Chờ chuyển biến hậu chất vấn

Trong các phiên chất vấn, câu hỏi của đại biểu Quốc hội được đưa ra ngắn gọn, đúng trọng tâm và những câu trả lời cũng đã bớt vòng vo, các "tư lệnh" ngành đã xác định rõ hơn trách nhiệm của mình với tư cách thành viên Chính phủ. Dù còn nhiều vấn đề chưa đi đến tận cùng, nhiều câu trả lời chưa thỏa mãn khúc mắc của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước... nhưng rõ ràng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội những ngày qua đã được dư luận đánh giá cao.
 

Gần 3 ngày chất vấn các thành viên Chính phủ tại kỳ họp thứ 8 Quốc hội khóa 13 đã trôi qua với một loạt vấn đề nóng được dư luận quan tâm, như phát triển công nghiệp hỗ trợ; chống buôn lậu và hàng giả; cải cách hành chính và bộ máy công chức, chế độ tiền lương; giá cước vận tải, phát triển hạ tầng giao thông; nợ bảo hiểm xã hội, nợ công...

Trong các phiên chất vấn, câu hỏi của đại biểu Quốc hội được đưa ra ngắn gọn, đúng trọng tâm và những câu trả lời cũng đã bớt vòng vo, các "tư lệnh" ngành đã xác định rõ hơn trách nhiệm của mình với tư cách thành viên Chính phủ. Dù còn nhiều vấn đề chưa đi đến tận cùng, nhiều câu trả lời chưa thỏa mãn khúc mắc của đại biểu Quốc hội cũng như cử tri cả nước... nhưng rõ ràng phiên chất vấn và trả lời chất vấn tại Quốc hội những ngày qua đã được dư luận đánh giá cao.

 Hài lòng với kết quả của các phiên chất vấn, nhưng người dân cũng như các đại biểu Quốc hội đặt kỳ vọng nhiều hơn vào những chuyển biến hậu chất vấn.  Khi gút lại các phiên chất vấn, Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Sinh Hùng luôn nhắc nhở các bộ trưởng phải nói đi đôi với làm, yêu cầu bộ trưởng đã cam kết phải làm cho tốt... Đó cũng là mong muốn lớn nhất của cử tri. Bởi vấn đề cử tri quan tâm không dừng lại ở những tranh luận nghị trường, mà là việc các vị bộ trưởng xử lý những vấn đề bức xúc đang đặt ra trong cuộc sống như thế nào.

Một nét mới trong chương trình chất vấn lần này là sau khi Chính phủ báo cáo Quốc hội về việc thực hiện các nghị quyết về trả lời chất vấn tại các kỳ họp trước, Quốc hội đã có một phiên thảo luận về vấn đề này. Ghi nhận những nỗ lực điều hành của Chính phủ trong thời gian qua, nhưng nhiều đại biểu Quốc hội cũng bày tỏ bức xúc với sự chậm trễ trong thực hiện lời hứa trước Quốc hội, trước cử tri của Chính phủ, của các thành viên Chính phủ.

Tại các kỳ họp trước, đã có rất nhiều vấn đề từng làm nóng nghị trường, như việc xử lý các doanh nghiệp vi phạm nợ đọng bảo hiểm xã hội, việc điều chỉnh mức lương tối thiểu để bảo đảm nhu cầu tối thiểu của người lao động, tình trạng buôn lậu như "con voi chui qua lỗ kim", hay người nông dân mua phải thuốc trừ sâu, phân bón giả... Thậm chí, có nhiều vấn đề qua nhiều nhiệm kỳ nhưng vẫn nan giải như thực phẩm bẩn tràn lan thị trường, sự xuống cấp về y đức trong một bộ phận không nhỏ cán bộ, nhân viên y tế, vấn nạn sáng cắp ô đi, tối cắp ô về, hay tai nạn giao thông...

Trả lời chất vấn, nhiều thành viên Chính phủ đã đưa ra các cam kết xử lý mạnh mẽ, nhưng những điểm nóng này dường như vẫn chưa có chuyển biến đáng kể và trở thành "món nợ đọng" với cử tri cả nước. Tới kỳ họp lần này, không ít vấn đề trong đó lại trở thành tâm điểm chất vấn của đại biểu Quốc hội.

Chất vấn và trả lời chất vấn là một trong những hoạt động quan trọng để Quốc hội thực hiện chức năng giám sát tối cao của mình. Chất vấn nghị trường không phải là chuyện hỏi cho biết thông tin hay trả lời để giải đáp thắc mắc. Thông qua chất vấn để làm rõ hơn trách nhiệm của người đứng đầu ngành, lĩnh vực mà mình quản lý, làm cho vấn đề đưa ra chất vấn được giải quyết nhanh hơn, tốt hơn, đáp ứng nguyện vọng của Nhân dân. Do vậy, giải pháp chính là yếu tố quan trọng nhất sau mỗi nội dung chất vấn.

Có đại biểu Quốc hội từng nhận định nếu chất vấn là quá trình “nhận ra, nhận thấy, nhận thức, nhận biết”, hậu chất vấn phải là “hành động và chuyển động”. Mỗi vị bộ trưởng, tư lệnh ngành khi trả lời chất vấn trước Quốc hội cần quán triệt được tinh thần này để các cam kết, lời hứa thực sự có sức nặng.

Tại một số kỳ họp gần đây, khi kết thúc kỳ họp Quốc hội thường có thêm nghị quyết về chất vấn và trả lời chất vấn. Tuy nhiên, dường như sự ràng buộc trách nhiệm của các tư lệnh ngành chưa thực sự có hiệu quả nên mới dẫn tới tình trạng nợ đọng lời hứa với Quốc hội và cử tri. Vì thế, đây là vấn đề cần sớm được xử lý đi kèm với tăng cường giám sát hậu chất vấn.

Có vậy, những vấn đề đã được đặt ra, những lời hứa trên diễn đàn Quốc hội mới thực sự có "hành động và chuyển động" trong đời sống xã hội. Vị tư lệnh ngành nào nhận khuyết điểm trước Quốc hội mà không sửa chữa, hứa trước cử tri mà không làm, Quốc hội phải xem xét trách nhiệm để xử lý. Nếu để xảy ra tình trạng nhận trách nhiệm cho có, hứa cho xong, việc chất vấn sẽ không còn bao nhiêu giá trị. Lúc đó, trách nhiệm sẽ thuộc về Quốc hội.

Các tin khác