Hồi sinh kinh tế châu Âu?

Hôm qua 26-11, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã trình bày trước Nghị viện châu Âu (EP) về một kế hoạch trị giá 315 tỷ EUR, kỳ vọng là một trong những liều thuốc mới hồi sinh nền kinh tế lục địa già.

Hôm qua 26-11, tân Chủ tịch Ủy ban châu Âu (EC) Jean-Claude Juncker đã trình bày trước Nghị viện châu Âu (EP) về một kế hoạch trị giá 315 tỷ EUR, kỳ vọng là một trong những liều thuốc mới hồi sinh nền kinh tế lục địa già.

Kế hoạch có tên Quỹ đầu tư chiến lược châu Âu (EFSI) là sáng kiến lớn đầu tiên kể từ khi ông Juncker nhậm chức Chủ tịch EC vào đầu tháng này. Dự án này được EC đánh giá cao trong bối cảnh tăng trưởng các nước Liên minh châu Âu (EU) tiếp tục có những dấu hiệu giảm sút những tuần gần đây làm dấy lên quan ngại nền kinh tế của khối rơi vào tình trạng trì trệ. Với quỹ đầu tư mới này, theo ước tính của EC, GDP kinh tế khu vực eurozone có thể sẽ tăng trưởng thêm 1%/năm trong 3 năm tới.

Theo ông Juncker, EFSI không chỉ là chương trình đầu tư công truyền thống thường được biết đến với việc chính phủ đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng để thúc đẩy tăng trường kinh tế. EFSI sẽ chỉ huy động một lượng vốn nhỏ từ nguồn ngân sách của EU.

Vốn đầu tư chủ yếu đến từ các nhà đầu tư tư nhân. Cụ thể, EU sẽ chỉ góp 21 tỷ EUR, trong đó 16 tỷ EUR từ ngân sách của khối và 5 tỷ EUR từ Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB). Việc góp vốn của EU sẽ như một hình thức bảo lãnh và qua đó, các nhà đầu tư tư nhân sẽ yên tâm góp vốn. Nguồn vốn cho EFSI còn có thể đến từ một nguồn khác, bao gồm cả quỹ kết nối hạ tầng châu Âu với nguồn vốn khoảng 30 tỷ EUR đang được sử dụng để xây dựng cơ sở hạ tầng xuyên quốc gia và Horizon 2020, chương trình nghiên cứu và phát triển của EU trị giá 80 tỷ EUR.

Các chính phủ EU cũng có thể đầu tư vào quỹ và như vậy số tiền huy động cho EFSI có thể sẽ không dừng lại ở con số 315 tỷ EUR. Các thị trường tài chính trong khu vực rất hoan nghênh động thái này của EC và tin tưởng kế hoạch này sẽ giúp eurozone thoát khỏi tình trạng tăng trưởng trì trệ hiện nay. Trước khi EFSI được EC công bố, Tổ chức hợp tác và phát triển kinh tế (OECD) đã cảnh báo nền kinh tế yếu kém của eurozone đang đe dọa tăng trưởng toàn cầu.

Kế hoạch 315 tỷ EUR có giúp châu Âu vượt khó?

Kế hoạch 315 tỷ EUR có giúp châu Âu vượt khó?

Tuy nhiên, ý tưởng của tân Chủ tịch có trở thành hiện thực hay không còn phụ thuộc nhiều vào sự đồng thuận của EP và đặc biệt từ 28 quốc gia thành viên của EU. Trong khi các nước đang đối mặt với nhiều khó khăn thời kỳ hậu suy thoái kinh tế mong chờ chương trình đầy tham vọng của EC, còn các nước có nền kinh tế khỏe mạnh như Anh lại không ủng hộ khi cho rằng EFSI không làm tăng ngân sách EU.

Còn với Đức, EFSI lập ra chỉ để giúp EIB tránh rủi ro khi xếp hạng tín dụng đối với ngân hàng này. Ngoài ra, còn một thực tế cũng góp phần làm khó cho EFSI đó là chương trình có cấu trúc tương tự EFSI được lập ra trước đó với mục tiêu huy động 120 tỷ EUR đã không thành công. Theo cách ví von của các chuyên gia kinh tế, EC xây dựng EFSI trên mảnh đất xung quanh là một bãi mìn chính trị.

Nhận định này làm nhiều người liên tưởng đến việc Anh từng phản đối mạnh mẽ khi EU đề cử ông Juncker vào chức Chủ tịch EC hồi tháng 6 năm nay. Anh phản đối ông Juncker vì quan điểm mở rộng quyền lực của EU. Khi đó, nhiều chính khách Anh gây sức ép, kêu gọi nước này rời bỏ EU nếu ông Juncker tiếp nhận chiếc ghế Chủ tịch EC bởi ông này sẽ giúp EU tập trung nhiều quyền lực hơn nữa. Vì vậy, nhiều người sẽ không bất ngờ khi Anh phản đối EFSI, đứa con tinh thần của ông Juncker.

Đối mặt với khó khăn, thách thức nhưng EC vẫn thể hiện quyết tâm triển khai EFSI. Kế hoạch này sẽ được trình lên các nhà lãnh đạo EU tại hội nghị thượng đỉnh của khối vào tháng tới và EC hy vọng EFSI sẽ được thông qua và bắt đầu hoạt động vào giữa năm tới.

Các tin khác