Thây ma chủ nghĩa tư bản (K3): Biến dạng

Với cương vị Giám đốc ngân sách của cựu Tổng thống Ronald Reagan, David Stockman là kiến trúc sư của chương trình cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và là người tiên phong của lý thuyết “chảy xuôi” - một thuyết của đảng Cộng hòa cho rằng lợi nhuận của những người giàu có cuối cùng cũng chảy xuống làm lợi hơn cho những người nghèo. Tuy nhiên, chính Stockman vừa công bố phân tích chỉ trích sự biến dạng của CNTB ở Hoa Kỳ hiện nay.

Với cương vị Giám đốc ngân sách của cựu Tổng thống Ronald Reagan, David Stockman là kiến trúc sư của chương trình cắt giảm thuế lớn nhất trong lịch sử Hoa Kỳ và là người tiên phong của lý thuyết “chảy xuôi” - một thuyết của đảng Cộng hòa cho rằng lợi nhuận của những người giàu có cuối cùng cũng chảy xuống làm lợi hơn cho những người nghèo. Tuy nhiên, chính Stockman vừa công bố phân tích chỉ trích sự biến dạng của CNTB ở Hoa Kỳ hiện nay.

Những con nghiện tài chính

30 năm sau, Stockman đang ngồi trên một chiếc ghế sofa trong ngôi biệt thự khổng lồ của mình ở Greenwich, Connecticut, một khu ngoại ô giàu có của New York, nơi các ngôi sao của ngành công nghiệp quỹ đầu tư che giấu những căn biệt thự của họ sau những bức tường gạch đỏ và xe jeep của các công ty an ninh tư nhân đang đậu trên mỗi góc phố. Stockman dự định chuyển đến New York, tới một căn hộ ông đã thuê ở Manhattan.

Nhưng không rõ là ông đến đó để gần gũi hơn với các hãng phim truyền hình và các tờ báo, hay để tách biệt với cuộc sống trước kia. Đó là một cuộc sống đưa ông qua hết những phòng điều hành của chính trị Washington và ngành công nghiệp tài chính Hoa Kỳ, giúp Stockman ở một vị trí gần như tuyệt vời để có thể kể lại những lệch lạc của CNTB Hoa Kỳ trong 3 thập niên qua.

“Chúng tôi có một sòng bạc được tài chính hóa và được ngân hàng trung ương kiểm soát. Điều đó phá hoại nguyên tắc cơ bản để một nền kinh tế TBCN phát triển lành mạnh” - ông nói.

Điều trớ trêu, chính Stockman là một trong những người tạo nên sự lệch lạc đó. Năm 1980, khi được Reagan đề bạt lên làm nhà hoạch định chính sách, Stockman hoàn toàn tin tưởng vào thị trường tự do, thuế thấp và giảm vai trò của chính phủ. Nhưng Stockman cũng tin vào tài chính lành mạnh, khiến ông mâu thuẫn với đội ngũ vận động hành lang cho ngành công nghiệp tài chính và quân sự.

Khi Trưởng Văn phòng nội các của Tổng thống Reagan, ông Donald Regan, tuyên bố cụm từ “tăng thuế” là điều cấm kỵ sau cuộc bầu cử năm 1984, Stockman biết rằng ông đã thất bại. Nhưng đó không phải là một thất bại cá nhân. Đó là một chiến thắng của sự phi lý, khiến Stockman vĩnh viễn tách mình khỏi chính sách tài chính của đảng ông.

“Khái niệm con thú bị bỏ đói của đảng Cộng hòa là điều tồi tệ nhất cho sự chính trực tài chính” - Stockman nói. “Nó thậm chí còn tồi tệ hơn so với các mô hình Keynes của đảng Dân chủ”. Chính sách nợ của triều đại Reagan là sai lầm đầu tiên của cách mạng bảo thủ ở Hoa Kỳ, nhưng không phải duy nhất. Có một sai lầm khác, mà Stockman cũng tham gia trong khi ông làm việc cho ngân hàng đầu tư Salomon Brothers và sau đó là CTCP Blackstone sau khi rời khỏi Nhà Trắng.

Đó là khi việc giải phóng ngành công nghiệp tài chính trở thành một kiểu “thời trang chính trị”. Khi đó, Chủ tịch FED Alan Greenspan, đã “phát minh” ra một chính sách tiền tệ mới: Giảm lãi suất bất cứ khi nào nền kinh tế và thị trường có dấu hiệu suy yếu, đồng thời ngân hàng trung ương sẵn sàng đứng ra ứng cứu khi một tổ chức tài chính lớn gặp rắc rối.

Chính sách tiền rẻ Greenspan đã trở thành một liều thuốc độc ngọt ngào cho Phố Wall, thành phần chính trong các món cocktail nợ nguy hiểm được chế biến bởi các phù thủy ở những ngân hàng đầu tư tại London và New York.

