Căng thẳng tiếp vốn sản xuất kinh doanh

Hoạt động của ngành NH trên địa bàn TPHCM những tháng đầu năm gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những thống kê về nợ xấu được công khai rõ ràng, cụ thể hơn nên việc xử lý nợ xấu trên địa bàn có nhiều triển vọng hơn.

Hoạt động của ngành NH trên địa bàn TPHCM những tháng đầu năm gặp không ít khó khăn. Tuy nhiên, những thống kê về nợ xấu được công khai rõ ràng, cụ thể hơn nên việc xử lý nợ xấu trên địa bàn có nhiều triển vọng hơn.

Nợ xấu tăng nhanh

Báo cáo tại kỳ họp HĐND TPHCM tuần qua, ông Nguyễn Hoàng Minh, Phó Giám đốc NHNN chi nhánh TPHCM, cho biết tính đến cuối tháng 10-2014, nợ xấu trên địa bàn chiếm tỷ lệ 6,57% tổng dư nợ, tăng 2,1% so với đầu năm. Vào giữa tháng 10, NHNN chi nhánh TPHCM cũng đã đưa ra thống kê cụ thể hơn về nợ xấu kèm theo nhận định nợ xấu đang có xu hướng tăng nhanh.

Cụ thể, đầu năm 2014 là 44.700 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 4,69% tổng dư nợ, đến cuối tháng 8-2014, nợ xấu tăng lên 60.900 tỷ đồng, chiếm tỷ lệ 6,1%. Trong 8 tháng, nợ xấu đã tăng 16.200 tỷ đồng, tỷ lệ tăng 1,4%. Tính theo cơ cấu các TCTD, công ty tài chính và cho thuê tài chính có nợ xấu cao 21-37%, nợ xấu các NHTM dao động 2-8%. Nếu cơ cấu theo lĩnh vực cho vay, nợ xấu trong sản xuất kinh doanh chiếm 74,25%, phi sản xuất chiếm 25,75%.

Để xử lý tận gốc vấn đề nợ xấu trong hệ thống các TCTD, khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, điều cần nhất phải minh bạch hóa thông tin nợ xấu của các TCTD. Như vậy, TCTD mới tích cực đánh giá lại, phân loại đúng chất lượng và khả năng thu hồi của các khoản nợ; tiếp tục cơ cấu lại nợ; hỗ trợ vốn để khách hàng khắc phục khó khăn và phục hồi sản xuất kinh doanh.

PGS.TS Ngô Trí Long,
Chuyên gia kinh tế

Trong tổng nợ xấu 60.900 tỷ đồng, DNNVV chiếm 39,3%. Theo ông Minh, nợ xấu của các NHTM bắt đầu tăng mạnh từ tháng 6, khi Thông tư 09 sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư 02/2013/TT-NHNN của Thống đốc NHNN quy định về phân loại tài sản có, mức trích, phương pháp trích lập dự phòng rủi ro và việc sử dụng dự phòng để xử lý rủi ro trong hoạt động của TCTD, chi nhánh NH nước ngoài có hiệu lực.

Theo quy định mới, một DN vay ở nhiều NH nhưng chỉ cần có nợ quá hạn ở 1 NH, tất cả khoản nợ của DN đều được đưa vào diện nợ xấu. Cách tính mới đã đẩy tỷ lệ nợ xấu trong tháng 6 tăng đến 13.800 tỷ đồng.

Để xử lý nợ xấu, NHNN đã đưa ra 5 nhóm giải pháp: (1) Giải pháp đối với các TCTD, như ban hành quy trình, quy chế, xử lý tài sản thế chấp, trích lập dự phòng rủi ro. (2) Giải pháp đối với khách hàng của TCTD, như xếp hạng tín dụng, thẩm định chất lượng, cơ cấu nợ... (3) Giải pháp về cơ chế chính sách, như cơ cấu nợ, kết nối NH-DN. (4) Giải pháp đối với NHNN như thanh tra giám sát, phối hợp với các sở, ngành giải quyết các vấn đề liên quan. (5) Giải pháp bán nợ xấu cho VAMC.

