CHẤM DỨT HỢP ĐỒNG LAO ĐỘNG TRÁI LUẬT

LHG phải bồi thường hơn 1,5 tỷ đồng

Báo ĐTTC số 562 (ngày 27-9-2012) và số 566 (ngày 11-10-2012)  đã đăng bài “LHG chấm dứt hợp đồng lao động trái luật” và “LHG vi phạm Luật Lao động”, phản ánh việc CTCP Long Hậu (LHG) chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Lê Hoàng Trọng Văn. Cho rằng LHG tiến hành việc này trái pháp luật, ông Văn đã khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Báo ĐTTC số 562 (ngày 27-9-2012) và số 566 (ngày 11-10-2012)  đã đăng bài “LHG chấm dứt hợp đồng lao động trái luật” và “LHG vi phạm Luật Lao động”, phản ánh việc CTCP Long Hậu (LHG) chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Lê Hoàng Trọng Văn. Cho rằng LHG tiến hành việc này trái pháp luật, ông Văn đã khởi kiện vụ việc ra tòa án.

Sau 2 năm theo kiện, ngày 27-11-2014 TAND tỉnh Long An đã có phán quyết phúc thẩm về việc tranh chấp đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động giữa ông Lê Hoàng Trọng Văn và LHG. Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm nhận định: Khi LHG thực hiện chủ trương sáp nhập Phòng Phát triển liên doanh vào Phòng Tiếp thị kinh doanh vẫn tiếp tục duy trì hợp đồng lao động với ông Văn vào ngày 7-7-2009, đồng thời bố trí cho ông Văn trở lại làm việc tại Phòng Phát triển dự án trước đây. Điều đó đã chứng minh rằng chủ trương thay đổi cơ cấu, sáp nhập phòng ban của LHG không làm cho ông Văn bị mất việc theo Điều 17 BLLĐ.

Mặt khác, tại Công văn 2200 ngày 25-11-2014 của Bảo hiểm xã hội tỉnh Long An, xác nhận kể từ tháng 9-2012 đến tháng 11-2014, LHG đã đăng ký tham gia các bảo hiểm xã hội, y tế và thất nghiệp cho 27 lao động mới, trong đó có trường hợp vừa cho ông Văn nghỉ việc, công ty tuyển mới 2 lao động. Do đó, việc LHG chấm dứt hợp đồng lao động với ông Văn đã không đảm bảo các căn cứ theo quy định tại Điều 17 BLLĐ như lý do LHG đưa ra, đồng thời không thuộc trường hợp người sử dụng lao động được quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động theo Điểm d, Khoản 1, Điều 38 BLLĐ.

Ngoài ra, tại Khoản 2, Điều 38 BLLĐ quy định: Khi đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, trừ trường hợp người lao động bị xử lý kỷ luật sa thải, người sử dụng lao động phải báo trước cho người lao động biết trước ít nhất 45 ngày đối với hợp đồng lao động không xác định thời hạn.

Nội dung này cũng đã được quy định tại Khoản 5, Điều 12 Thỏa ước lao động tập thể và tại Mục 14.2.7 Nội quy lao động của LHG. Do đó, việc LHG cho rằng dù không báo trước cho ông Văn biết về việc sẽ chấm dứt hợp đồng lao động với ông Văn, nhưng công ty đã chuyển trả vào tài khoản của ông Văn tiền lương 45 ngày để ông Văn tìm việc làm mới là không thực hiện đúng thỏa ước lao động tập thể, không tôn trọng nội quy lao động của công ty đã đề ra và trái với quy định tại Khoản 2, Điều 38 BLLĐ.

Từ những cơ sở trên, Hội đồng xét xử đã có căn cứ kết luận việc LHG chấm dứt hợp đồng lao động với ông Lê Hoàng Trọng Văn là trái pháp luật. Theo đó, Hội đồng xét xử phúc thẩm đã tuyên xử: Hủy Quyết định 39/2012/QĐ-LHC-HCNS ngày 12-9-2012 của LHG về việc chấm dứt hợp đồng lao động đối với ông Lê Hoàng Trọng Văn; buộc LHG có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Lê Hoàng Trọng Văn do chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật với tổng số tiền 1.587.821.000 đồng. Ngoài ra, LHG phải chịu án phí 35.756.420 đồng.

Có thể nói, bản án phúc thẩm công minh, đúng pháp luật, hợp tình hợp lý của TAND tỉnh Long An đã được dư luận đồng tình. Quyền lợi hợp pháp, chính đáng của người lao động đã được pháp luật bảo vệ. Đây còn là bài học không chỉ cho ban lãnh đạo LHG mà còn đối với những người đứng đầu doanh nghiệp khác đã coi thường pháp luật, cố tình o ép người lao động.

Các tin khác