Stockman khi đó cũng trở thành một bậc thầy trong các hoạt động mua lại bằng đòn bẩy, tức khi nhà đầu tư mua các công ty bằng tiền đi vay, tái cơ cấu hoặc đẩy giá chúng lên, để sau đó bán lại với giá hời. Các giao dịch đó giúp Stockman giàu lên nhanh chóng, nhưng cũng biến ông thành một “con nghiện”. Các dự án của ông ngày càng mạo hiểm và tháp tín dụng ông ngày một cao hơn.

Cộng hòa nợ công

Thảm họa xảy ra năm 2007, khi một trong những công ty có đòn bẩy cao của ông đã bị phá sản. Ông bị truy tố về tội gian lận. Phá sản khiến ông vừa bị tai tiếng vừa mất hàng triệu USD. Ông tin rằng những sai lầm phá hủy công ty của ông cũng đã đưa nền kinh tế Hoa Kỳ đến bờ vực thẳm: tín dụng giá rẻ, nợ quá cao và một cảm giác an toàn sai lầm, tưởng rằng rốt cuộc mọi thứ cũng sẽ đâu vào đó.

Stockman một lần nữa bị chế giễu khi từ bỏ vị trí của mình trong ngành công nghiệp tài chính để bắt đầu viết blog. Trong đó, ông chọc giận cả các nhà hoạch định chính sách ở Washington và các đầu sỏ tài chính ở Phố Wall. Ông là tác giả một phân tích gần 800 trang mang tên “Đại Biến dạng” của CNTB Hoa Kỳ.

Ông bực tức trước việc đất nước trở thành một “cộng hòa nợ công” của phương Tây. Đó là nền cộng hòa nơi từ việc học đại học cho đến các chiến dịch quân sự đều lấy từ tiền đi vay mượn. Một đất nước chưa bao giờ thoát được núi nợ khổng lồ 60.000 tỷ USD, mà ngày càng khiến nó phình to hơn; trong khi các ngân hàng được phép chuyển một phần lớn nợ xấu của họ lên người nộp thuế; chính phủ cũng ngày một nặng nợ.

Nhưng núi nợ được phơi bày vẫn nhỏ hơn thực tế vì FED duy trì mức lãi suất thấp. Trong khi đó, tiền rẻ đang khiến Hoa Kỳ lao vào một cuộc chạy đua nguy hiểm mà không ai biết điều gì sẽ diễn ra tiếp theo: bùng nổ kinh tế hay một cuộc khủng hoảng khác.

Các chuyên gia, trong đó có cựu Bộ trưởng Tài chính Robert Rubin, tin rằng những đợt sóng tăng hiện nay trên các thị trường tài chính thực tế là tiền đề cho một cuộc sụp đổ tiếp theo. Đối tượng hưởng lợi chính của làn sóng tăng trên thị trường gần đây chính là 10% những người giàu nhất, sở hữu hơn 90% tài sản tài chính ở Hoa Kỳ.

Nhưng đối với người dân bình thường, các chính sách đối phó khủng hoảng đã khiến họ nghèo đi. Sau cuộc khủng hoảng năm 2007, hàng triệu người Hoa Kỳ bị mất nhà cửa, việc làm và nay xã hội bị phân tách như trong những năm 1920. Trong khi những người giàu càng giàu hơn, các hộ gia đình bình thường bị nghèo bớt 50.000USD kể từ năm 2007.

Người biểu tình phản đối Phố Wall.

Người biểu tình phản đối Phố Wall.

Trong quá khứ, một phần của lời hứa giấc mơ Hoa Kỳ là bất cứ ai làm việc chăm chỉ đều có thể cải thiện đời sống của mình. Tuy nhiên, hiện nay chỉ những người giàu mới tán dương thành quả của CNTB Hoa Kỳ, trong khi đa số người dân đều có tâm lý hoang mang. Không ai biết những gì có thể xảy ra nếu FED tăng lãi suất trong năm tới theo kế hoạch.

Liệu áp lực tăng chi phí sẽ khiến thâm hụt ngân sách chạm mức khủng hoảng? Hay bong bóng thị trường chứng khoán sẽ vỡ tung và các định chế tài chính sẽ sụp đổ? Nền kinh tế sẽ sụp đổ? Chỉ có một điều chắc chắn: Đã 7 năm trôi qua kể từ khủng hoảng, nền kinh tế Hoa Kỳ vẫn là con nghiện của nợ và tiền giá rẻ. Tệ hơn, những chứng nghiện này không có dấu hiệu thuyên giảm.

“Hoa Kỳ không có khả năng hạ cánh mềm với các thị trường đang hoàn toàn bị bóp méo và bị vô hiệu hóa như ngày nay. Sẽ có một số đám cháy lớn. Vấn đề chỉ là khi nào” - Stockman nói.

Các tin khác