Phát triển kinh tế tư nhân: Gỡ rào cản thể chế, tư duy

Thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 vừa tổ chức ở Hà Nội. Mặc dù được xác định là khu vực năng động và có đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng trên thực tế đến nay kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản. Cần làm gì để tháo gỡ những rào cản này để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển đất nước?

Thúc đẩy sự phát triển khu vực kinh tế tư nhân là một trong những vấn đề chính được thảo luận tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 vừa tổ chức ở Hà Nội. Mặc dù được xác định là khu vực năng động và có đóng góp lớn cho nền kinh tế, nhưng trên thực tế đến nay kinh tế tư nhân vẫn gặp nhiều rào cản. Cần làm gì để tháo gỡ những rào cản này để kinh tế tư nhân thực sự trở thành động lực phát triển đất nước?

DN tư nhân chưa thể lớn

Tại Việt Nam, khu vực kinh tế tư nhân đã trải qua nhiều biến động trong suốt 2 thập niên qua. Kể từ khi Nhà nước từ bỏ vai trò độc quyền hoạt động kinh tế và công nhận thành phần kinh tế tư nhân, khu vực này đã không ngừng lớn mạnh.

Có thể nói sự phát triển của khu vực kinh tế tư nhân cùng với chính sách mở cửa mậu dịch đã trở thành nhân tố chính dẫn đến sự phát triển nhanh chóng của nền kinh tế Việt Nam. Sự thành công trong phát triển của Việt Nam, trong đó có việc đưa Việt Nam ra khỏi nhóm các nước có thu nhập thấp, có sự đóng góp rất quan trọng của khu vực tư nhân. Nếu như năm 2000, khu vực tư nhân đóng góp 22,9% trong tổng vốn đầu tư, đến năm 2013 đã đóng góp 37,6%, tạo ra 14,5 triệu việc làm và chiếm 76,7% tổng số việc làm phi nông nghiệp hiện nay.

Năm 2014-2015, Chính phủ đặt mục tiêu cổ phần hóa 432 tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Việc cổ phần hóa nhằm mục đích nâng cao năng lực quản trị của DN, đặt DNNN trong điều kiện kinh tế thị trường, bình đẳng với các thành phần kinh tế khác. Cùng với việc cổ phần hóa DNNN, Chính phủ đặt trọng tâm khuyến khích phát triển mạnh DN tư nhân, DNNVV, tạo thuận lợi để DN FDI hoạt động hiệu quả tại Việt Nam.

Thủ tướng NGUYỄN TẤN DŨNG

Tuy nhiên, sự phát triển của khu vực tư nhân nước ta chưa xứng với tiềm năng, so với yêu cầu phát triển vẫn còn nhiều hạn chế, yếu kém. Trình độ phát triển của kinh tế tư nhân còn thấp. Nhìn chung phần lớn doanh nghiệp (DN) tư nhân có quy mô nhỏ, manh mún, mang nặng tính gia đình, tính liên kết lỏng lẻo.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, nhận định đến nay DN tư nhân Việt Nam chưa thể lớn lên được, do có vấn đề về nền tảng. 2 năm qua, kết quả điều tra DNNVV của Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương đều cho thấy, môi trường kinh doanh tác động trực tiếp đến DN tư nhân thật sự ảm đạm. Điều này thể hiện rõ trên các chỉ tiêu: Số DN rút khỏi thị trường với tỷ lệ lớn hơn trước, đặc biệt những DN có đăng ký kinh doanh; quy mô của DN giảm dần; số lao động làm việc trong các DN lớn cũng giảm.

“DN tư nhân của Việt Nam chưa lớn lên được bởi thể chế. Theo đó, nhìn vào môi trường kinh doanh, việc kinh doanh của DN có rủi ro còn lớn, chi phí kinh doanh còn lớn và những xu hướng gần đây về giấy phép, điều kiện gia nhập thị trường cũng cao hơn” - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Có chung nhận định, bà Phạm Thị Thu Hằng, Tổng Thư ký Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), cho biết sự phát triển DN tư nhân trong nước đang có sự lệch lạc, số lượng DN thành lập tăng nhưng lao động lại không tăng và tài sản ngày càng nhỏ đi.