NHNN chi nhánh TPHCM cũng cho biết thực hiện các giải pháp trên, các NHTM trên địa bàn đã tiến hành cơ cấu lại nợ các DN gặp khó khăn về tài chính để giảm chi phí cho DN, góp phần giảm nợ xấu NH, tích cực thu hồi nợ, xử lý tài sản đảm bảo, bán nợ cho VAMC, trích lập và xử lý dự phòng rủi ro. Đến cuối tháng 8, các NH trên địa bàn đã xử lý được 15.584 tỷ đồng nợ xấu.

Dự kiến từ nay đến hết năm, các NH trên địa bàn sẽ bán thêm 20.000 tỷ đồng nợ xấu cho VAMC. Đồng thời, Thông tư liên tịch 16 của Bộ Tư pháp, Bộ Tài nguyên - Môi trường và NHNN về việc xử lý tài sản đảm bảo có hiệu lực từ ngày 22-7-2014 chắc chắn sẽ hỗ trợ nhiều hơn việc thu hồi nợ của các NH.

Nỗ lực khơi thông vốn

Tại kỳ họp HĐND TPHCM lần này, ông Minh cũng cho biết dự kiến cả năm mức tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 11% so với mục tiêu đề ra 12,14%. Dù không đạt kế hoạch, song so với năm ngoái tín dụng tại TPHCM đã có khởi sắc hơn con số 9% khi kết thúc năm 2013.

Một chuyên gia tài chính cho rằng theo báo cáo 9 tháng năm 2014, quy mô nguồn vốn và dư nợ cho vay của TPHCM đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng. Tín dụng tập trung vào sản xuất kinh doanh, dư nợ cho 5 nhóm ưu tiên đạt 578.000 tỷ đồng, chiếm 58% tổng dư nợ, tăng 7,9% so với cuối năm 2013. Dư nợ cho vay trung và dài hạn tăng nhanh và chiếm tỷ trọng ngày càng cao trong tổng dư nợ.

Cuối tháng 9, dư nợ cho vay trung và dài hạn chiếm 49% tổng dư nợ. Với quy mô dư nợ đã đạt hơn 1 triệu tỷ đồng nên 1% tăng trưởng cho vay tại TPHCM rất lớn, tương ứng 10.000-12.000 tỷ đồng. Hồi tháng 9, tỷ lệ tăng trưởng tín dụng trên địa bàn chỉ đạt 6,05%. Nếu đạt 11% vào cuối năm nay, có thể thấy chỉ 3 tháng cuối năm với mức tăng trưởng đạt gần 5%, các NH đã bơm ra thị trường nguồn vốn đáng kể. Đáng chú ý, 80% dòng vốn hiện nay đang chảy vào lĩnh vực sản xuất kinh doanh và chỉ 20% được bơm vào lĩnh vực bất động sản, chứng khoán, tiêu dùng.

TPHCM rất nỗ lực kết nối DN-NH để tiếp vốn nhưng vẫn không đạt mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2014. Ảnh: CAO THĂNG

TPHCM rất nỗ lực kết nối DN-NH để tiếp vốn nhưng vẫn không đạt
mục tiêu tăng trưởng tín dụng 2014. Ảnh: CAO THĂNG

Tuy nhiên, đến thời điểm này TPHCM vẫn phải đối mặt với vấn đề chung của hệ thống là nợ xấu đang vây bủa khiến tín dụng tăng trưởng chậm hơn so với mong đợi. Theo các chuyên gia kinh tế, để xử lý tận gốc nợ xấu trong các TCTD, khơi thông tín dụng cho nền kinh tế, hệ thống NHTM cần tăng cường trích lập và sử dụng dự phòng rủi ro để xử lý nợ xấu; tăng cường năng lực quản trị rủi ro, nhằm hạn chế nợ xấu mới phát sinh. Nếu nợ xấu sớm được xử lý, luồng tín dụng đang đóng băng sẽ tan và chảy vào nền kinh tế.

Các tin khác