Samsung muốn thay lãnh đạo cứu lợi nhuận

Samsung Electronics đang cân nhắc thay đổi một số vị trí lãnh đạo, nhằm đảo ngược tình thế khó khăn hiện tại khi cả lợi nhuận, thị phần và giá cổ phiếu đều giảm sút.

Samsung Electronics đang cân nhắc thay đổi một số vị trí lãnh đạo, nhằm đảo ngược tình thế khó khăn hiện tại khi cả lợi nhuận, thị phần và giá cổ phiếu đều giảm sút.

 

Wall Street Journal trích lời một nguồn tin thân cận cho biết một trong các phương án được bàn tới là đồng CEO kiêm người đứng đầu bộ phận điện thoại - J.K.Shin có thể sẽ rời vị trí. Điều này cũng có nghĩa ông Shin sẽ mất luôn chức đồng CEO.

Một đồng CEO khác - B.K.Yoon  - người đang phụ trách mảng điện tử gia dụng và TV có thể kiêm luôn mảng điện thoại. Mở rộng quyền hạn của ông Yoon có thể giúp hãng giảm quy trình quản lý và phản ứng linh hoạt hơn trong bối cảnh cạnh tranh tăng cao, đặc biệt từ Trung Quốc.

Nếu chấp nhận phương án này, ông Yoon sẽ có thêm quyền lực giúp Samsung cạnh tranh trong mảng "căn nhà kết nối". Đây là lĩnh vực đang lên trong mảng công nghệ, kết nối tất cả đồ gia dụng trong nhà qua mạng Internet. Ông Yoon là người ủng hộ mạnh mẽ nhất kế hoạch thúc đẩy hướng kinh doanh này của Samsung.

CEO thứ 3 của Samsung Electronics - Kwon Oh-hyun - phụ trách các thiết bị bán dẫn và màn hình sẽ vẫn tại vị. Tuy nhiên, phương án thay lãnh đạo vẫn chưa chốt và còn đang được bàn thảo.

Trước đây, Samsung từng khẳng định cấu trúc lãnh đạo này cho phép hãng quản lý độc lập các mảng kinh doanh, gồm smartphone, TV và các mặt hàng điện tử tiêu dùng khác, cũng như mảng dịch vụ cho doanh nghiệp. Việc tái cấu trúc cho thấy Samsung đang rất nỗ lực đảo ngược tình hình khi lợi nhuận ròng quý III giảm tới 50% và thị phần đang đi xuống. Cổ phiếu của hãng cũng giảm 11% từ đầu năm. Samsung đang chịu sức ép cạnh tranh từ các nhà sản xuất giá rẻ ở Trung Quốc, Ấn Độ và các nước khác.

Tuần trước, Robert Yi - Giám đốc quan hệ cổ đông tại Samsung Electronics cho biết đại gia smartphone sẽ giảm số lượng điện thoại xuất xưởng từ 25% đến 30%, nhằm tiết kiệm chi phí để ngăn lợi nhuận suy giảm thêm. Tuy nhiên, hãng không tiết lộ chính xác bao nhiêu dòng điện thoại sẽ bị ảnh hưởng.   

Trong quý II, số điện thoại chủ lực - Galaxy S5 của hãng cũng chỉ bán được 12 triệu chiếc, bằng 60% dự kiến. Con số này của Galaxy S4 trước đây là 16 triệu. Nơi duy nhất hãng này bán được nhiều hơn so với S4 là Mỹ - thị trường lớn nhất hiện tại của Samsung.

Tại Mỹ, Samsung cũng đã bắt đầu tái cấu trúc. Gregory Lee - Chủ tịch Samsung Bắc Mỹ đã sáp nhập mảng di động và điện tử tiêu dùng, đồng thời cắt giảm các vị trí trùng lặp. Vị trí giám đốc mảng di động của Samsung tại Anh cũng đang bỏ trống sau khi 2 lãnh đạo liên tiếp từ chức từ đầu năm vì tình hình kinh doanh bết bát.

Các tin khác