Tại Diễn đàn đối tác phát triển Việt Nam 2014 vừa qua, bà Victoria Kwakwa, Giám đốc quốc gia Ngân hàng Thế giới (WB) tại Việt Nam, dẫn nghiên cứu cho thấy quy mô của DN Việt Nam đã thu hẹp vài năm gần đây. Theo bà, tại Việt Nam khu vực tư nhân tham gia chuỗi giá trị toàn cầu còn manh mún và gặp phải rất nhiều khó khăn.

 Nhiều rào cản

Trong một báo cáo công bố mới đây, VCCI đã thống kê nhiều rào cản khiến khu vực kinh tế tư nhân chưa thể phát triển tương xứng với tiềm năng. Trong đó, có nguyên nhân đã từng được đề cập từ nhiều năm qua nhưng chưa được cải thiện là khu vực tư nhân chưa bình đẳng trong tiếp cận nguồn lực. Trong khi đó, hệ thống pháp luật về hợp đồng, thực thi hợp đồng, giao dịch đảm bảo, cơ chế giải quyết tranh chấp và rút khỏi thị trường chưa rõ ràng và hiệu quả. Các chính sách hỗ trợ DN trong ngành công nghiệp phụ trợ tản mát, chưa mang lại hiệu quả cao.

Không quốc gia nào phát triển được nếu chỉ ỷ lại và dựa hoàn toàn vào khu vực FDI. Vì vậy, cải cách thể chế cần tập trung vào các thách thức mà khu vực kinh tế tư nhân đang phải đối mặt.

Bà Victoria Kwakwa,
Giám đốc quốc gia WB tại Việt Nam

Hệ thống các giải pháp chính sách để nâng cao năng lực cạnh tranh và hỗ trợ phát triển DN, đặc biệt hỗ trợ DNNVV còn tản mát, quy mô chưa đủ lớn, thiếu trọng tâm. Theo VCCI, mục tiêu chính sách chưa nhất quán: các chính sách hiện hành dường như tập trung hỗ trợ việc đăng ký kinh doanh, tạo điều kiện cho khởi nghiệp của DNNVV.

Các chính sách ưu đãi cho DN nhiều nhưng chưa giúp họ vượt qua cản trở do quy mô nhỏ gây ra. Trong một số trường hợp, DNNVV có thể được ưu đãi hơn so với DN lớn nhưng lại thường làm cho khu vực DN này không có động lực trở nên lớn hơn, trừ phi quy mô lớn đến mức mang lại lợi thế hơn hẳn. Trên thực tế, hỗ trợ DN trông đợi nhiều hơn là việc tiếp cận những nguồn lực đầu vào hoặc thị trường đầu ra.

Một vấn đề khác được nhấn mạnh là vai trò của các cụm công nghiệp trong kết nối kinh doanh rất hạn chế. Trên thế giới phần lớn các cụm DN được hình thành từ quan hệ tự nhiên trong chuỗi cung ứng phát và triển thành các cụm công nghiệp. Điều này đã  giúp DN nhỏ mở rộng quy mô, kết nối trực tiếp với thị trường công nghiệp, cơ sở hạ tầng về logistics để xuất khẩu và do vậy chi phí đầu vào được tiết kiệm một cách tối đa.

Các dịch vụ ngân hàng, đào tạo, hỗ trợ kinh doanh cũng thường được sẵn sàng để phục vụ tại các cụm công nghiệp tạo nên một “tổ hợp sản xuất”  khai thác lợi thế cạnh tranh ở địa phương. Thực tế, ở Việt Nam các cụm công nghiệp chỉ là khu công nghiệp với mục tiêu chính là đảm bảo cơ sở hạ tầng cho các DN lớn và DN FDI.

Rất hiếm khu, cụm công nghiệp có sẵn cơ sở hạ tầng có mặt bằng từ 200-300m2, hay những khu nhà xưởng có sẵn dành cho DNNVV thuê. Kết quả, DNNVV phải tốn rất nhiều công sức, chi phí, làm đầy đủ các thủ tục tiếp cận các nguồn lực (vốn, đất đai, nhà xưởng, công nghệ, điện nước…) như DN lớn và đương nhiên sẽ khó có thể tập trung vào phát triển thị trường, nâng cao năng lực cạnh tranh.

