Sức sống của một sân chơi

Đại diện các đội lên nhận giải thưởng. Phần thi thứ hai là những thử thách khá gay cấn khi các đội tự xây dựng tình huống câu hỏi bằng video và thử thách đội bạn. Thời gian của những video câu hỏi này tối đa 5 phút, đội còn lại sẽ có 3 phút để thảo luận và trình bày phần trả lời của mình trong thời gian tối đa 2 phút. Có thể nói lượng thời gian eo hẹp và luật chơi khá nghiêm là những thử thách để các thí sinh tự rèn luyện mình, nhanh chóng liên hệ, xem xét và giải quyết vấn đề chỉ trong lượng thời gian ngắn ngủi.

Sau hơn 1 tháng tìm kiếm, vượt qua hơn 1.300 thí sinh, 3 đội chơi với 9 gương mặt xuất sắc nhất đã lộ diện và tham gia tranh tài tại đêm chung kết cuộc thi Bản lĩnh Giám đốc tài chính CFO lần V-2014 tại Trường Đại học Kinh tế TPHCM, số 59C Nguyễn Đình Chiểu, quận 3.

Tranh tài CFO

Có mặt tại hội trường, sân khấu chuẩn bị khá chu đáo và hoành tráng, các cổ động viên tập trung từ rất sớm với băng rôn, áp phích… trên tay sẵn sàng cổ vũ. 3 đội thi tham gia lần lượt là Omachi, B-Team và TNT, trong đó Omachi, TNT đến từ Trường Đại học Kinh tế TPHCM và B-Team đến từ Trường Đại học Ngoại thương.

Trải qua 2 vòng thi trước từ Khởi sự đến Ươm mầm CFO, vòng thi chung kết gồm 3 phần: Thử tài ra quyết định, Đấu trí đỉnh cao và Bản lĩnh CFO, với nội dung khá phong phú và hấp dẫn. Ở phần 1, thành viên của mỗi đội lần lượt được trải nghiệm kiến thức qua 5 câu hỏi trong thời gian 15 giây cho mỗi câu, điểm của đội là tổng số điểm các thành viên trong đội giành được. Nội dung các câu hỏi trong phần thi này không chỉ là kiến thức về tài chính mà còn liên quan đến các lĩnh vực đời sống xã hội, kinh tế, khoa học, thậm chí những tình huống khó, khiến nhiều thí sinh và cổ động viên phải lúng túng. Đây là bài học kinh nghiệm để các giám đốc tài chính tương lai lưu ý và linh hoạt trong suy nghĩ cũng như giải quyết tình huống. Nhiều trường hợp đòi hỏi không cần suy nghĩ quá phức tạp mà cần đơn giản, đôi khi trả lời hài hước cũng là một cách giải quyết hay.

Đại diện các đội lên nhận giải thưởng.
Đại diện các đội lên nhận giải thưởng.

Phần thi thứ hai là những thử thách khá gay cấn khi các đội tự xây dựng tình huống câu hỏi bằng video và thử thách đội bạn. Thời gian của những video câu hỏi này tối đa 5 phút, đội còn lại sẽ có 3 phút để thảo luận và trình bày phần trả lời của mình trong thời gian tối đa 2 phút. Có thể nói lượng thời gian eo hẹp và luật chơi khá nghiêm là những thử thách để các thí sinh tự rèn luyện mình, nhanh chóng liên hệ, xem xét và giải quyết vấn đề chỉ trong lượng thời gian ngắn ngủi.

Gay cấn và hứa hẹn nhiều hồi hộp hơn cả là phần thi cuối cùng – Bản lĩnh CFO. Với vai trò là một giám đốc tài chính, các đội phải đưa ra được những lý lẽ, dẫn chứng và lập luận để thuyết phục nhà đầu tư và doanh nghiệp đầu tư vào dự án của mình. Với phần thi này, mỗi đội có thời gian 5 phút để trình bày toàn bộ ý tưởng, lập luận và phương thức kinh doanh của mình. Để đạt được điều này đòi hỏi các thành viên phải có sự đầu tư vào kiến thức cũng như thực tiễn để trau dồi và hoàn thiện bản thân. Ngoài ra cần rèn luyện tác phong đi đứng, ăn nói, cử chỉ và nét mặt của một giám đốc tài chính thực sự tài năng để thuyết phục được lòng tin của mọi người.

