CPH DNNN: Trông chờ cải cách thực chất

Trong rất nhiều câu chuyện được đề cập tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) cuối kỳ 2014 với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới” ngày 2-12, vấn đề đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục được nhắc đến như là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp, nền kinh tế tận dụng những lợi ích các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Trong rất nhiều câu chuyện được đề cập tại Diễn đàn doanh nghiệp (VBF) cuối kỳ 2014 với chủ đề “Doanh nghiệp hướng tới các hiệp định thương mại mới” ngày 2-12, vấn đề đẩy nhanh tiến độ cổ phần hóa (CPH), cải cách doanh nghiệp nhà nước (DNNN) tiếp tục được nhắc đến như là giải pháp quan trọng để doanh nghiệp, nền kinh tế tận dụng những lợi ích các hiệp định thương mại tự do (FTA) mang lại.

Nhà đầu tư ngoại sốt ruột

10 tháng năm 2014, cả nước đã tiến hành CPH được 100 DNNN (năm 2013 chỉ 74 doanh nghiệp), 153 doanh nghiệp đã có quyết định công bố giá trị. Dự kiến cả năm sẽ CPH khoảng 200 doanh nghiệp, tức gấp 3 lần năm 2013; đã phê duyệt đề án tái cơ cấu của 108/108 tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước (TĐ, TCT). Tốc độ thoái vốn đầu tư ngoài ngành cũng rất ấn tượng, đạt con số 3.500 tỷ đồng qua 9 tháng, gấp 3,6 lần năm 2013.

Trong công cuộc cải cách DNNN, nhiệm vụ then chốt và thử thách nhất là tái cơ cấu DNNN - khu vực đang tạo gánh nặng cho hệ thống tài chính, phúc lợi xã hội. Do vậy, đối với DNNN không còn hoạt động hiệu quả và tạo lợi nhuận cần tiến hành mạnh mẽ CPH, chuyển giao quản lý sang chủ thể khác. Đối với doanh nghiệp không còn cải tổ được thì đóng cửa hoặc khuyến khích sự tham gia, hợp tác giữa doanh nghiệp tư nhân - Nhà nước để thay thế vai trò, nhiệm vụ của doanh nghiệp đó.

Ông Antony Nezic,
Chủ tịch CanCham

Nhìn vào số liệu này, nhiều người sẽ cho rằng tốc độ CPH đang được triển khai mạnh mẽ, nhưng so với mục tiêu CPH 432 doanh nghiệp trong 2 năm 2014-2015 lại cảm thấy hụt hẫng. Cách đây hơn 2 năm, tại VBF giữa kỳ 2012, Nhóm công tác thị trường vốn đã đề cập đến sự chậm trễ của việc CPH DNNN tại Việt Nam.

Đến nay, tình hình đã có nhiều tiến triển, quyết tâm mạnh mẽ hơn, văn bản pháp lý đã tương đối đầy đủ, nhưng với nhà đầu tư ngoại, chừng đó chưa đủ. Sự sốt ruột của nhà đầu tư nước ngoài càng lớn bởi năm 2015 Việt Nam sẽ mở cửa mạnh mẽ khi đang đàm phán tham gia hàng loạt hiệp định như Hiệp định Đối tác kinh tế chiến lược xuyên Thái Bình Dương (TPP), FTA Việt Nam - EU, Cộng đồng kinh tế ASEAN 2015…

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, quá trình CPH phải được thực hiện quyết liệt và nhanh chóng hơn nữa. Chính phủ nên chào bán ít nhất 30-40% doanh nghiệp sẽ CPH để tăng thanh khoản trên thị trường. Đánh giá quyết tâm của Chính phủ về CPH nhưng nhóm này cho rằng nhà đầu tư trong nước, nước ngoài không thấy được danh mục và thời điểm của các TĐ, TCT Chính phủ dự định CPH. Thay vào đó họ chỉ biết thông tin về thời điểm CPH một doanh nghiệp thông qua báo chí.

Chia sẻ kinh nghiệm tái cấu trúc DNNN của Canada, đại diện Phòng Thương mại Canada tại Việt Nam (CanCham), cho biết Canada đã tái cơ cấu Hãng Hàng không quốc gia, Tập đoàn dầu khí Petro Canada, Công ty Đường sắt quốc gia… Những công ty này hiện được công nhận trên toàn thế giới và giá trị công ty cũng tăng lên gấp bội.

