QUỐC HỘI THÔNG QUA 5 LUẬT

Thu hút kinh doanh, nâng cạnh tranh

Hôm qua 26-11, Quốc hội đã thông qua một loạt dự án luật quan trọng liên quan đến hoạt động doanh nghiệp (DN). Đó là Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật DN(sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Hôm qua 26-11, Quốc hội đã thông qua một loạt dự án luật quan trọng liên quan đến hoạt động doanh nghiệp (DN). Đó là Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật DN(sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành

 

Trong bản giải trình trước khi thông qua các ý kiến đề nghị ưu tiên áp dụng Luật DN so với luật chuyên ngành (trừ những trường hợp ngoại lệ và chỉ đối với Luật Chứng khoán, Luật Tổ chức tín dụng, Luật Kinh doanh bảo hiểm và Luật Dầu khí), Ủy ban Thường vụ Quốc hội (UBTVQH) có quan điểm ngược lại. Theo đó, ngoài các luật chuyên ngành kể trên, một số DN trong các lĩnh vực khác cũng có đặc thù về thành lập, tổ chức quản lý, tổ chức lại, giải thể và các hoạt động khác có liên quan, như hàng không dân dụng, xuất bản, báo chí, giáo dục, luật sư, công chứng…

Chưa kể, các luật cũng đang trong quá trình sửa đổi, bổ sung, ban hành mới. Việc liệt kê hết các luật chuyên ngành được áp dụng quy định đặc thù sẽ không đầy đủ. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Quốc hội cho giữ như quy định của dự án luật đã trình, đó là vẫn ưu tiên áp dụng luật chuyên ngành thay vì Luật DN.

Về ý kiến đề nghị bổ sung phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký DN, UBTVQH cho rằng yêu cầu này sẽ làm tăng thêm thời gian thành lập DN, tạo gánh nặng chi phí tuân thủ lớn cho cả cơ quan nhà nước và DN, tác động không thuận lợi cho môi trường đầu tư, kinh doanh.

Do vậy, phiếu lý lịch tư pháp không phải là tài liệu bắt buộc trong hồ sơ đăng ký thành lập DN. Tuy nhiên, để có căn cứ kiểm soát một số trường hợp không có quyền thành lập và quản lý DN, bổ sung quy định, trường hợp cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập DN phải nộp phiếu lý lịch tư pháp.

Công khai, minh bạch lĩnh vực cấm đầu tư

Điểm đáng chú ý trong Luật Đầu tư (sửa đổi) là về ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh. Đó là thu hẹp từ 51 lĩnh vực, ngành, nghề, hàng hóa, dịch vụ xuống còn 6 và có danh mục kèm theo. Đó là kinh doanh các chất ma túy theo quy định; các loại hóa chất, khoáng vật; mẫu vật các loại thực vật, động vật hoang dã; mại dâm; mua, bán người, mô, bộ phận cơ thể người; hoạt động kinh doanh liên quan đến sinh sản vô tính trên người.

Về ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Theo quan điểm của UBTVQH, điều kiện kinh doanh là các yêu cầu cần thiết để bảo đảm cho hoạt động bình thường không bị pháp luật cấm. Các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện được hiểu là hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh, do đó cần quy định trong luật nhằm bảo vệ quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn và đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng.

Để tăng cường tính công khai minh bạch của các chính sách pháp luật tạo điều kiện cho nhà đầu tư tự quyết định hoạt động, dự thảo luật quy định rõ các ngành, nghề kinh doanh có điều kiện tại phụ lục kèm theo. Ngoài ra, luật cũng quy định nguyên tắc về điều kiện đầu tư kinh doanh của ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện phải bảo đảm tính minh bạch, khách quan, tiết kiệm thời gian và chi phí tuân thủ của nhà đầu tư.

Cơ quan quản lý vốn nhà nước: Vẫn phải chờ

Một trong những điểm đáng chú ý trong luật này là về mô hình đại diện chủ sở hữu nhà nước. Trước đó, có ý kiến đồng tình với UBTVQH về việc luật không quy định về việc phải thành lập một cơ quan đại diện chủ sở hữu nhà nước, bởi đây là vấn đề quan trọng cần có sự chuẩn bị chu đáo. Ý kiến khác đề nghị quy định ngay trong luật việc thành lập một cơ quan chuyên trách tương đương cơ quan ngang bộ làm đại diện chủ sở hữu đối với phần vốn nhà nước đầu tư tại DN.

Theo UBTVQH, việc thành lập một cơ quan chuyên trách về quản lý và giám sát toàn bộ vốn nhà nước đầu tư tại DN sẽ tạo được đột phá, bảo đảm công khai, minh bạch trong đánh giá hiệu quả sử dụng vốn nhà nước, tăng cường trách nhiệm cá nhân, tổ chức đối với việc đầu tư, quản lý, sử dụng vốn nhà nước tại DN.

Tuy nhiên, việc thay đổi mô hình đại diện chủ sở hữu theo hướng thành lập một cơ quan ngang bộ thuộc Chính phủ sẽ tác động đến mô hình, cơ cấu tổ chức và hoạt động của Chính phủ cũng như thực tiễn hoạt động của DN có vốn đầu tư nhà nước. Vì vậy, UBTVQH đề nghị Chính phủ tiếp tục nghiên cứu, đề xuất mô hình phù hợp, khả thi trong thời gian tới. 

Tăng thuế thuốc lá, bỏ khống chế trần quảng cáo

Điểm đáng chú ý với Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt đối với bia từ ngày 1-1-2016 tăng từ 50% lên 55%; từ ngày 1-1-2017 tăng lên 60%; từ ngày 1-1-2018 tăng lên 65%. Đối với rượu trên 20 độ, áp dụng thuế suất 55% từ ngày 1-1-2016, thuế suất 60% từ ngày 1-1-2017 và 65% từ ngày 1-1-2018. Đối với rượu dưới 20 độ, áp dụng thuế suất 30% từ ngày 1-1-2016 và 35% từ ngày 1-1-2018.

Một trong những điểm đáng chú ý trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật về thuế là nội dung liên quan đến quy định đối với thuế thu nhập DN từ chi quảng cáo, khuyến mại. Theo đó, chi phí quảng cáo sẽ không còn bị khống chế.

Trước đó, giải trình về việc bỏ trần này, UBTVQH cho rằng việc quy định khống chế chi quảng cáo được thực hiện từ năm 1999 đến nay không còn phù hợp. Lý do, DN cần tăng cường quảng bá, giới thiệu sản phẩm để đẩy mạnh tiêu thụ sản phẩm, chiếm lĩnh thị trường nên việc giới hạn chi phí quảng cáo đã hạn chế DN. Do vậy, UBTVQH xin được giữ như dự thảo luật là không khống chế.

Các tin khác