Giảm lệ thuộc nguyên liệu nhập

Kết quả nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp về cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ Việt Nam công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ nhập ngoại thức ăn chăn nuôi (TACN), giống và thuốc thú y của ngành này không ngừng tăng trong những năm qua. Có dấu hiệu cho thấy ngành này đang lệ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài.

Kết quả nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp về cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ Việt Nam công bố mới đây cho thấy, tỷ lệ nhập ngoại thức ăn chăn nuôi (TACN), giống và thuốc thú y của ngành này không ngừng tăng trong những năm qua. Có dấu hiệu cho thấy ngành này đang lệ thuộc ngày càng nhiều vào bên ngoài.

Bị nước ngoài chi phối

 

Theo Tổng cục Thống kê, năm 2012 ngành chăn nuôi đạt giá trị sản xuất 201.000 tỷ đồng (khoảng 10 tỷ USD), đóng góp 26,8% tổng giá trị sản xuất toàn ngành nông nghiệp; sản lượng thịt đạt hơn 4,2 triệu tấn, tăng 2,31 lần so với năm 2000. Có thể thấy quy mô của ngành chăn nuôi Việt Nam không lớn, nhưng nghịch lý là mỗi năm ngành này lại nhập khẩu hàng tỷ USD TACN, con giống và thuốc thú y.

Cụ thể, năm 2013 ngành chăn nuôi nhập khẩu khoảng 13 triệu tấn TACN, tăng 400.000 tấn so với năm 2012 và tăng 6,8 triệu tấn so với năm 2006. Chỉ trong năm 2013, Việt Nam đã bỏ ra khoảng 3 tỷ USD để nhập khẩu TACN và nguyên liệu sản xuất TACN, tăng 25,3% so với năm 2012 và 41,6% so với năm 2010. Cũng trong năm 2013, Việt Nam nhập khẩu nguồn vaccine phục vụ chăn nuôi với giá trị khoảng 60 triệu USD.

Sự phụ thuộc còn thể hiện qua nguồn nguyên liệu nhập khẩu. Theo các số liệu thống kê, những năm gần đây trung bình Việt Nam nhập khẩu khoảng 8 triệu tấn nguyên liệu/năm. Trong đó, có các loại nguyên liệu giàu đạm như khô dầu đậu tương, bột xương thịt, bột cá nhập khoảng 90%; khoáng chất, vitamin, phụ gia phải nhập 100% từ nước ngoài.

Không những vậy đang có dấu hiệu cho thấy thị trường TACN trong nước bị các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) chi phối. Cả nước hiện có 239 nhà máy chế biến TACN, trong đó có 59 nhà máy chế biến TACN của các doanh nghiệp liên doanh và FDI. Tuy có số lượng nhà máy không áp đảo nhưng các doanh nghiệp liên doanh và FDI đang cung cấp khoảng 65% lượng TACN trên thị trường nội địa.

Là một thành viên của Liên minh Nông nghiệp, TS. Võ Trí Thành, Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương, cho rằng việc các nhà sản xuất TACN trong nước đang bán sản phẩm theo giá bán của CTCP Chăn nuôi CP Việt Nam như kết quả nghiên cứu là một bất cập.

Để làm rõ thị trường TACN Việt Nam bị thao túng đến đâu không nên chỉ dựa vào thị phần đầu ra của doanh nghiệp, bởi thực tế này chưa nói hết được bản chất độc quyền, hoặc khả năng chi phối thị trường. Có thể là 3, 10 hay 100 công ty nhưng bản chất vẫn là một ông chủ. Cho nên nó chưa phơi bày hết được bản chất thị trường. Vì vậy cần nghiên cứu sâu hơn về vấn đề sở hữu để thấy rõ được thực trạng của thị trường TACN hiện nay.

Nông dân thiệt đủ đường

Việc phụ thuộc nhập khẩu là do Việt Nam chưa sản xuất được những thức ăn bổ sung. Bên cạnh đó, sản xuất nông nghiệp trong nước cũng đang có sự mất cân đối. Theo đó, do tập trung đầu tư sản xuất nên có năm, thóc, gạo xuất khẩu tiêu thụ khó khăn nhưng mỗi năm Việt Nam phải nhập hàng triệu tấn ngô, đỗ tương… do sản xuất trong nước chưa đáp ứng được.

