CLB xuất khẩu tỷ đô (B2): Điện thoại vững ngôi vương?

Năm 2013, xuất khẩu điện thoại và linh kiện lần đầu soán ngôi của dệt may và năm nay dù dệt may cũng có những kết quả khả quan, song điện thoại được dự báo vẫn giữ được ngôi vương.

Năm 2013, xuất khẩu điện thoại và linh kiện lần đầu soán ngôi của dệt may và năm nay dù dệt may cũng có những kết quả khả quan, song điện thoại được dự báo vẫn giữ được ngôi vương.

Tăng trưởng ấn tượng

Vài năm trở lại đây, với sự có mặt của Samsung, kim ngạch xuất khẩu điện thoại và linh kiện của Việt Nam đã có những bước tăng trưởng ấn tượng. Cụ thể, trong năm 2009 mặt hàng này chỉ đứng thứ 9 về kim ngạch xuất khẩu (sau dệt may, giày dép, dầu thô, thủy sản, điện tử máy tính và linh kiện, gỗ và sản phẩm gỗ, gạo, cao su), sang năm 2010 đã vượt lên đứng thứ 4 (sau dệt may, dầu thô, giày dép).

Năm 2011 và 2012, mặt hàng này vượt lên đứng thứ 2 chỉ sau dệt may. Đến năm 2013, xuất khẩu điện thoại và linh kiện đã vượt dệt may khi đạt kim ngạch 21,5 tỷ USD, so với hơn 20 tỷ USD của dệt may. Trong tháng 10 và 10 tháng năm 2014, điện thoại và linh kiện tiếp tục giữ vững đà tăng trưởng xuất khẩu.

Số liệu từ Tổng cục Hải quan cho thấy trị giá xuất khẩu nhóm hàng này trong tháng 10 đạt 2,22 tỷ USD, tăng 8,6% so với tháng trước, nâng tổng trị giá xuất khẩu trong 10 tháng lên 19,48 tỷ USD, tăng 8,7% so với cùng kỳ năm trước.

EU là đối tác lớn nhất nhập khẩu nhóm hàng điện thoại các loại và linh kiện từ Việt Nam với trị giá đạt 6,97 tỷ USD, chiếm 36% tổng trị giá xuất khẩu nhóm hàng này của cả nước. Tiếp theo là các thị trường Các tiểu Vương quốc Arập thống nhất 3,12 tỷ USD, tăng 5,7%; Hoa Kỳ 1,1 tỷ USD, tăng gấp gần 2 lần; Hồng Công 695 triệu USD, giảm 7,4% so với cùng kỳ 2013.

Kim ngạch xuất khẩu ngành hàng trên đang đóng góp rất lớn cho tổng kim ngạch xuất khẩu cả nước. Nhưng thực tế miếng bánh ngon này gần như thuộc về các DN có vốn đầu tư nước ngoài (FDI), trong đó chiếm thị phần lớn nhất là Samsung. Tuy nhiên vẫn có những điểm chưa trùng khớp trong con số thống kê.

Như năm 2013 phía Samsung cho biết giá trị xuất khẩu của riêng nhà máy điện thoại Samsung ở Bắc Ninh đạt 23,9 tỷ USD, trong khi theo số liệu của Tổng cục Thống kê xuất khẩu điện thoại và linh kiện cả nước năm 2013 ước đạt… 21,5 tỷ USD.

Không chỉ Samsung đang đóng góp lớn vào kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam, nhìn rộng ra cả khu vực FDI đang chiếm tỷ lệ lớn trong tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam. Dù đóng góp vào xuất khẩu nhiều, các đại gia này cũng là những thành viên “tích cực” trong việc nhập khẩu.

Chỉ tính riêng Samsung trong năm 2013 đã nhập khẩu tới 20 tỷ USD mua thiết bị và linh kiện. Lý do, DN này không tìm được nhà cung ứng đáp ứng đủ tiêu chuẩn chất lượng với giá thành cạnh tranh ở thị trường Việt Nam.

