Công nghệ “đánh”chứng khoán

Việc áp dụng công nghệ trong giao dịch chứng khoán đã xuất hiện từ lâu, nhưng gần nhất thông tin về việc sử dụng “rô bốt” để đánh chứng khoán đã được nhiều NĐT quan tâm để tham khảo và dựa vào đó.

Việc áp dụng công nghệ trong giao dịch chứng khoán đã xuất hiện từ lâu, nhưng gần nhất thông tin về việc sử dụng “rô bốt” để đánh chứng khoán đã được nhiều NĐT quan tâm để tham khảo và dựa vào đó.

Từ PTKT đến rô bốt

Thực ra ĐTTC đã tham khảo một số NĐT và nhân viên môi giới dày dạn kinh nghiệm về thông tin này và câu trả lời là không có. Được biết, rô bốt là một phần mềm nhưng ở mức độ cao cấp, thường được dùng trong giao dịch ngoại hối (forex) hoặc vàng. Theo đó, các rô bốt với cơ sở dữ liệu khổng lồ có thể “đọc” được những diễn biến của forex hoặc vàng trong hiện tại và đối chiếu với các dữ liệu quá khứ để quyết định một phương án giao dịch chuẩn nhất.

Có thể nói, việc dùng công nghệ, phần mềm, rô bốt trong giao dịch có nhiều tác dụng, đầu tiên có lẽ là giảm bớt áp lực cho những người môi giới tư vấn. Tất nhiên môi giới tư vấn sai phải lãnh đủ từ khách hàng, nhưng khách hàng sử dụng công nghệ giao dịch sai chả trách được máy móc. Có khi máy móc không chuẩn quay lại con người, lúc này nhân viên môi giới lại có giá. Còn người sử dụng công nghệ thường cảm thấy tự tin, yên tâm vì có máy móc trợ lực.

Rô bốt cũng có nhiều giá, thuê từ vài ngàn USD đến hàng trăm ngàn USD mỗi tháng và tất nhiên giá càng cao thì khả năng đem lại lợi nhuận càng lớn. Rô bốt còn được dân cá cược bóng đá sử dụng với giá thuê từ vài chục đến vài trăm triệu đồng mỗi tháng. Nhưng cao nhân tắc hữu cao nhân trị, các website cá cược bóng đá cũng có cách “đọc” giao dịch từ các rô bốt và sẽ khóa (lock) thẳng tay những ai sử dụng rô bốt để cá cược hưởng chênh lệch.

Trở lại với chuyện sử dụng rô bốt để đánh chứng, một môi giới có thâm niên trên TTCK khẳng định chưa bao giờ tận mắt chứng kiến và chỉ biết qua những câu đùa của dân chứng khoán với nhau, kiểu như mỗi khi thấy ai đó “đi lệnh” mua CP lúc giá giảm, mua xong giá tăng trần hoặc bán CP ngay giá đỉnh, những câu như “đặt lệnh như rô bốt” giống như lời khen tặng.

Vậy còn việc áp dụng công nghệ để đánh chứng khoán thấp hơn rô bốt mà điển hình nhất chính là phân tích kỹ thuật (PTKT)? Để sử dụng PTKT bắt buộc phải có cơ sở dữ liệu và các phần mềm phân tích, chẳng hạn MetaStock. Ngoài PTKT, một số người còn viết ra các phần mềm để “lọc” CP theo các tiêu chí của mình và ứng dụng thêm PTKT.

Còn nhớ vào giai đoạn 2009-2010, một chuyên gia về PTKT đã khá tự hào về phần mềm mình viết ra và cho biết CP càng bị làm giá phần mềm này càng đúng. “Sông có khúc, đúng… có lúc”, vị chuyên gia này sau năm 2010 cũng dần rời khỏi thị trường và giờ chuyển sang kinh doanh trong ngành hàng ăn uống.

Thực ra có không ít phần mềm để chọn lựa CP, phân tích TTCK có độ chính xác rất cao, nhưng chỉ trong một thời điểm nào đó. Tuy nhiên, không ít người viết ra phần mềm lại thường có suy nghĩ theo kiểu “huyễn hoặc” phần mềm của mình quá đáng và phải trả giá. Cách đây khoảng 5 năm, đã từng có một nhóm môi giới chứng khoán tuyên bố nhận ủy thác đầu tư và “bao lỗ”.

