Sóng ngầm đầu tư từ Đức

Dù chỉ đứng thứ 22 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng các DN Đức vẫn khẳng định được vị thế của mình tại thị trường tiềm năng này thông qua những chiến lược mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Dù chỉ đứng thứ 22 trong số các quốc gia, vùng lãnh thổ đầu tư vào Việt Nam, nhưng các DN Đức vẫn khẳng định được vị thế của mình tại thị trường tiềm năng này thông qua những chiến lược mở rộng đầu tư, sản xuất, kinh doanh.

Liên tục tăng đầu tư

Theo số liệu thống kê từ Cục Đầu tư nước ngoài (Bộ Kế hoạch - Đầu tư), xu hướng đầu tư của DN Đức tại Việt Nam đã tăng lên rõ rệt kể từ năm 2011. Nếu trong 10 tháng năm 2011, DN Đức chỉ đăng ký đầu tư 7 dự án, với tổng vốn đầu tư 34 triệu USD, con số này đã tăng lần lượt lên 18 dự án và 90 triệu USD trong cùng thời điểm năm 2013. Và 10 tháng năm 2014, các con số tương ứng 21 dự án và 142 triệu USD.

Đến hết tháng 10-2014, Đức có 239 dự án đầu tư tại Việt Nam, với tổng vốn đăng ký 1,33 tỷ USD, đứng thứ 22 trong số các quốc gia và vùng lãnh thổ có đầu tư vào Việt Nam. Những thương hiệu lớn như Siemens, Mercedes-Benz, B.Braun, Bosch… đang ngày càng khẳng định những cam kết đầu tư lâu dài tại Việt Nam thông qua những chiến lược tăng vốn, mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tập đoàn B. Braun đang có kế hoạch đầu tư khoảng 270 triệu USD vào Việt Nam trong vòng 7-9 năm tới. Hiện tập đoàn này đã có một nhà máy chuyên sản xuất các loại dịch truyền; dung dịch lọc thận, lọc máu; các thiết bị y tế bằng nhựa… tại Hà Nội, với tổng vốn ban đầu 46 triệu USD và mới nâng lên hơn 94 triệu USD.

Với Bosch Việt Nam, vào tháng 11-2013, DN này công bố kế hoạch đầu tư thêm 182 triệu EUR để tăng công suất cho nhà máy hiện tại ở Đồng Nai; đồng thời chi 1 triệu USD thực hiện chương trình đào tạo nghề cho học viên. Hay một thương hiệu nữa đến từ Đức cũng rất quen thuộc với Việt Nam là Mercedes-Benz. Vào tháng 3 vừa qua, hãng xe nổi tiếng thế giới này đã công bố khoản đầu tư mới vào Việt Nam với số vốn 10 triệu USD.

Trong đó, 5 triệu USD sẽ được Mercedes-Benz Việt Nam dùng để phát triển dây chuyền sản xuất mới và 5 triệu USD cho hoạt động mở rộng hệ thống đại lý. Trước đó, năm 2013, liên doanh này cũng đã đưa vào hoạt động nhà máy sơn nhúng tĩnh điện và bảo vệ môi trường nhất của Mercedes-Benz trên thế giới, với mức đầu tư 10 triệu USD.

Ông Peter Kompalla, Phó trưởng đại diện Phòng Thương mại - Công nghiệp Đức tại Việt Nam, chia sẻ DN Đức đến Việt Nam đầu tư và kinh doanh không phải do Việt Nam có nguồn nhân công giá rẻ, mà bởi những tầm nhìn rộng khác. Tuy nhiên, để có thể thu hút DN Đức, một vài lưu ý được Phó Thủ tướng, kiêm Bộ trưởng Bộ Kinh tế - Năng lượng Đức Sigmar Gabriel chia sẻ, đó chính là Việt Nam cần nâng cao năng lực cạnh tranh, hoàn thiện các chính sách, cải thiện môi trường đầu tư để hấp dẫn nhà đầu tư Đức vào Việt Nam hơn nữa.

