Nông trại Nga tự lực, tự cường

Việc chính phủ Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ nhiều nước châu Âu hồi tháng 8 vừa qua không chỉ giúp các nông trại ở Nga tự lực, tự cường mà còn mang đến hy vọng xuất khẩu nông sản địa phương ra thế giới.

Việc chính phủ Nga ban hành lệnh cấm nhập khẩu các mặt hàng nông sản từ nhiều nước châu Âu hồi tháng 8 vừa qua không chỉ giúp các nông trại ở Nga tự lực, tự cường mà còn mang đến hy vọng xuất khẩu nông sản địa phương ra thế giới.

Boris Akimov, quản lý nông trại LavkaLavka, cho biết nhận được nhiều đơn hàng từ những nhà thu mua nông sản lớn của Nga kể từ sau lệnh cấm nhập khẩu của chính phủ Nga. LavkaLavka được Akimov và người bạn lập ra cách đây 5 năm. Các sản phẩm của nông trại rất phong phú từ gia cầm, trứng cho đến pho-mát. Quyết tâm theo đuổi mô hình nông trại đủ khả năng cung cấp ra thị trường lượng nông sản ổn định càng được Akimov thực hiện sau chuyến tham quan vùng Cognac của Pháp 2 năm trước.

Ông chủ 36 tuổi người Nga nhận ra rằng mỗi hồ nước, cánh đồng đều được người nông dân ở đây quy hoạch và khai thác tối đa, không có đất canh tác bị bỏ trống. “Ở Nga, không có gì cả. Đây là tiềm năng lớn để khai thác” - Akimov nói. Chuyên gia nông nghiệp Vladimir V. Miloserdov cho biết trong 20 năm qua, hơn 106 triệu ha đất canh tác bị hoang hóa, lượng gia súc của Nga hiện thấp hơn so với những năm 1940.

Việc khan hiếm nguồn cung đã đẩy giá thực phẩm lên cao. Theo Cơ quan thống kê Nga (Rosstat), trong tháng 10 giá thịt gia cầm tăng hơn 18% trong khi các sản phẩm từ sữa tăng 15%. Giá thực phẩm tăng cao kéo theo tỷ lệ lạm phát tăng mạnh, dự kiến ở mức 8,3% trong năm nay, ảnh hưởng không nhỏ đến phát triển kinh tế Nga. Nhiều chuyên gia cảnh báo tình trạng khan hiếm lương thực sẽ càng căng thẳng hơn trong thời gian tới khi đất canh tác bị đóng băng bởi mùa đông khắc nghiệt ở Nga.

Những nông trại kiểu LavkaLavka được xem là giải pháp cho thị trường lương thực của Nga hiện nay. Justus Walker, một nông dân di cư từ Hoa Kỳ đến Siberia, cho biết việc bán mozzarella (pho-mát của Italia) do nông trại của anh sản xuất giờ thuận lợi hơn nhiều khi không phải cạnh tranh với sản phẩm nhập khẩu. Thịt gà cũng là một mỏ vàng cho các nhà sản xuất địa phương khi thị phần 10% thịt gà nhập khẩu giờ đã không còn.

Việc để các nông trại phát huy nội lực là một phần trong chính sách của Moscow khi áp đặt lệnh cấm nhập khẩu nông sản. Tháng trước, Thủ tướng Nga Dmitri Medvedev đã công bố lộ trình về sản xuất nông nghiệp, trong đó nhấn mạnh mục tiêu nâng cao sản lượng nông nghiệp để giảm sự phụ thuộc vào thực phẩm nhập khẩu.

Boris Akimov, quản lý nông trại LavkaLavka.

Boris Akimov, quản lý nông trại LavkaLavka.

Tuy nhiên, không ít ý kiến tỏ ra quan ngại về tính khả thi của lộ trình chính phủ Nga công bố khi còn nhiều bất cập về phát triển nông nghiệp. Andrey Ovchinnikov, 53 tuổi, một nhà thiết kế nội thất, được một người bạn thuyết phục về làm nông trại. Ovchinnikov hào hứng và đầu tư vào một trang trại nuôi gà.

Doanh số bán ra tăng đều đặn nhưng Ovchinnikov gặp khó khăn không tiếp cận được các khoản tín dụng cho vay và mở rộng quỹ đất để phát triển trang trại. Ngoài ra, một số chuyên gia cho rằng để phát triển nội lực của các trang trại trong nước lệnh cấm nhập khẩu phải được kéo dài trong khoảng thời gian nhất định. Nhưng trước tình hình giá thực phẩm leo thang như hiện nay, nhiều nhà nhập khẩu đang tìm kiếm các nhà cung cấp nông sản khác từ châu Á, Mỹ Latin.

Nếu thị trường trong nước lại ngập tràn các sản phẩm từ châu Á, Mỹ Latin, các nông trại sẽ tiếp tục gặp khó trong việc phát triển và khi đó chính sách “tự cung tự cấp” hàng nông sản của Nga có thể bị phá sản. 

Các tin khác