Lo ngại “cháy” ngân sách vì dầu

Vẫn còn quá sớm để nói thu ngân sách từ dầu thô năm 2015 có đạt dự toán hay không, nhưng việc giá mặt hàng này liên tục giảm từ tháng 8 đến nay đã làm dấy lên nỗi lo về “hầu bao” ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi giá dầu thô đã giảm đến hơn 20% so với dự toán của Quốc hội đặt ra cho ngân sách 2015, đồng nghĩa là khoản hụt thu khá lớn nếu kịch bản giá này tiếp tục kéo dài.

Vẫn còn quá sớm để nói thu ngân sách từ dầu thô năm 2015 có đạt dự toán hay không, nhưng việc giá mặt hàng này liên tục giảm từ tháng 8 đến nay đã làm dấy lên nỗi lo về “hầu bao” ngân sách sẽ bị ảnh hưởng. Đặc biệt, khi giá dầu thô đã giảm đến hơn 20% so với dự toán của Quốc hội đặt ra cho ngân sách 2015, đồng nghĩa là khoản hụt thu khá lớn nếu kịch bản giá này tiếp tục kéo dài.

Vẫn tin giá dầu tăng trở lại!

Ông Phùng Quốc Hiển, Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách của Quốc hội, thừa nhận việc tính toán thu từ dầu thô xuất khẩu với giá 100USD/thùng là mức dự toán tích cực, nhưng trong bối cảnh giá dầu thô trên thị trường thế giới từ tháng 8 trở lại đây giảm liên tục cũng sẽ là điều đáng lo.

Cũng dễ hiểu, năm 2014, dự toán thu ngân sách từ dâu thô 85.200 tỷ đồng (tương đương hơn 10% so với dự toán tổng thu cân đối ngân sách là 782.700 tỷ đồng), được tính toán trên cơ sở giá dầu 98USD/thùng. Ngay cả ước đến hết năm 2014, số thu từ dầu thô có thể tăng 21.800 tỷ đồng.

Bởi theo ước tính của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam - PVN, giá dầu trung bình 9 tháng năm 2014 là 111USD/thùng. Như vậy, tổng thu từ dầu thô năm nay khoảng 107.000 tỷ đồng, chiếm hơn 13,6% so với dự toán và 12,6% so với ước thực hiện thu ngân sách (846.400 tỷ đồng).

Để đối phó với giá dầu giảm, Bộ Công Thương sẽ tính toán yêu cầu PVN tăng dự trữ dầu thô khi giá xuống thấp và thời điểm giá cao hơn sẽ xuất. Bên cạnh đó, căn cứ cung cầu và giá dầu thế giới, Bộ Công Thương tham mưu cho Chính phủ, Quốc hội kịch bản ứng phó với diễn biến xấu xảy ra để có thể đảm bảo khai thác dầu với hiệu quả cao nhất. Các kịch bản được đặt ra gồm: giá dầu có thể tiếp tục giảm, giảm một thời gian rồi tăng dần lên, hay có thể tăng đột biến.

Ông Vũ Huy Hoàng,
Bộ trưởng Bộ Công Thương

Thực tế nhiều năm gần đây, số thu từ dầu thô thường cao hơn so với con số lập dự toán, nhiều chuyên gia và đại biểu Quốc hội đã từng kiến nghị Chính phủ cần lập dự toán thu ngân sách sát hơn, trong đó có giá dầu để Quốc hội có thể chủ động hơn trong phê duyệt thu, chi ngân sách.

Tính toán năm 2014 số vượt thu từ dầu thô chiếm khoảng 1/3 tổng số vượt thu ngân sách (63.700 tỷ đồng), vì thế giá dầu giảm sẽ gây ảnh hưởng lập tức đến thu ngân sách. Kèm theo đó, nhiều khoản thuế, phí, lệ phí khác liên quan đến xăng dầu cũng giảm theo.

Trong khi đó, năm 2015, dự toán thu từ dầu thô 93.000 tỷ đồng (hơn 10% trong tổng thu cân đối năm 2015 nhưng giảm khoảng 13% so với thực hiện năm 2014). Việc tính toán này dựa trên cơ sở sản lượng khai thác 14,7 triệu tấn.

Dù nhìn nhận giá dầu thô trên 70USD/thùng sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến việc xây dựng dự toán ngân sách 2015, nhưng ông Phùng Quốc Hiển cũng bảo vệ quan điểm giữ dự toán thu từ dầu thô 100USD/thùng, vì "qua theo dõi  hàng năm phần lớn giá dầu đều trên 100USD/thùng".

Việc giá dầu liên tục giảm cũng khiến cho dự báo mặt hàng này trở nên khó lường hơn. Bởi lẽ, với diễn biến phức tạp của tình hình thế giới như khủng hoảng chính trị ở Ukraine, sự cấm vận của phương Tây với Nga, cuộc chiến chống Nhà nước Hồi giáo IS tự xưng ở Iraq, Syria... giá xăng dầu sẽ tăng.