Việc CPH cũng không làm giảm đi những lợi ích của người đang được thụ hưởng. Chẳng hạn, quá trình CPH hệ thống đường sắt quốc gia diễn ra nhưng nông dân và nền nông nghiệp không bị ảnh hưởng khi mất hỗ trợ về đường sắt, ngược lại còn được cải thiện nhiều hơn khi hệ thống đường sắt được đầu tư đầy đủ để phát triển cơ sở hạ tầng và hình thành một mạng lưới đường sắt hữu hiệu nhất ở Bắc Mỹ.

Rào cản mở room

Tại phiên IPO Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) trung tuần tháng 11, Vietnam Airlines đã bán hết hơn 49 triệu cổ phần chào bán (khoảng 3,5% vốn điều lệ), thu về 51,3 triệu USD. Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài chỉ mua hơn 120.000 cổ phần.

Theo đánh giá của hãng tin Bloomberg, đợt IPO của Vietnam Airlines đã không thành công trong việc thu hút nhà đầu tư nước ngoài, cho thấy những thách thức phải đối mặt trong quá trình CPH DNNN của Chính phủ Việt Nam.

Việc bán 3,5% cổ phần Vietnam Airlines khiến ngay cả Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) cũng quan ngại về quá trình thực thi CPH ở Việt Nam. Để quá trình này thành công, 20-30% vốn cổ phần phải được bán ra bên ngoài. Việt Nam có tiềm năng về một thị trường chứng khoán mạnh ở châu Á nhưng điều này phải đi kèm với minh bạch hóa DNNN lớn, chống tham nhũng, loại bỏ lợi ích nhóm… Bên cạnh đó, nếu những tiêu chuẩn quốc tế về CPH DNNN không được áp dụng sẽ khó cho Việt Nam có được một thị trường lành mạnh.

Ông Terry Mahony,
Nhóm công tác thị trường vốn

Dù đã mua ròng hơn 173 triệu USD cổ phiếu của Việt Nam trong năm nay, nhưng những lo ngại về tính thanh khoản của cổ phiếu và tỷ lệ cổ phần chào bán ra bên ngoài quá nhỏ, được cho là nguyên nhân khiến nhà đầu tư nước ngoài không mấy mặn mà với IPO Vietnam Airlines. Điều này trái ngược với kết quả thành công của IPO Tập đoàn Dệt may Việt Nam (Vinatex) trước đó. Dù chỉ bán được 90% trong số gần 122 triệu cổ phần chào bán nhưng với cơ cấu vốn nhà nước sau IPO chỉ còn 51%, Vinatex đã thu hút sự quan tâm của nhà đầu tư trong và ngoài nước.

Đặc biệt, nhà đầu tư ngoại đã mua 55 triệu cổ phiếu Vinatex, ứng với 50% cổ phần được chào bán. Thành công trong thu hút vốn ngoại của Vinatex đến từ việc định hướng phát triển thời gian tới rõ ràng cùng lộ trình niêm yết trên các sàn giao dịch có tổ chức sau 3 năm.

Theo Nhóm công tác thị trường vốn, để hấp thụ được nguồn cung doanh nghiệp CPH giai đoạn tới, thị trường cần khoảng 5-10 tỷ USD. Do vậy, Chính phủ cần có những giải pháp kỹ thuật để hút nguồn vốn, như đẩy nhanh thành lập quỹ hữu trí bổ sung, mời một số tổ chức quốc tế uy tín thực hiện những chương trình quảng bá quốc tế cho công ty lớn sẽ CPH; cân nhắc mời một số nhà đầu tư chiến lược tham gia CPH; tăng sở hữu nước ngoài.

Trong đó, việc tăng sở hữu cho khối ngoại đóng vai trò quan trọng bởi nếu vẫn hạn chế sở hữu 49%, tổng giá trị cổ phần (bất kể tốt, xấu) nhà đầu tư nước ngoài sẽ chỉ mua được gần 6 tỷ USD. Còn nếu xét các công ty thỏa mãn điều kiện về vốn hóa, thanh khoản (bất kể tốt, xấu) để được vào rổ VN30, khối ngoại chỉ mua tối đa 3,1 tỷ USD, tương đương 5% vốn hóa thị trường.

Để tăng sở hữu nước ngoài, Nhóm công tác thị trường vốn kiến nghị đối với các ngành nghề, lĩnh vực Việt Nam đã cam kết mở cửa thị trường theo lộ trình WTO, cho sở hữu nước ngoài lên đến 100%; chỉ hạn chế sở hữu nước ngoài đối với những ngành nghề, lĩnh vực cần hạn chế đầu tư hoặc những ngành nghề đầu tư có điều kiện và không quy định về hạn chế sở hữu nước ngoài đối với các ngành nghề/lĩnh vực còn lại.