Phân tích sâu về hiện trạng của kinh tế tư nhân, nhiều chuyên gia, nhà kinh tế chỉ ra một nghịch lý: đó là Việt Nam đã thành công trong việc phát triển các mối liên kết xuôi trong chuỗi giá trị toàn cầu nhưng mối liên kết lại kém phát triển. Trong khi DN FDI đã lắp ráp và sản xuất những sản phẩm tương đối cao cấp cho thị trường quốc tế, hầu hết DN trong nước vẫn hướng về thị trường nội địa hoặc chỉ xuất khẩu hàng hóa có giá trị gia tăng thấp.

Việt Nam nhập khẩu khoảng 90% giá trị xuất khẩu và phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Thực tế này cho thấy sự thịnh vượng của nền kinh tế Việt Nam trong tương lai sẽ phụ thuộc phần lớn vào khả năng tăng cường hơn nữa mối liên kết vào chuỗi giá trị toàn cầu và tối đa hóa lan tỏa FDI. Vì thế, hỗ trợ DNNVV tham gia chuỗi giá trị toàn cầu là một phần quan trọng trong quá trình này.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Trên thực tế, sự tham gia của DN Việt Nam trong mạng lưới sản xuất chuỗi giá trị toàn cầu thấp so với các nền kinh tế của quy mô tương tự trong khu vực Đông Nam Á. Nghiên cứu của Viện Ngân hàng phát triển châu Á (ADBI) cho thấy chỉ 36% DN Việt Nam tham gia mạng lưới sản xuất (bao gồm cả xuất khẩu trực tiếp và gián tiếp), so với tỷ lệ 60% tại những nền kinh tế phát triển hơn như Malaysia, Thái Lan; 21% DNNVV tham gia chuỗi giá trị toàn cầu so với 30% của Thái Lan, 46% của Malaysia.

Điều này cho thấy chuỗi cung ứng ở các nền kinh tế Thái Lan, Malaysia ít bị phân tán và DNNVV có nhiều khả năng được hưởng lợi từ hiệu ứng lan tỏa của vốn đầu tư nước ngoài, chuyển giao công nghệ, kiến thức và nâng cao năng suất.

DN tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ảnh: LONG THANH

DN tư nhân chưa phát triển tương xứng với tiềm năng. Ảnh: LONG THANH

TS. Nguyễn Đình Cung cũng quan tâm tới việc làm thế nào cải thiện hoạt động của DN để hội nhập nền kinh tế thế giới bằng việc cân đối giữa phát triển, đổi mới và duy trì kinh doanh. Một điểm quan trọng nữa là làm sao thúc đẩy được tinh thần, khơi dậy sự hồ hởi và tạo được sự năng động, sáng tạo trong kinh doanh như những năm 2000 - thời điểm bùng nổ kinh tế tư nhân.

Muốn vậy, đòi hỏi phải thay đổi về mặt thể chế liên quan đến kinh doanh của DN. Nhưng quan trọng hơn, sự thay đổi trong bộ máy nhà nước phục vụ người dân và DN, phải giảm bớt hoặc không dùng những từ "quản", "kiểm", thay vào đó là "thúc đẩy", "hỗ trợ", "khuyến khích". Cần thay đổi tư duy trong quản lý kinh doanh để thúc đẩy làn sóng kinh doanh mới nảy nở.

Hiến pháp năm 2013 đã tạo ra nền tảng, đảm bảo quyền tự do kinh doanh của người dân. Quốc hội đã ban hành một loạt luật theo xu hướng giảm chi phí, giảm rủi ro, tạo thuận lợi cho người dân kinh doanh. Bên cạnh đó, Nghị quyết 19 của Chính phủ cũng đặt ra hàng loạt giải pháp để giảm chi phí, giảm rủi ro cho DN.

“Với cách thức như thế, sự thay đổi từ chính sách kết hợp với sự thay đổi của những cơ quan quản lý nhà nước thừa hành, hy vọng DN tư nhân sẽ phát triển năng động, dấy lên tinh thần khởi nghiệp mạnh mẽ” - TS. Nguyễn Đình Cung nói.

Các tin khác