Chính sách thuế chưa minh bạch

Cải cách chính sách thuế vô cùng quan trọng vì có liên quan tới tất cả mọi đối tượng từ tổ chức đến cá nhân trong xã hội khi cơ quan nhà nước có vai trò hoạch định và tổ chức triển khai. Cải cách chính sách thuế chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực và phù hợp của các bên liên quan ngay từ khâu hoạch định chính sách đến tổ chức triển khai và trực tiếp thực hiện chính sách thuế - đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế.

Cải cách chính sách thuế vô cùng quan trọng vì có liên quan tới tất cả mọi đối tượng từ tổ chức đến cá nhân trong xã hội khi cơ quan nhà nước có vai trò hoạch định và tổ chức triển khai. Cải cách chính sách thuế chỉ thành công khi có sự tham gia tích cực và phù hợp của các bên liên quan ngay từ khâu hoạch định chính sách đến tổ chức triển khai và trực tiếp thực hiện chính sách thuế - đối tượng nộp thuế và đối tượng chịu thuế.

 Chưa mang tính khách quan

Quyết định 732/2011/QĐ-TTg phê duyệt Chiến lược cải cách hệ thống thuế đến năm 2020 với mục tiêu xây dựng hệ thống chính sách thuế đồng bộ, thống nhất, công bằng, hiệu quả, phù hợp với thể chế kinh tế thị trường định hướng XHCN; mức động viên hợp lý nhằm tạo điều kiện thúc đẩy sản xuất trong nước và là một trong những công cụ quản lý kinh tế vĩ mô có hiệu quả.

Theo đó, Quyết định 732 quy định trách nhiệm tổ chức và thực hiện chiến lược của Bộ Tài chính, Bộ Kế hoạch - Đầu tư (KH-ĐT) và UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương. Tuy nhiên, cũng tương tự nhiều văn bản quy phạm pháp luật khác, Quyết định 732 không đề cập đến vai trò trách nhiệm và sự tham gia của các bên liên quan đến quá trình cải cách chính sách thuế.

Chính vì vậy, việc xây dựng các luật, pháp lệnh thuế, phí và các văn bản pháp luật liên quan như nghị quyết của Quốc hội, nghị định của Chính phủ, quyết định của Thủ tướng, thông tư của các bộ, ngành… cần có sự tham gia của người dân và các bên liên quan góp ý vào dự án luật, dự thảo đảm bảo tính công khai, minh bạch và khả thi.

Thời gian qua, tính công khai minh bạch của cải cách chính sách thuế đã được nâng cao thông qua hoàn thiện cơ chế tuyên truyền, phổ biến chính sách thuế từ cơ quan thuế cũng như thông qua các phương tiện thông tin đại chúng. Để tăng chất lượng và hiệu quả tuyên truyền cải cách chính sách thuế cần hoàn thiện hơn nữa quy trình tiếp nhận xử lý các thông tin phản hồi, khiếu nại, tố cáo về thuế.

Đặc điểm quan trọng của lĩnh vực thuế, ngoài việc xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật, còn phải thường xuyên xây dựng hàng loạt văn bản chỉ đạo điều hành như quyết định, chỉ thị của Bộ trưởng, Tổng cục trưởng Tổng cục thuế, công văn hướng dẫn… Tuy nhiên, tham gia của các bên liên quan, nhất là của đối tượng trực tiếp chịu tác động của luật và văn bản dưới luật vẫn còn nhiều hạn chế, cả theo chiều dọc và chiều ngang, dẫn đến việc cơ quan soạn thảo luật chủ yếu là cơ quan hành pháp nên tính độc lập và khách quan còn thấp.

Cũng vì sự tham gia của các bên yếu nên quá trình tiếp thu ý kiến đóng góp và giải trình còn mang tính hình thức, thiếu minh bạch; đánh giá tác động còn thiếu căn cứ lý luận và thực tiễn; chất lượng nhiều dự án luật, dự thảo không cao, thường xuyên có thay đổi lớn, kéo dài thời gian từ khi soạn thảo đến khi ban hành, đã gây khó khăn trong đảm bảo tính dự báo của cơ chế chính sách.

