Quy định chặt chẽ tự chủ kinh doanh

Ngày 26-11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một loạt dự luật quan trọng liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), như Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật DN (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Ngày 26-11 Quốc hội sẽ biểu quyết thông qua một loạt dự luật quan trọng liên quan đến cộng đồng doanh nghiệp (DN), như Luật Đầu tư (sửa đổi); Luật DN (sửa đổi); Luật Quản lý, sử dụng vốn nhà nước đầu tư vào sản xuất, kinh doanh; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt; Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của các luật thuế.

Đột phá môi trường kinh doanh

 

Việc các luật, đặc biệt Luật Đầu tư, Luật DN được thông qua, môi trường kinh doanh của Việt Nam được kỳ vọng có sự đột phá, cải thiện và nâng cao sức cạnh tranh. Theo ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại - Công nghiệp Việt Nam (VCCI), điểm đột phá lớn nhất trong 2 luật này là đã ghi nhận quyền tự do kinh doanh của người dân, DN trong tất cả lĩnh vực không cấm theo đúng tinh thần của Hiến pháp 2013.

Điều này có ý nghĩa quan trọng trong bối cảnh nền kinh tế nước ta đang rất cần động lực mới cho phát triển. Chẳng hạn, dự thảo Luật DN (sửa đổi) đã đưa ra những giải pháp mạnh mẽ, trên tinh thần tạo thuận lợi tối đa cho hoạt động sản xuất kinh doanh, giảm thiểu các thủ tục hành chính và đề cao việc tôn trọng quyền tự do kinh doanh của DN. Đây được coi là chìa khóa cho cải cách môi trường kinh doanh Việt Nam thời gian tới.

Theo ông Đặng Xuân Quang, Phó Cục trưởng Cục Đầu tư nước ngoài, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT), với dự thảo Luật Đầu tư (sửa đổi), trải qua các lần sửa đổi, bổ sung đã tạo niềm tin cho các nhà đầu tư về môi trường kinh doanh tại Việt Nam.

Cộng đồng DN đánh giá cao 4 nội dung như cải cách thủ tục đầu tư; minh bạch hóa chính sách; chính sách liên quan đến mua bán, sáp nhập, hợp tác công tư; cấm đầu tư kinh doanh và kinh doanh có điều kiện. Vì thế, Luật Đầu tư (sửa đổi) được thông qua lần này đang nhận được sự quan tâm của nhiều nhà đầu tư nước ngoài.

GS.TSKH Nguyễn Mại, Chủ tịch Hiệp hội DN đầu tư nước ngoài (FDI), nhấn mạnh không chỉ nhà đầu tư Việt Nam, khoảng 1 tháng nay báo chí thế giới như Italia, Đức… đều cho rằng Việt Nam đang có cải tiến rõ về thể chế và môi trường đầu tư. Điển hình như lần đầu tiên trái phiếu chính phủ Việt Nam phát hành ra quốc tế nhận được sự phản ứng tốt.

“Theo quan sát của tôi, có một làn sóng đầu tư mới, chất lượng cao, công nghệ cao đầu tư vào Việt Nam trong thời gian tới. Làm sao để 2 luật đầu tư và DN phát huy hiệu quả nhằm tăng cơ hội đầu tư cho Việt Nam, giúp Việt Nam có những DN mạnh trong 5-10 năm tới” - ông Mại nhấn mạnh.

Giảm phiền hà, nhũng nhiễu

Kỳ vọng từ sự thay đổi nhiều, nhưng để những thay đổi đó thể hiện trên thực tế vẫn cần những quy định, giải pháp quyết liệt. Theo GS. Mại, xây dựng thể chế là quan trọng nhưng thực thi thể chế còn quan trọng hơn. Hiện, khoảng 15.000 DN FDI đang phải đối mặt với thực trạng đội ngũ công chức không được như mong muốn. Do vậy, sau khi có thể chế tốt, cần quan tâm hơn đến bộ máy công chức để giảm phiền hà, nhũng nhiễu. Bởi lẽ, tuy được đánh giá cao nhưng những quy định vẫn còn các "hạt sạn" mà nếu không quy định chặt chẽ, DN vẫn bị hành, nhũng nhiễu.

Đóng góp cho bản dự thảo trước khi dự thảo Luật DN được chỉnh sửa, thông qua vào ngày 26-11 tới, ông Vũ Tiến Lộc cho rằng các quyền cơ bản nhất của DN (quyền lựa chọn hình thức, phương thức huy động, phân bổ vốn; quyền chủ động tìm kiếm thị trường, lựa chọn đối tác...) là rất tốt nhưng đã bị dự thảo rút toàn bộ, chỉ giữ lại quy định về quyền rất chung là "tự chủ kinh doanh".

"Với nhiều quốc gia, có thể 1 nguyên tắc chung tối thượng về tự chủ kinh doanh là quá đủ. Nhưng ở nước ta, quyền chung chung thế này tức chả có quyền gì cả. DN đâu có thể bê cái quyền này đi mà kêu, trình với ai được" - ông Lộc chia sẻ.

Được đề nghị đóng góp trực tiếp vào dự thảo Luật DN, văn bản của VCCI cũng cho rằng nên bỏ quy định về thông báo thay đổi nội dung đăng ký DN. Lý do, việc không ghi ngành nghề kinh doanh trong giấy đăng ký DN là một bước đột phá của dự luật lần này.

Bởi lẽ, quy định DN vẫn phải đăng ký ngành nghề và phải làm thủ tục thông báo khi thay đổi ngành nghề, sẽ khiến việc không ghi ngành nghề trong giấy đăng ký không còn ý nghĩa. Thậm chí, quy định này còn làm giảm tính minh bạch vì DN không thể biết ngành nghề mình dự kiến kinh doanh và không hề ghi trong giấy nhưng thực chất lại là ràng buộc.

Về mặt nguyên tắc, Luật DN và Luật Đầu tư đóng vai trò quan trọng trong khởi sự, thành lập, hoạt động của DN. Với những thay đổi dự kiến, 2 đạo luật này mang đến cho cộng đồng DN nhiều kỳ vọng.

Tuy nhiên, để những quy định đi vào thực tế và việc thực hiện các quy định được trơn tru, rõ ràng, vẫn còn nhiều việc để làm nhằm thay đổi thói quen hành DN của một bộ phận công chức hiện nay. Để làm được điều đó, sự chặt chẽ trong quy định là rất cần thiết.

Các tin khác