DN nội khó hưởng ké

Những ngày đầu tháng 9 vừa qua, câu chuyện DN nội không làm nổi cái ốc vít cho Samsung đã làm nóng các mặt báo, diễn đàn. Theo đó, ngày 11-9, Tập đoàn Samsung đã tổ chức buổi tiếp xúc với DN Việt Nam và công bố các điều kiện để trở thành nhà cung cấp linh kiện cho Samsung. Phía Samsung cho biết trong số 100 đối tác cung cấp linh kiện cho các nhà máy tại Thái Nguyên và Bắc Ninh, chỉ 7 công ty nội có đủ khả năng nhưng chủ yếu làm bao bì và đóng gói.

Việc Samsung giới thiệu 8 điều kiện cơ bản cho nhà cung cấp, trong đó yêu cầu công nghệ phải có đăng ký sáng chế, có hạ tầng cho nghiên cứu phát triển; chất lượng phải có chứng nhận ISO, giao hàng phải đáp ứng thời hạn, ngay cả khi có yêu cầu sản xuất nhanh hơn… Samsung còn đưa ra 13 mục tiêu phải tuân thủ nhưng không đảm bảo đầu ra cho sản phẩm khiến nhiều DN Việt Nam dù muốn cũng rất khó bắt tay với Samsung.

Hàng loạt hội thảo, hội nghị đã diễn ra sau đó để tìm cách phát triển công nghiệp phụ trợ của Việt Nam, cũng như tìm cách chen chân vào chuỗi cung ứng cho Samsung. Rất nhiều ý kiến chuyên gia, DN, đơn vị quản lý được đưa ra nhưng dường như cho đến nay vẫn chưa có chuyển biến rõ nét. Và câu chuyện “tưởng bở” về cái sạc pin cho Samsung vẫn đang khiến nhiều người trăn trở.

Theo cách tính giản đơn, chỉ tính riêng sạc pin các loại, mỗi năm Samsung cần 400 triệu chiếc. Mỗi cái sạc pin 0,5USD, mỗi năm DN Việt Nam đút túi 200 triệu USD. PGS.TS Trần Đình Thiên, Viện trưởng Viện Quản lý kinh tế Trung ương, từng chia sẻ cách duy nhất để DN Việt Nam trở thành vệ tinh của các tập đoàn lớn là buộc phải thay đổi tư duy, định hướng chiến lược; phải chuyên môn hóa, kiên trì theo đuổi mục tiêu, hướng vào sản xuất các sản phẩm có sức cạnh tranh. Tự ái vì bị nhà đầu tư chê không làm nổi con ốc vít, chiếc sạc pin, cũng là một động lực để DN nội đổi mới mình.

Nhà máy điện thoại Samsung ở Bắc Ninh. Ảnh: LÃ ANH

Nhà máy điện thoại Samsung ở Bắc Ninh. Ảnh: LÃ ANH

Song cũng chưa ai có thể khẳng định đến khi nào DN Việt Nam mới có thể “đút túi” những khoản lời như vậy, nhất là khi việc cạnh tranh trong tương lai không còn nằm trong phạm vi khu vực mà đã ra phạm vi toàn cầu. Những con số đẹp trong kim ngạch xuất khẩu ngày càng nhiều nhờ những đóng góp của DN FDI. Nếu cứ để tình hình này diễn ra, liệu bao giờ chúng ta mới có những thương hiệu toàn cầu xuất xứ Việt Nam, vẫn còn là câu hỏi rất lớn.

Đừng để phía sau những con số đẹp là một thực tế phũ phàng dành cho DN nội và nền kinh tế Việt Nam. Cùng là thành viên trong câu lạc bộ xuất khẩu tỷ USD, nhưng khoảng cách giữa các ngành hàng có đóng góp lớn của DN FDI so với những ngành hàng DN nội chiếm phần lớn vẫn còn quá xa vời.

Các tin khác