Mặt khác, theo Bộ Tài chính, qua theo dõi diễn biến giá xăng dầu thế giới qua các năm, thông lệ quý IV giá xăng dầu thế giới thường biến động theo xu hướng tăng do các quốc gia châu Âu bước vào mùa lạnh, nhu cầu sử dụng năng lượng để sưởi ấm tăng.

Mối lo ngân sách

Hiện nay, nhiều dự báo của các tổ chức tài chính uy tín trên thế giới đều cho rằng giá dầu thô năm 2015 chỉ xoay quanh 85-90USD/thùng. Do vậy, rủi ro về giảm giá dầu tác động đến giảm thu dầu thô so với dự toán khá lớn (khoảng 10.000-14.500 tỷ đồng).

Theo nhận định của Công ty Chứng khoán Bản Việt, nếu sản lượng dầu thô khai thác trong năm 2015 tương đương sản lượng 2014 và giá dầu thấp hơn dự toán 10USD/thùng, ngân sách cũng ước giảm trên 8.000 tỷ đồng, tương đương 400 triệu USD.

Để hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn, điều quan trọng là Bộ Tài chính cần thực hiện đúng lộ trình ấn định cải cách thủ tục hành chính thuế, hải quan phải giảm về mức trung bình của ASEAN-6, rút ngắn thời gian nộp thuế; cắt giảm thủ tục hành chính không phù hợp, gây khó khăn cho doanh nghiệp...

Ông Vũ Tiến Lộc,
Chủ tịch VCCI

Cũng vì giá dầu giảm, mới đây UBND tỉnh Quảng Ngãi đã có văn bản đề xuất Bộ Tài chính nghiên cứu điều chỉnh tăng thuế suất thuế nhập khẩu đối với nhập khẩu xăng, dầu (hiện là 18% đối với xăng, 14% đối với dầu diezel), từ đó sẽ tăng nguồn thu điều tiết từ Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, đảm bảo dự toán thu được giao.

Theo lãnh đạo địa phương này, Bộ Tài chính giao nguồn thu năm 2015 cho Dung Quất 28.600 tỷ đồng (vượt 2.000 tỷ đồng so với dự tính ban đầu) là khó thực hiện, vì nhà máy phải hoạt động đến 112% công suất thiết kế và đạt sản lượng hơn 6,6 triệu tấn.

Như vậy với một nước có nguồn thu phụ thuộc khá lớn vào xuất - nhập khẩu xăng dầu, việc giá dầu thô thế giới giảm sẽ gây tác động lớn đến thu nhập ở hoạt động này.

Tất nhiên, Việt Nam cũng phải nhập khẩu xăng, dầu nên khi giá giảm mạnh cũng làm giá xăng trong nước giảm liên tục. Mức giảm đó sẽ tác động đến giá thành các sản phẩm khác, góp phần làm lợi doanh nghiệp, người dân, từ đó hạ giá thành sản phẩm, tăng tiêu dùng.

Tuy nhiên, có ý kiến cho rằng, "trước mắt chưa thể tính toán phần nào lợi hơn, nhưng nhìn ở góc độ ngân sách, điều nhìn thấy được là nguồn thu từ dầu thô đang giảm dần".

Hoạt động thu ngân sách của Việt Nam hàng năm được dựa trên 3 nguồn chính: thu nội địa, xuất nhập khẩu và dầu thô. Trong đó dầu thô được nhìn nhận là nhân tố tạo rủi ro và xuất nhập khẩu cũng không mang đến quá nhiều triển vọng.

Theo dự kiến, dự toán cân đối xuất nhập khẩu năm 2015 khoảng 175.000 tỷ đồng, trên cơ sở số thu xuất nhập khẩu 260.000 tỷ đồng (tăng 8,8% so với ước thực hiện năm 2014) trừ đi số hoàn thuế giá trị gia tăng 85.000 tỷ đồng. Như vậy, nếu tính cả con số thu từ dầu thô và xuất nhập khẩu, tỷ lệ động viên vào ngân sách chiếm đến 38% tổng thu.

Điều đó cho thấy nguồn thu ngân sách nước ta đang phụ thuộc khá lớn vào bên ngoài. Trong khi đó, cùng với dầu thô, xuất nhập khẩu cũng phải đối mặt với những khó khăn nhất định khi các cam kết mở cửa rộng hơn, hàng rào thuế quan ngày càng giảm. Chẳng hạn, với việc 8 mặt hàng ô tô và 1 mặt hàng xe máy dự kiến phải cắt giảm thuế năm 2015 theo cam kết WTO sẽ làm giảm thu ngân sách khoảng 11,6 tỷ đồng.

