CLB xuất khẩu tỷ đô (B3): Đồ gỗ dư địa thị trường còn lớn

Theo nhiều dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam năm 2014 sẽ cán mốc 6,5 tỷ USD. Và trong vài năm tới kim ngạch xuất khẩu ngành này sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng bởi thị phần xuất khẩu gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,5% thị phần tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới.

Theo nhiều dự báo, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam năm 2014 sẽ cán mốc 6,5 tỷ USD. Và trong vài năm tới kim ngạch xuất khẩu ngành này sẽ có những bước tăng trưởng ấn tượng bởi thị phần xuất khẩu gỗ Việt Nam mới chỉ chiếm 1,5% thị phần tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới.

Số một trong khu vực

Hiện ngành đồ gỗ trong nước đang phải nhập khẩu tới 4 triệu m³ gỗ/năm, chiếm đến 80% tổng nguyên liệu sử dụng của toàn ngành cho xuất khẩu. Nhập khẩu nhiều không chỉ khiến lợi nhuận các DN được hưởng ít đi mà còn khiến các DN bị động, dễ gặp rủi ro trong sản xuất kinh doanh.

Ông Nguyễn Tôn Quyền,
Tổng thư ký Viforest

Nhìn lại năm 2013, kim ngạch xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ của Việt Nam đạt 5,7 tỷ USD tăng 19,2% so với năm 2012. Kết quả này đưa Việt Nam trở thành nước xuất khẩu đồ gỗ lớn nhất ASEAN, đứng thứ hai tại châu Á và thứ 6 trên thế giới. Hiện nay sản phẩm đồ gỗ của Việt Nam đã có mặt trên 100 thị trường nước ngoài. Những thị trường xuất khẩu lớn của Việt Nam (chiếm trên 70% tổng kim ngạch xuất khẩu đồ gỗ) cũng là thị trường có mức tiêu dùng lớn nhất thế giới như Hoa Kỳ, EU, Trung Quốc và Nhật Bản.

Tiếp đà tăng trưởng năm 2013, trong tháng 10 và 10 tháng năm 2014 xuất khẩu gỗ đạt những kết quả khả quan. Theo đó, trong tháng 10, xuất khẩu gỗ và sản phẩm gỗ ước đạt 528 triệu USD, nâng giá trị xuất khẩu 10 tháng đạt 4,98 tỷ USD, tăng 12,8% so với cùng kỳ năm 2013.

Hầu hết các thị trường xuất khẩu lớn đều tăng, ngoại trừ Trung Quốc giảm 10,19%, còn các thị trường Hoa Kỳ và Nhật Bản có mức tăng trưởng lần lượt 14,35% và 22,03%. Dự báo cả năm 2014, xuất khẩu gỗ và các sản phẩm từ gỗ sẽ cán đích kim ngạch 6,5 tỷ USD.

Theo Hiệp hội Mỹ nghệ và chế biến gỗ TPHCM (Hawa), dư địa xuất khẩu cho ngành gỗ vẫn còn rất lớn vì dù đã có mặt ở hơn 100 quốc gia và vùng lãnh thổ, song thị phần xuất khẩu của Việt Nam mới chỉ chiếm khoảng 1,5% thị phần tiêu thụ đồ gỗ trên thế giới.

Nói về lý do ngành gỗ có những bước phát triển nhanh như vài năm trở lại đây, ông Đặng Quốc Hùng, Phó Chủ tịch Hawa, chia sẻ với ĐTTC các đơn hàng từ Trung Quốc đang dịch chuyển sang Việt Nam do giá nhân công của Trung Quốc đang tăng cao.

Ngoài ra, do ảnh hưởng suy thoái kinh tế tại thị trường châu Âu, nhiều nhà máy của các quốc gia sản xuất đồ gỗ lớn như Italia, Đức, Hoa Kỳ đã thu hẹp sản xuất hoặc đóng cửa. Bên cạnh đó, đồ gỗ xuất khẩu một số nước vào Hoa Kỳ bị áp thuế chống bán phá giá cao làm mất lợi thế cạnh tranh… cũng là những nguyên nhân giúp ngành gỗ Việt Nam có cơ hội tăng trưởng nhanh.