Cơ sở để nhóm này tự tin là vì đã “chế” được phần mềm giao dịch với mức độ chính xác cao, tuy nhiên sau những tuyên bố hùng hồn đó, cũng không thấy nhiều người chọn mặt gửi vàng và nhóm này cũng sớm rơi vào quên lãng.

Nhưng phải vào là thắng

Việc ứng dụng phần mềm, mô hình nếu có thất bại những người thử nghiệm cũng không nên lấy làm buồn, bởi lẽ ngay cả những tổ chức lớn, khi ứng dụng cũng bị thất bại. Chắc hẳn dân chứng khoán chưa quên chuyện mấy năm trước một quỹ đầu tư với tiêu chí năng động được lập ra với cách thức đầu tư theo một mô hình nổi tiếng thế giới. Quỹ này thậm chí còn thuê hẳn một chuyên gia cũng rất nổi tiếng về mô hình này sang tận Việt Nam để làm việc.

Được biết, mô hình này với một loạt tiêu chí phức tạp để chọn lựa CP, nhưng nhìn chung là với mục đích chọn được CP có khả năng nổi sóng và bắt kịp với diễn biến của thị trường, khi nào điều chỉnh, khi nào đảo chiều. Quỹ này rốt cuộc hoạt động không đi đến đâu, còn vị chuyên gia kia chuyển đổi công việc qua một số công ty quản lý quỹ, CTCK nhưng hầu hết không có nơi nào có thể thi triển “tuyệt chiêu” của mình.

Mãi đến gần đây, các mô hình đánh chứng khoán lại được nhắc trở lại khi trên thị trường xuất hiện những cách thức phân tích mới, phức tạp hơn, chi tiết hơn và đắt tiền hơn.

Một trưởng phòng môi giới và cũng là người dành khá nhiều thời gian tìm hiểu về PTKT cho biết, nếu PTKT ở cấp độ đơn giản chỉ dừng lại ở việc vẽ đồ thị và các mẫu hình để từ đó suy luận ra diễn biến TTCK, CP. Cách thức này thoạt nhìn là định tính, vì có số liệu, đồ thị, mẫu hình, nhưng thực chất lại là định lượng vì mỗi người có một cách “đọc” khác nhau.

Vậy là lại xuất hiện một mô hình mới đi sâu hơn, chi tiết hơn, các chỉ số được tinh chỉnh để sai số về mức thấp nhất. Để sử dụng được mô hình này, trước nhất phải mất từ 3 đến 6 tháng để đi học và học phí có khi lên đến hàng trăm triệu đồng. Sau đó học viên sẽ được tặng phần mềm để đem ra sử dụng, nhưng sử dụng thế nào, hiệu quả đến đâu lại tùy vào mỗi người.

Theo đó, muốn chạy được, đầu tiên các thông số từ phần mềm phải được hiệu chỉnh từ TTCK Hoa Kỳ sang các thông số của TTCK Việt Nam. Kế tiếp, sau khi hiệu chỉnh thông số, phải thử nghiệm ráp số liệu trong quá khứ để phần mềm cho ra kết quả có khớp hay không. Và những bước chạy thử kiểu này cũng mất khoảng từ 3-6 tháng. Nhưng tất cả cũng chỉ là quá khứ, còn việc ứng dụng để dự báo các khả năng có thể xảy ra vẫn còn phải xem xét.

Khóa học dạy PTKT tại một CTCK. Ảnh: LONG THANH

Khóa học dạy PTKT tại một CTCK. Ảnh: LONG THANH

Cho đến nay, việc ứng dụng công nghệ trong giao dịch, phân tích chứng khoán, thường có thể gọi là định lượng hay phân tích cơ bản, tức định lượng vẫn là 2 trường phải có quan điểm “chan chát” nhau. Mỗi bên đều có lý lẽ để bảo vệ quan điểm của mình và thường cũng không có phương pháp nào tỏ ra vượt trội.

Và nói như một NĐT dày dạn kinh nghiệm, phần mềm hay phương pháp cũng phải giúp được chuyện mua thấp và… bán cao. Suy cho cùng, đầu tư là như vậy.

Các tin khác