Nội dung này được nhóm xác định điểm ưu tiên 10 nhưng số điểm được chấm là 0. Các nội dung khác như cho phép sở hữu nước ngoài từ 49% đến dưới 100% tại các tổ chức kinh doanh chứng khoán; cho phép phát hành chứng nhận không hưởng quyền biểu quyết cũng không có nhiều tiến triển, tức 0 điểm.

Theo ông Dominic Scriven, Tổng giám đốc Dragon Capital, Trưởng nhóm Công tác thị trường vốn, 2 yếu tố là cải cách DNNN và nguồn vốn trong - ngoài nước có thể tăng quy mô thị trường vốn lên gấp 2 lần trong 3 năm tới. Tuy nhiên, từ đầu năm đến nay, thị trường chứng khoán Việt Nam chỉ thu hút được khoảng 150 triệu USD - một con số quá nhỏ khi so với vốn FDI khoảng 10 tỷ USD.

Nguyên nhân chính do quy định về sở hữu với nhà đầu tư nước ngoài. Điển hình, mới đây UBCKNN thông báo đến quý IV-2015 mới xem xét lại quy định này (nới room). Như vậy, hoạt động của nhà đầu tư nước ngoài trong năm tới là đóng băng hoặc không có gì.

Tháo gỡ vướng mắc?

Theo ông Vũ Bằng, Chủ tịch UBCKNN, việc nới sở hữu của các nhà đầu tư nước ngoài cần thiết phải đợi thêm một thời gian. Tinh thần chung sẽ nới room đối với doanh nghiệp trong lĩnh vực không cần hạn chế, bước đầu có thể nâng lên 60% đối với một số lĩnh vực. Bộ Tài chính đã dự thảo một quyết định của Thủ tướng để hiện thực hóa việc nới room ở một số lĩnh vực.

Hiện có 2 cách tiếp cận đối với việc này. Theo đó, nếu việc nới room được tiến hành thông qua ban hành nghị định của Chính phủ sẽ mất nhiều thời gian, nhanh nhất cũng phải đến tháng 6-2015 mới ban hành được. Trong khi nếu ban hành một quyết định của Thủ tướng, quy trình sẽ nhanh hơn.

Trong cải cách DNNN khuyến khích sự hợp tác giữa DN tư nhân - nhà nước. (Trong ảnh: sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Lập Phúc). Ảnh: CAO THĂNG

Trong cải cách DNNN khuyến khích sự hợp tác giữa DN tư nhân - nhà nước.
(Trong ảnh: sản xuất cơ khí tại Công ty TNHH Lập Phúc).  Ảnh: CAO THĂNG

Tại phiên họp Chính phủ thường kỳ tháng 11, Thủ tướng Chính phủ cũng đặt câu hỏi về kế hoạch CPH DNNN có đạt được? Thủ tướng cũng yêu cầu các vướng mắc, khó khăn cụ thể ở đâu, các bộ, ngành phải làm rõ không nêu chung chung. Cái nào thuộc thẩm quyền của bộ, phối hợp giải quyết ngay, thuộc thẩm quyền của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ khẩn trương báo cáo để xem xét, xử lý.

Còn tại VBF, trước đại diện cộng đồng doanh nghiệp nước ngoài, Thủ tướng cho biết quá trình CPH DNNN sẽ đạt số lượng đề ra và kèm theo là giảm mạnh tỷ lệ vốn nhà nước nắm giữ ở doanh nghiệp CPH. Mục đích là nâng cao năng lực, hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp, đặt DNNN bình đẳng với các doanh nghiệp khác trong cơ chế thị trường.

Theo bà Virginia Foote, đồng Chủ tịch VBF, VBF đặc biệt hy vọng được hợp tác những vấn đề Chính phủ và cộng đồng doanh nghiệp trong và ngoài nước quan tâm. Trong đó có cải cách DNNN thông qua đẩy nhanh tiến độ CPH và thực hiện Quyết định 51, tăng cường chất lượng quản trị công ty, áp dụng các thông lệ tối ưu quốc tế. Bởi điều này sẽ đảm bảo cho Việt Nam có sự chuẩn bị tốt và tận dụng lợi ích của một số FTA đang được đàm phán ký kết.

Các tin khác