Trợ lực tinh thần cho nhà giáo

Đối với phương Tây, giáo dục được xem như ngành công nghiệp không khói. Còn nước ta, giáo dục được xem là sứ mệnh trồng người. Truyền thống và đạo lý Việt Nam luôn tôn kính và đề cao vai trò thầy cô. Trong cuộc sống đang cuống cuồng mưu cầu vật chất, bục giảng cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Để gìn giữ và nâng niu hình ảnh những bậc kỹ sư tâm hồn, phải đòi hỏi trách nhiệm của cả cộng đồng.

Đối với phương Tây, giáo dục được xem như ngành công nghiệp không khói. Còn nước ta, giáo dục được xem là sứ mệnh trồng người. Truyền thống và đạo lý Việt Nam luôn tôn kính và đề cao vai trò thầy cô. Trong cuộc sống đang cuống cuồng mưu cầu vật chất, bục giảng cũng chịu ảnh hưởng ít nhiều. Để gìn giữ và nâng niu hình ảnh những bậc kỹ sư tâm hồn, phải đòi hỏi trách nhiệm của cả cộng đồng.

Khi mở cửa thế giới, chúng ta hốt hoảng thấy chất lượng giáo dục gặp nhiều thử thách trước bạn bè 5 châu. Đổi mới giáo dục là cần thiết, nhưng bảo vệ nền tảng giáo dục còn quan trọng hơn. Bởi lẽ, kiến thức có thể bồi đắp lâu dài trên những giá trị làm người căn bản không bị lung lay. Sự tử tế và lương thiện của thầy cô giáo chính là cơ sở để môi trường giáo dục được tĩnh tại giữa xã hội biến động khôn lường.

Chống lại xu hướng thương mại hóa giáo dục bằng cách nâng cao thu nhập cho thầy cô giáo. Điều này đang được các cấp, các ngành giải quyết liên tục và bài bản. Thế nhưng, chống lại những biểu hiện suy đồi đang rình rập bên cửa sổ lớp học bằng cách nào? Đay nghiến dồn dập chuyện dạy thêm học thêm, hoặc phê phán gay gắt vài bài giảng xa rời thực tế, đều không phải phương pháp tích cực để xây dựng một nền giáo dục tiên tiến. Hãy nhớ rằng, trong những dấu hiệu bấn loạn chuẩn mực, thầy cô giáo cũng là nạn nhân. Vì vậy, cách trợ lực giáo dục hữu hiệu và cần thiết hiện nay là góp sức cổ vũ tinh thần cho nhà giáo.

Không nên chờ đợi đến dịp lễ mới tặng hoa chúc mừng, hay chờ đến đợt xét duyệt nào đó mới phong tặng danh hiệu Nhà giáo Nhân dân hay Nhà giáo Ưu tú. Những người thực sự tâm huyết với sự nghiệp trồng người, mấy ai màng đến danh vọng hão huyền đâu. Họ cần chúng ta nhìn họ và công việc của họ thật chân thành và trìu mến. Những ánh đèn khuya khoắt đang soạn bài, những ngày mưa lặn lội đến lớp, những tiếng trẻ hồn nhiên ở những lớp học cheo leo nơi biên giới xa xôi… cần được ghi nhận và tôn vinh nhiều hơn nữa.

Đã lâu lắm rồi chúng ta chưa có những cuộc vận động lớn viết về thầy cô giáo. Hình ảnh nhà giáo vắng bóng dần trong văn chương, trong âm nhạc, trong sân khấu… không khiến ai bận tâm ư, không khiến ai ưu tư ư, không khiến ai thao thức ư? Mỗi mái trường sẽ ấm áp hơn khi mỗi người biết hát thầm trên môi mình “khi thầy viết bảng, bụi phấn rơi rơi” hoặc “thưa thầy, em đã thuộc bài học sáng nay trên bục giảng”…

Các tin khác