Vòng xoáy nợ công (K3): Những bài học ứng phó

Khi khủng hoảng nợ công nổ ra, cần phải ứng phó như thế nào? Đó là câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời vì mỗi nền kinh tế có những đặc điểm khác nhau. ĐTTC điểm qua một số biện pháp ứng phó chủ yếu tại một số nước và khu vực.

Khi khủng hoảng nợ công nổ ra, cần phải ứng phó như thế nào? Đó là câu hỏi không dễ tìm ra câu trả lời vì mỗi nền kinh tế có những đặc điểm khác nhau. ĐTTC điểm qua một số biện pháp ứng phó chủ yếu tại một số nước và khu vực.

Vòng xoáy nợ công (K2): Ngăn chặn từ trứng nước

Vòng xoáy nợ công (K1): Giới hạn an toàn

Mỹ Latin bảo thủ

Cuộc khủng hoảng nợ tại khu vực Mỹ Latin có thể chia thành 3 giai đoạn. Giai đoạn đầu tiên từ trước diễn ra khủng hoảng cho đến năm 1985. Trong giai đoạn này, một số quốc gia, chính phủ thể hiện lập trường cứng rắn trong việc đối phó với cuộc khủng hoảng nợ, như Thủ tướng Peru Alan García quyết định giới hạn việc vay nợ của nước này dưới mức 10% doanh thu từ xuất khẩu. Bên cạnh đó là những cố gắng thành lập một liên hiệp giữa những chủ nợ khu vực này.

Ngày 5-12, Đại hội đồng Liên Hiệp quốc đã bỏ phiếu thông qua việc thành lập một cơ quan chống nợ công quốc tế trong vòng 9 tháng tới, thay thế vai trò của IMF hiện nay.

Điển hình là cuộc hội nghị diễn ra tại Cartagena, Chile vào năm 1984. Sau hội nghị này, các khoản nợ của Bolivia và Ecuador đã được hoãn lại, trong khi các con nợ lớn như Mexico, Brazil hay Venezuela vẫn phải tiếp tục thỏa hiệp trực tiếp với các chủ nợ, còn Argentina lại tỏ thái độ cứng rắn và không chịu thỏa hiệp.

Điều này có thể thấy dù đã cố gắng nhưng khu vực này vẫn chưa có được sự đồng thuận nhất định, nhiều quốc gia muốn tự giải quyết các khoản nợ của mình. Chính sự bảo thủ này đã dẫn đến việc trong khi Hoa Kỳ dần phục hồi sau cuộc khủng hoảng ngân hàng, khu vực Mỹ Latin lại càng lún sâu vào khủng hoảng.

Bắt đầu từ tháng 9-1985, cuộc khủng hoảng nợ bước vào giai đoạn 2, với sự khởi xướng của kế hoạch Baker tại Seoul, Hàn Quốc nhằm điều chỉnh việc tạo ra những điều luật cho vay hiệu quả hơn, cùng với một gói tín dụng đi kèm.

Nhưng gói cứu trợ này vẫn chưa đủ để giải quyết hoàn toàn cuộc khủng hoảng, nên 2 năm sau được thay thế bằng kế hoạch Baker lần thứ 2, đổi mới trong việc tạo điều kiện cho các hoạt động mua lại hoặc trao đổi nợ và cho phép phát hành trái phiếu với lãi suất thấp.

Giai đoạn 3 bắt đầu vào tháng 3-1989 với kế hoạch Brady, bao gồm việc giảm bớt cán cân nợ, đi kèm với việc tạo điều kiện cho khu vực Mỹ Latin được vay mượn từ các nguồn tài chính tư nhân quốc tế. Đây là giai đoạn cuối cùng của cuộc khủng hoảng và các quốc gia Mỹ Latin dần đi vào phục hồi nền kinh tế.

Tuy nhiên, 1 thập niên suy thoái vì khủng hoảng đã khiến mức đóng góp của khu vực này vào GDP thế giới giảm 1,5%, GDP đầu người trong khu vực giảm 8% so với các quốc gia công nghiệp và 23% so với mức trung bình toàn thế giới.

Châu Âu khắc khổ

Nhằm đối phó với khủng hoảng, các quốc gia châu Âu đã thực hiện hàng loạt chính sách thắt chặt ngân sách một cách khắc khổ nhằm chứng minh quyết tâm giảm thâm hụt ngân sách xuống còn 3% GDP và nợ công dưới mức 60% GDP, bên cạnh sự hỗ trợ trực tiếp từ EU và IMF.

Ngoài việc hỗ trợ trực tiếp các thành viên nặng nợ thông qua việc thành lập Quỹ Bình ổn tài chính châu Âu (EFSF), EU yêu cầu các quốc gia phải đưa ra những biện pháp nhằm cắt giảm thâm hụt ngân sách.