Kim ngạch xuất khẩu liên tục tăng và được dự báo sẽ còn tăng ấn tượng hơn, nhưng ngành gỗ và nhiều ngành xuất khẩu chủ lực khác của Việt Nam vẫn còn những hạn chế như giá trị gia tăng thấp do xuất nhiều nhưng nhập cũng nhiều, các DN FDI hiện đang chiếm thị phần xuất khẩu lớn…

Trăn trở nguyên liệu và công nghệ

Câu chuyện nhập khẩu trong ngành gỗ cũng rất đáng quan tâm. Và một trong những khuyến nghị được các cơ quan chức năng, hiệp hội đưa ra là các DN cần tăng cường trồng rừng để đáp ứng nhu cầu nguyên liệu chế biến, nâng cao giá trị gia tăng trong từng sản phẩm. Để làm được việc này không thể thiếu sự chung tay của các cơ quan chức năng trong việc quy hoạch và hỗ trợ DN.

Câu chuyện của Gỗ Trường Thành (TTF) là một thí dụ, trước đây công ty nhập khẩu đến 80% nguyên liệu phục vụ sản xuất hàng xuất khẩu. Nhưng theo chia sẻ của ông Võ Trường Thành, Tổng giám đốc công ty, từ tháng 3 năm nay, hơn 11.000ha rừng trồng từ 10 tuổi trở lên của TTF đã được đưa vào kế hoạch khai thác luân kỳ. Dự kiến đến cuối năm sẽ khai thác khoảng 500ha, thu về 30-40 tỷ đồng.

Từ năm 2015, mỗi năm sẽ khai thác 1.000ha, lợi nhuận mang về khoảng 80 tỷ đồng. Với diện tích rừng vào độ tuổi khai thác như trên, TTF có thể chủ động được 90% nguyên liệu sản xuất và cung cấp cho các xưởng sản xuất gỗ veneer trong nước hoặc xuất khẩu vào Hoa Kỳ và Nhật Bản do chất lượng gỗ tốt khi TTF chỉ ưu tiên khai thác rừng ở năm thứ 10 trở lên.

Ngành đồ gỗ hiện vẫn phụ thuộc nặng vào nguyên liệu nước ngoài.

Ngành đồ gỗ hiện vẫn phụ thuộc  nặng vào nguyên liệu nước ngoài.

Việc chủ động nguyên liệu còn giúp các DN có thể hưởng lợi từ các hiệp định song phương và đa phương Việt Nam đang đàm phán như TPP. Theo quy định của TPP về thành phần giá trị khu vực, một sản phẩm cần có tỷ lệ nội địa hóa tối thiểu 55% tổng giá trị.

Điều này đồng nghĩa với việc nhà sản xuất không được nhập khẩu nhiều hơn 45% nguyên vật liệu từ các quốc gia không phải là thành viên TPP để chế tạo, sản xuất, bao gồm cả chi phí chế biến… Và một vấn đề cũng hết sức quan trọng khác là các DN nội phải chủ động thiết kế sản phẩm. Hiện còn rất nhiều DN đang dừng lại ở gia công theo đơn đặt hàng. Rồi DN cũng phải mở rộng quy mô sản xuất, đầu tư công nghệ hiện đại, nâng cao năng suất lao động…

Theo chia sẻ của phía Hawa, thời gian qua nhiều nhà máy sản xuất, chế biến gỗ trên thế giới phải tạm ngừng, hoặc đóng cửa, trong đó có những nhà máy có công nghệ cao tại Italia. Công nghệ này còn khá mới, giá bán chỉ còn 1/10-1/15 so với giá gốc. Nếu DN trong nước tận dụng được cơ hội này đầu tư thay thế công nghệ cũ sẽ rất có lợi, tạo được lợi thế cạnh tranh khi xuất khẩu.

Có thể thấy, để đạt được kim ngạch từ 15-20 tỷ USD trong 7-10 năm tới, ngành gỗ nói chung và các DN nói riêng phải nỗ lực rất lớn nhằm giành lấy miếng bánh ngon về cho mình. 

Các tin khác