Hỗ trợ đào tạo nguồn nhân lực

DN Đức không chỉ chú trọng tăng đầu tư tại thị trường Việt Nam mà còn rất quan tâm đến việc đào tạo nhân lực. Ông Peter Kompalla dẫn lại kết quả khảo sát do Ngân hàng Thế giới hỗ trợ, cho thấy 60% sinh viên tại Việt Nam sau khi ra trường cần được đào tạo lại để đáp ứng các yêu cầu của DN. Đây chính là lý do để một số DN Đức liên kết với các trường đại học, cao đẳng Việt Nam đào tạo nghề và tuyển dụng lao động.

Tiêu biểu có thể kể đến chương trình của 2 công ty B.Braun và Messer khi ký kết thỏa thuận chung trong lĩnh vực đào tạo nghề với Trường Đại học Sư phạm kỹ thuật Hưng Yên, được Chính phủ Đức hỗ trợ. Theo đó, mô hình đào tạo song hành này thực hiện trong lĩnh vực cơ điện tử, giúp học viên ngay từ năm thứ 2 được làm quen với thực tế.

Một chương trình nữa cũng thu hút sự quan tâm là đào tạo nghề kỹ thuật công nghiệp (TGA) của Bosch Việt Nam. DN này vừa hoàn thành năm đầu tiên chương trình TGA với 46 học viên tham gia. TGA kết hợp giữa đào tạo lý thuyết tại Trường Cao đẳng Công nghệ - Kỹ thuật Lilama2 tại Việt Nam và thực hành tại Bosch. Khi tốt nghiệp, các học viên sẽ được cấp 2 giấy chứng nhận tốt nghiệp từ Phòng Thương mại - Công nghiệp Đức tại Việt Nam và Lilama2.

Ông Võ Quang Huệ, Tổng giám đốc Công ty Bosch tại Việt Nam, cho biết: “Chúng tôi thiết lập chương trình đào tạo kỹ thuật theo các chuẩn mực đào tạo nghề và thế mạnh sản xuất của Đức nhằm trang bị những kiến thức, kỹ năng công nghệ cao cho lực lượng lao động địa phương. Bosch cam kết góp phần tích cực vào việc phát triển hệ thống đào tạo nghề tại Việt Nam”.

Nghiên cứu sản xuất dược phẩm tại nhà máy B. Braun Việt Nam. Ảnh: NGỌC THẮNG

Nghiên cứu sản xuất dược phẩm tại nhà máy B. Braun Việt Nam.  Ảnh: NGỌC THẮNG

Không chỉ hỗ trợ đào tạo nhân lực, DN Đức đang nỗ lực trong việc hỗ trợ DN Việt Nam trong việc hoàn thiện chất lượng sản phẩm để đáp ứng nhu cầu khắt khe của các nước nhập khẩu. Tháng 3 vừa qua, TÜV SÜD, một trong những nhà cung cấp dịch vụ kỹ thuật hàng đầu thế giới về thử nghiệm, kiểm định, đánh giá, chứng nhận và đào tạo, đã ký kết Biên bản ghi nhớ (MOU) với HUBA.

Ký kết MOU đầu tiên này đã giúp TÜV SÜD và HUBA tổ chức các khóa đào tạo và hội thảo về các tiêu chuẩn chất lượng an toàn quốc tế, chứng nhận an toàn sản phẩm và chứng nhận hệ thống quản lý cho các thành viên của HUBA trong ngành dệt may. Và ngày 20-11, 2 bên đã ký kết MOU tiếp theo, mở rộng hỗ trợ đến các DN trong ngành điện tử, thiết bị, y tế, công nghiệp thực phẩm…

Với những cam kết đầu tư lâu dài, Đức kỳ vọng trở thành một trong những quốc gia đầu tư mạnh mẽ tại Việt Nam. 

Các tin khác