Hy Lạp đã thực hiện 5 đợt chính sách nhằm tăng nguồn thu cũng như giảm chi tiêu chính phủ. Cụ thể, đợt đầu tiên vào tháng 2-2010, chính phủ quyết định không tăng lương công chức, cắt giảm 10% phụ cấp, cắt lương làm thêm giờ…

Đợt thứ 2, tiền phụ cấp giảm tiếp 12%, 46 loại lương công chức giảm 7%, thuế giá trị gia tăng tăng từ 19% lên 21%, cùng hàng loạt thuế mới được đưa ra. 2 tháng sau, chính phủ giảm cả lương hưu, tăng tuổi về hưu, thuế giá trị gia tăng tiếp lên 23%.

Giữa năm 2011, lương hưu tiếp tục bị cắt giảm, các đối tượng có thu nhập cao bị đánh thuế mạnh hơn, cùng với việc gia tăng thuế bất động sản cùng các tài sản có giá trị khác. Đầu năm 2012, chính phủ tiếp tục cắt giảm tiền lương tối thiểu, sửa đổi luật tạo điều kiện cho doanh nghiệp cạnh tranh nhiều hơn và sa thải được nhiều nhân công hơn, các chi tiêu cơ bản cho y tế và quốc phòng cũng bị cắt giảm. Nhưng bất chấp các nỗ lực, Hy Lạp đến nay vẫn chìm trong suy thoái và khủng hoảng.

Ireland cũng phải thi hành hàng loạt chính sách cắt giảm chi tiêu công và cố gắng gia tăng nguồn thu ngân sách.

Cụ thể, thông qua việc giảm lương tối thiểu, cắt giảm biên chế trong các tổ chức công, tăng thuế giá trị gia tăng, đánh thuế mạnh vào bất động sản và các tài sản có giá trị, đồng thời thiết lập hàng loạt thuế mới. Các quốc gia như Bồ Đào Nha, Italia hay Tây Ban Nha cũng thực hiện những chính sách tương tự. Ngoài ra, Ireland còn phải bắt tay vào tái thiết hệ thống ngân hàng.

Những chính sách và quy định mới nhằm giám sát và quản lý hệ thống tài chính ngân hàng đã được đưa ra. Cho đến nay, duy nhất Ireland được cho là đã thành công trong vượt khủng hoảng. Nhiều nhà kinh tế tin rằng khắc khổ không phải là giải pháp đúng đắn để giải quyết khủng hoảng nợ, thay vào đó, nên tăng tính cạnh tranh và cắt giảm chi tiêu công hợp lý.

Nhật Bản tăng thuế

Với nợ công trên 240% GDP, Nhật Bản đang triển khai nhiều biện pháp giảm nợ. Công cụ chính được coi là hiệu quả để giải quyết nợ công của Nhật Bản là tăng thuế. Nằm trong chính sách “3 mũi tên” nhằm khôi phục kinh tế quốc gia của Thủ tướng Shinzo Abe, biện pháp này khiến 70% dân số Nhật Bản chịu mức thuế cao hơn.

Theo đó, thuế doanh thu Nhật Bản từ 5% tăng lên 10% trong giai đoạn 2012-2016, sau đó tiếp tục tăng thêm 15%. Nhật Bản cần ít nhất 23.000 tỷ yen (288 tỷ USD) để tái thiết đất nước sau khủng hoảng kép động đất và sóng thần.

Theo các nhà kinh tế, cứ tăng 1% thuế tiêu dùng sẽ tăng được 250 tỷ yen tiền thuế thu được. Bên cạnh đó, Nhật Bản cắt giảm thêm 10% chi tiêu chính sách trong tài khóa năm 2012 giúp chính phủ có thêm 1.200 tỷ yen nhằm bảo đảm tài chính cho trang trải các chi phí phúc lợi. Động thái này sẽ tạo ra những điều chỉnh cần thiết để giúp giảm bớt nợ công.

Cuộc chiến chống “quái vật nợ” luôn là một quá trình gian nan. Minh họa: VĂN CƯỜNG

Cuộc chiến chống “quái vật nợ” luôn là một quá trình gian nan. Minh họa: VĂN CƯỜNG

Tuy nhiên, chính sách tăng thuế ngay từ đầu đã bị chỉ trích. Những người phản đối cho rằng tăng thuế có thể ảnh hưởng mạnh tới chi tiêu tiêu dùng và khiến kinh tế Nhật Bản lâm vào suy thoái. Kinh nghiệm thực tế đã chỉ ra rằng, năm 1997 Nhật Bản đã phải lãnh hậu quả sau khi thực hiện chính sách tăng thuế làm cho tiêu dùng sụt giảm mạnh.

Tăng thuế được coi là nguyên nhân đẩy nền kinh tế nước này vào suy thoái và giảm phát sau đó. Tuy nhiên, những người ủng hộ tin việc tăng thuế sẽ không ảnh hưởng đến hồi phục kinh tế và Nhật Bản nên tăng thuế để bù đắp vào khoản thâm hụt ngân sách.

Thực tế đến nay nền kinh tế Nhật Bản đang tăng trưởng thấp hơn kỳ vọng và ngày càng có nhiều phản đối các chính sách kinh tế của Thủ tướng Abe khiến tín nhiệm của ông đang ở mức thấp kỷ lục.

Các tin khác