Ông Nguyễn Văn Trọng,
Phó Cục trưởng Cục Chăn nuôi

Tại hội thảo cấu trúc ngành chăn nuôi và lợi ích của người chăn nuôi nhỏ ở Việt Nam mới đây tại Hà Nội, ông Lương Hồng Đoán, chủ một trang trại chăn nuôi tại Đồng Nai, cho biết tại địa phương ông trước đây có gần 100 hộ chăn nuôi heo, nhưng qua dịch tai xanh năm 2010 nay chỉ còn 30 hộ nuôi. Do không nắm được cách tiêm phòng bệnh, chỉ qua một trận tai xanh là đi sạch, vốn không có nên không tái đàn được.

Theo ông Đoán, giá bán TACN của các nhà sản xuất chỉ có lên, không thấy xuống. Lúc giá ngô trong nước bán 6.900 đồng/kg, giá TACN bán 12.000 đồng/kg; khi giá ngô còn 5.500 đồng, giá TACN vẫn 12.000 đồng/kg. “TACN do nhà máy sản xuất, phân phối quyết định giá, còn giá bán gia súc lại do thương lái quyết định. Người sản xuất, không có quyền gì trong chuỗi giá trị phân phối của ngành chăn nuôi” - ông Đoán nói.

Trong khi đó, nghiên cứu của Liên minh Nông nghiệp về đặc điểm ngành chăn nuôi tại các địa phương Hà Nội, Bắc Ninh, Đồng Nai và một số tỉnh ĐBSCL đã chỉ ra rằng: 1kg thịt heo bán ra thị trường, người chăn nuôi nhỏ thiệt hại khoảng 6.535 đồng, thương lái thu lợi khoảng 3.082 đồng, nhà cung cấp thức ăn chăn nuôi được lợi 584 đồng.

Theo TS. Đào Thế Anh, Hội Khoa học Phát triển nông thôn Việt Nam, trong chuỗi giá trị của ngành chăn nuôi, lò mổ là khâu đắt nhất, thường khâu giết mổ nhận được hơn 40% giá trị gia tăng trong khi người nông dân chỉ nhận được 15% giá trị gia tăng các sản phẩm do chính mình chăn nuôi. Nguyên nhân của tình trạng này do nông dân thiếu thông tin, cơ quan quản lý ngành không quyết định được giá các yếu tố đầu vào, giá bán ra của sản phẩm. Đây là một chuỗi liên kết sản xuất và kinh doanh, tự nông dân làm không được.

Để hạn chế phụ thuộc vào nguồn nguyên liệu nước ngoài, đồng thời cũng nhằm giúp nông dân tránh bị thiệt thòi, Bộ NN-PTNT cho biết sẽ khuyến khích mở rộng diện tích trồng đậu tương, ngô… trong nước để giảm nhập khẩu nguyên liệu từ nước ngoài.

Tuy nhiên, để làm được điều này, cần sớm ứng dụng công nghệ mới để tăng năng suất cây trồng. Theo Hiệp hội TACN, diện tích trồng đậu tương cả nước hiện có gần 100.000ha nhưng năng suất rất thấp, chỉ đạt 1-1,2 tấn/ha. Trong khi đó, nhiều nước trên thế giới đạt năng suất 4-4,5 tấn/ha. Tương tự, diện tích trồng ngô ở mức trên 1 triệu ha, năng suất trung bình đạt 4 tấn/ha, trong khi các nước khác từ 8 tấn/ha trở lên.

Trong dự thảo Chiến lược phát triển ngành trồng trọt đến năm 2020, Cục Trồng trọt (Bộ NN-PTNN) đã đề xuất ưu tiên tăng diện tích trồng ngô từ 1,1 triệu ha lên 1,5-2 triệu ha, có áp dụng thâm canh, đưa tiến bộ kỹ thuật, giống mới vào sản xuất. Theo đó, sẽ chuyển một phần diện tích lúa kém hiệu quả sang trồng ngô, đồng thời điều chuyển thời vụ cây trồng vụ hè thu, tăng diện tích ngô đông sớm. Với vùng ĐBSCL, Đông Nam bộ, nơi có năng suất ngô cao, khả năng cạnh tranh được với ngô nhập khẩu, có thể chuyển một phần diện tích lúa vụ đông xuân sang chuyên canh ngô.

Các tin khác