Hay theo lộ trình giảm thuế ASEAN từ ngày 1-1-2015 sẽ có 1.720 dòng thuế cắt giảm còn 0%. Số còn lại gồm 687 dòng thuế, chủ yếu những mặt hàng nhạy cảm trong thương mại giữa Việt Nam và ASEAN, gồm ô tô-xe máy, phụ tùng linh kiện ô tô-xe máy, dầu thực vật... sẽ giảm xuống 0% vào năm 2018. Chắc chắn các bước giảm thuế sẽ gây ảnh hưởng đến thu ngân sách.

Ở khía cạnh khác, dù dự báo kim ngạch xuất khẩu năm 2015 vẫn có thể đạt 163 tỷ USD, tăng 10%, nhưng trong lần trao đổi với báo chí gần đây, ông Đỗ Thắng Hải, Thứ trưởng Bộ Công Thương, thừa nhận tốc độ tăng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang có dấu hiệu giảm dần (năm 2012 tăng 31%; năm 2013 tăng 22% và năm 2014 tăng 12%).

Bên cạnh đó, sự gia tăng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI phụ thuộc chủ yếu vào các mặt hàng điện thoại di động và linh kiện cũng đang có tốc độ giảm dần (năm 2012 tăng 120,6%; năm 2013 tăng 45,3%; 10 tháng năm 2014 tăng 6% so với cùng kỳ 2013). Vì vậy, năm 2015, khả năng kim ngạch xuất khẩu của doanh nghiệp FDI không tăng nhiều như năm trước.

Hỗ trợ sản xuất để tăng thu bền vững

Từ câu chuyện của dầu thô và xuất nhập khẩu, thu cân đối ngân sách năm 2015 được dự báo không dễ dàng. Theo PGS.TS Trần Hoàng Ngân, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, trong bối cảnh trên chỉ có thu nội địa còn nhiều dư địa. Theo đó, cần có giải pháp hỗ trợ doanh nghiệp vượt qua khó khăn để từ đó có nguồn tăng thu bền vững.

Theo kế hoạch năm 2015, thu cân đối ngân sách 911.100 tỷ đồng (chưa bao gồm 10.000 tỷ đồng thu chuyển nguồn năm 2014), tăng 8,8% so với thực hiện năm 2014. Trong đó, thu nội địa 638.600 tỷ đồng, loại trừ thu tiền sử dụng đất 39.000 tỷ đồng do các yếu tố tăng, giảm bởi chính sách so với ước thực hiện 2014. Số thu này đã bao gồm từ cổ tức, lợi nhuận sau khi trích lập các quỹ tại tập đoàn, tổng công ty.

Ông Đinh Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Tài chính, thừa nhận đây là mức dự toán cao đòi hỏi phải nỗ lực cao để thực hiện. Quan điểm của Bộ Tài chính là tiếp tục tháo gỡ khó khăn, thúc đẩy sản xuất, kinh doanh cho doanh nghiệp.

Bên cạnh đó hạn chế tối đa việc ban hành các chính sách mới làm giảm thu ngân sách nhà nước, trừ trường hợp giảm thuế để thực hiện các cam kết quốc tế; miễn, giảm, gia hạn thuế trong trường hợp thật cần thiết để thu hút đầu tư nước ngoài, tháo gỡ khó khăn cho sản xuất, kinh doanh trong nước; quyết liệt chống thất thu, chống buôn lậu, gian lận thương mại, chuyển giá, giảm nợ đọng thuế; thúc đẩy cải cách, đơn giản hóa các thủ tục hành chính trong các lĩnh vực, đặc biệt thuế và hải quan để thúc đẩy phục hồi tăng trưởng.

Nhà máy lọc dầu Dung Quất khó đạt nguồn thu năm 2015 Bộ Tài chính giao. Ảnh: HÀ MINH

Nhà máy lọc dầu Dung Quất khó đạt nguồn thu năm 2015 Bộ Tài chính giao.
Ảnh: HÀ MINH

Theo PSG. Trần Hoàng Ngân, cần sớm có giải pháp đồng bộ và quyết liệt vực dậy khu vực sản xuất trong nước. Theo đó, Chính phủ cần có báo cáo chi tiết vì sao trong 4 năm qua mỗi năm hơn 50.000 doanh nghiệp phải ngừng hoạt động, giải thể và phá sản. Dù do nhiều nguyên nhân nhưng rõ ràng phải có sự hỗ trợ đồng bộ về lãi suất, vốn, thuế, đào tạo, thủ tục hành chính.

Trước mắt hỗ trợ lãi suất để doanh nghiệp vay trung, dài hạn đầu tư mua sắm máy móc, thiết bị hiện đại, tăng năng suất lao động, tạo ra sản phẩm cạnh tranh với hàng ngoại nhập trong xu thế toàn cầu hóa hiện nay, góp phần tạo nguồn thu ngân sách nhà nước ổn định và bền vững.

Các tin khác