất vấn tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa XIII, Thủ tướng Chính phủ nhận định kết quả xử lý nợ xấu chưa được như mong muốn do khuôn khổ pháp luật, chức năng của VAMC còn hạn chế. Bên cạnh đó, do một số TCTD còn yếu kém, tình trạng sở hữu chưa minh bạch, nên nhiệm vụ còn rất khó khăn.

Chính phủ đã đưa các giải pháp xử lý nợ trong thời gian tới, trong đó nhấn mạnh đến việc hoàn thiện khuôn khổ pháp lý tạo thuận lợi cho xử lý nợ xấu, nhất là việc mua bán nợ, khuyến khích nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia, cũng như yêu cầu sự phối hợp đồng bộ giữa các bên liên quan để sớm đưa nợ xấu về ngưỡng an toàn.

Thiết lập thị trường mua bán nợ

Mới đây, trong đề xuất gửi Chính phủ, VAMC đề nghị được thành lập trung tâm đấu giá nợ xấu để làm nền tảng ban đầu hình thành thị trường mua bán nợ chính thức của Việt Nam. Đồng thời, VAMC cũng muốn tiếp cận nguồn vốn dài hạn của các tổ chức quốc tế để vay vốn mua nợ xấu theo giá thị trường, kêu gọi nhà đầu tư trong và ngoài nước tham gia xử lý nợ xấu theo hướng tái cấu trúc và mua bán DN.

Theo một chuyên gia tài chính, muốn xử lý nợ xấu theo cơ chế thị trường buộc phải có thị trường mua bán nợ. Điều này cần gấp rút thực hiện để nợ xấu được xử lý theo đúng những nguyên tắc của thị trường, từ đó mới sớm tháo gỡ nợ xấu, khơi thông tín dụng cho nền kinh tế.

Tư vấn cho khách hàng DN vay vốn sản xuất. Ảnh: LONG THANH

Tư vấn cho khách hàng DN vay vốn sản xuất. Ảnh: LONG THANH

Thời gian qua, NHNN đã đưa ra các giải pháp thúc đẩy tín dụng nông nghiệp, nông thôn, triển khai chương trình hỗ trợ ngư dân bám biển, xóa đói giảm nghèo, đưa ra các giải pháp phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp quy mô lớn, ứng dụng công nghệ cao, chương trình liên kết 4 nhà…

Ngoài ra, NHTM cũng chủ động tiếp cận khách hàng để cho vay. Tuy nhiên, những nỗ lực điều chỉnh nhằm làm giảm chi phí vay vốn như việc điều chỉnh giảm lãi suất tái cấp vốn, giảm lãi suất tái chiết khấu, hạ lãi suất trần huy động tiền gửi ngắn hạn... vẫn chưa kích thích được dòng vốn, mức độ hấp thụ vốn của nền kinh tế vẫn yếu khi nợ xấu còn đeo bám các TCTD.

Trong 11 tháng qua, xét cơ cấu tín dụng NHTM, cho thấy tăng trưởng tín dụng chủ yếu dựa vào cấp bảo lãnh và đầu tư, mua trái phiếu chính phủ, cho vay cá nhân, trong khi dòng vốn chảy vào sản xuất rất hạn chế.

Báo cáo triển vọng kinh tế vĩ mô của CTCP Chứng khoán Maritime Bank (MSBS) đưa ra 2 kịch bản của nền kinh tế trong năm 2015. Theo kịch bản lạc quan, nếu giải quyết được các vấn đề tồn đọng và nền kinh tế khởi sắc có thể kích hoạt được luồng vốn cho nền kinh tế.

Với áp lực cải tổ hoạt động để đáp ứng các chỉ tiêu chặt chẽ hơn theo Thông tư 36/2014-NHNN sẽ đẩy nhanh quá trình ghi nhận, xử lý nợ xấu và đưa hoạt động NH về đúng bản chất. Khi hệ thống NH hoàn thành quá trình xử lý nợ xấu và tạo đáy theo trình tự phân hóa, những nhóm đầu ngành sẽ hồi phục, tạo hiệu ứng tích cực lên cả thị trường.

Còn theo kịch bản thận trọng, nếu kinh tế phục hồi chậm, tốc độ xử lý nợ xấu của NH chậm, bất động sản phải mất 2-4 năm nữa mới ấm lại, hoạt động DN chỉ tăng trưởng nhẹ so với năm nay. Như vậy, tín dụng tăng trưởng như thế nào, dòng vốn có ra được nền kinh tế, chảy vào sản xuất hay không trong năm 2015 phụ thuộc rất lớn vào tốc độ xử lý nợ xấu của các TCTD.

Các tin khác