Sau những giờ tranh tài đầy cam go, đội về đích là B-Team với 51,6 điểm, đội về nhì là TNT với 50,2 điểm và Omachi về thứ ba với số điểm 43,2.

Không chỉ là sân chơi bổ ích và lý thú, cuộc thi còn là cơ hội để sinh viên tiếp cận được những tình huống thực tế, mang lại cho mình sự tự tin và thể hiện được bản lĩnh của một giám đốc tài chính tương lai. Ngoài ra đây cũng là dịp để các doanh nghiệp, các nhà đầu tư tìm kiếm, phát hiện được tài năng hỗ trợ đắc lực cho doanh nghiệp của mình.

Mở rộng phạm vi tổ chức

Trải qua 5 lần tổ chức, cuộc thi Bản lĩnh Giám đốc Tài chính ngày càng thu hút nhiều sinh viên từ các trường đại học tham gia như Kinh tế, Kinh tế - Luật, Tài chính – Marketing, Ngân hàng, Ngoại thương… Để có được sự thành công này là một quá trình chuẩn bị lâu dài và kỹ lưỡng của các bạn sinh viên trong nhóm nghiên cứu tài chính SFR(Student Group of Financial Reseach).

Bạn Lê Nguyễn Trần Huỳnh, sinh viên năm cuối khoa Tài chính, cho biết SFR đã phải chuẩn bị khoảng 6 tháng trước, từ lập kế hoạch, xin ý kiến của Đoàn trường, khoa, đến xin tài trợ, triển khai nội dung cuộc thi đến các trường bạn, làm đề thi và tổ chức lên chương trình, sân khấu để cuộc thi diễn ra tốt đẹp. Tất cả đều được nhóm chia thành nhiều đội nhỏ và thực hiện phân công nhiệm vụ, triển khai theo kế hoạch.

Có thể nói những hoạt động này tưởng chừng nhỏ nhưng lại giúp cho các bạn tích lũy được kỹ năng lên kế hoạch, triển khai và hoạt động nhóm hiệu quả. Đây là một yêu cầu khá quan trọng mỗi người cần có trong công việc.

Theo GS.TS Trần Ngọc Thơ, Trưởng khoa Tài chính Trường Đại học Kinh tế TPHCM, cuộc thi thành công bởi nhận được sự ủng hộ nhiệt tình của các thầy cô trong khoa và nhà trường. Đáng vui hơn, tinh thần ham học hỏi, tham gia đăng ký của sinh viên các trường. Tuy nhiên, do thời gian các trường tổ chức các kỳ thi khác nhau, ban tổ chức gặp khó khăn trong việc chọn thời gian sao cho hài hoà và linh hoạt để sinh viên có thể tham gia cuộc thi với tinh thần thoải mái và tự tin.

"Tình hình thị trường chứng khoán, tài chính gặp khó khăn cũng là một thách thức lớn đối với các em trong vấn đề tìm việc làm thời gian sắp tới. Bởi những yêu cầu bức thiết đó, càng phải duy trì và tổ chức những cuộc thi ý nghĩa như vậy, tiến hành mở rộng phạm vi đăng ký đến các tỉnh miền Tây, Đông Nam bộ trong thời gian tới nhằm tạo sự lan tỏa đến các trường trên cả nước. Đặc biệt, nâng cao nội dung câu hỏi và đưa ra nhiều tình huống hấp dẫn, phù hợp với tình hình thị trường tài chính để sinh viên tự tin khẳng định bản thân" - GS.TS Thơ nói.

Các tin khác