Vì thế, để hiệu quả và hiệu lực của cải cách chính sách thuế được bảo đảm, rất cần tăng cường sự phối hợp đồng bộ giữa các tổ chức, cá nhân thuộc tòa án, công an, viện kiểm sát, kiểm toán, cơ quan thuế, chính quyền địa phương, ngân hàng, truyền thông…

Xây dựng mô hình chuẩn

Tính minh bạch là một trong những yêu cầu quan trọng nhất của quản lý nhà nước nói chung và của cải cách chính sách thuế nói riêng. Khảo sát đại diện nhóm doanh nghiệp nộp thuế lớn nhất Việt Nam (V1000) do Vietnam Report thực hiện về mức độ cản trở doanh nghiệp của các vấn đề về thuế (với 4 mức độ: đôi chút cản trở, tương đối cản trở, cản trở đáng kể và cản trở rất nhiều), cho thấy dẫn đầu “cản trở rất nhiều” là việc thông tư, văn bản hướng dẫn chưa chi tiết với 14,5% lựa chọn.

Rõ ràng, nhu cầu minh bạch chính sách và các quy định về thuế của doanh nghiệp hiện nay rất cao. Việc tăng cường tính minh bạch đòi hỏi được đảm bảo suốt quá trình từ hoạch định chính sách đến tổ chức triển khai thực hiện và thực thi chính sách. Tính minh bạch có mối quan hệ không thể tách rời với trách nhiệm giải trình và chống tham nhũng - những nhiệm vụ cấp thiết trong lĩnh vực thuế, hải quan. Mức độ minh bạch phản ánh trình độ phát triển kinh tế - xã hội của mỗi quốc gia, khả năng quản lý của mỗi chính phủ, địa phương, cơ quan tổ chức, doanh nghiệp.

Theo đó, tùy điều kiện chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng và yêu cầu phát triển cụ thể để xây dựng mô hình đảm bảo và tăng cường tính minh bạch phù hợp với từng loại đối tượng.

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Doanh nghiệp làm thủ tục tại Cục Thuế TPHCM. Ảnh: CAO THĂNG

Đối với cải cách chính sách thuế, mô hình tăng cường tính minh bạch là công khai thông tin về cải cách chính sách thuế, từ thông tin về chiến lược, kế hoạch, dự toán thu NSNN, kết quả thực hiện thu thuế, báo cáo tài chính của đối tượng nộp thuế, dự thảo cơ chế chính sách mới… đến mô hình tổ chức, chức năng nhiệm vụ, quy trình thủ tục, bộ phận và công chức chịu trách nhiệm, nhằm tạo điều kiện tốt nhất cho đối tượng nộp thuế biết, hiểu và tuân thủ quy định pháp luật về thuế.

Các thông tin về thuế cần đảm bảo tính đầy đủ, chính xác, cập nhật, hệ thống, dễ tiếp cận, dễ hiểu, dễ xử lý. Bên cạnh đó, minh bạch cơ chế giải đáp thắc mắc, trao đổi, thảo luận, đối thoại về thuế đảm bảo thông tin thông suốt từ cơ quan quản lý thuế đến đối tượng nộp thuế và toàn xã hội, cũng như phản hồi từ xã hội đến các cơ quan quản lý có liên quan, tránh tình trạng thông tin một chiều, áp đặt từ trên xuống.

Vì thế, xây dựng các chuẩn mực minh bạch, tiếp cận và áp dụng các chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc tế, hoàn thiện các chuẩn mực kế toán kiểm toán quốc gia để làm cơ sở tăng cường tính minh bạch và kiểm soát tính minh bạch của đối tượng được quản lý cũng như cơ quan quản lý. Thể chế giám sát tính minh bạch thông qua thiết lập cơ sở dữ liệu giám sát, đảm bảo quyền tiếp cận thông tin, tiếp nhận và xử lý thông tin phản hồi, khiếu nại tố cáo, thực hiện nghiêm túc trách nhiệm giải trình…

Đặc biệt, tăng cường trách nhiệm và vai trò của Kiểm toán Nhà nước và kiểm toán độc lập, thanh tra thuế trong góp phần nâng cao tính minh bạch của cải cách chính sách thuế.

Các tin khác