Khó hồi phục giá

Nhu cầu suy yếu, đồng USD tăng giá và ngành sản xuất dầu mỏ Hoa Kỳ tăng mạnh đã mở ra một chương mới trong lịch sử thị trường dầu mỏ: giá dầu dự báo đi xuống trong trung hạn. Đó là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Nhu cầu suy yếu, đồng USD tăng giá và ngành sản xuất dầu mỏ Hoa Kỳ tăng mạnh đã mở ra một chương mới trong lịch sử thị trường dầu mỏ: giá dầu dự báo đi xuống trong trung hạn. Đó là nhận định của Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA).

Cầu giảm, cung tăng

 

“Cân đối cung cầu cho thấy xu hướng giảm giá vẫn chưa kết thúc. Nếu không có sự gián đoạn nguồn cung mới nào, áp lực giảm giá có thể tiếp tục kéo dài tới nửa đầu năm 2015. Điều này cho thấy thị trường dầu mỏ đang bắt đầu một chương mới trong lịch sử” - IEA viết trong báo cáo mới nhất.

Giá dầu đã giảm khoảng 30% kể từ đỉnh cao lập vào tháng 6, với dầu Brent phá đáy 80USD/thùng vào đầu tháng này và ở quanh mức thấp nhất 4 năm 78USD/thùng trong phiên cuối tuần trước, trong khi nhu cầu tăng nhẹ trong quý III. Tuy nhiên IEA dự báo nhu cầu có khả năng giảm sâu vào đầu năm tới cho dù giá dầu giảm.

“Giá dầu thấp hơn, cùng với nhu cầu tăng chậm ở châu Âu và châu Á khiến chúng tôi phải xem lại tất cả dự báo đã đưa ra trước đây. Về phía cung, ngay cả khi bị gián đoạn hoặc sản xuất thu hẹp, giá chỉ tăng trở lại 80-90USD/thùng, nhưng sẽ có rất nhiều áp lực trước khi quay trở lại mức này” - Antoine Halff, tác giả của báo cáo, cho biết.

Trong quá khứ, địa chính trị thường là nhân tố đẩy giá dầu tăng nhanh. Tuy nhiên lần này những biến động tại các khu vực sản xuất dầu mỏ dường như không có tác động mà hiện tượng giá dầu giảm chủ yếu do cung tăng đều đặn cũng như việc đồng USD tăng giá. Trên thực tế, sự sụt giảm của giá dầu đi cùng với sự gia tăng của USD khoảng 3% trong 3 tháng qua.

Theo giới chuyên môn, đã có nhiều thay đổi ở các nước tiêu thụ dầu mỏ lớn nhất thế giới. Trong đó đáng chú ý là việc suy giảm kinh tế ở Trung Quốc và Ấn Độ, 2 trong số những nước đang dẫn đầu tiêu thụ nhiên liệu lỏng toàn cầu.

Điều này kết hợp với những thay đổi dài hạn ở phương Tây như việc ứng dụng tiến bộ kỹ thuật, dẫn đến việc sử dụng nhiên liệu hiệu quả hơn nhiều, cũng như những nỗ lực đa dạng hóa nguồn năng lượng, đã khiến nhu cầu dầu mỏ giảm.

“Về phía cung, hoạt động sản xuất dầu ở Libya, khu vực Bắc Mỹ gia tăng nhanh chóng, đặc biệt trong ngành dầu cát Canada và đá phiến sét Hoa Kỳ, đã gây cú sốc lớn đến nguồn cung” - Giám đốc điều hành IEA Maria van der Hoeven phát biểu tại Hội nghị thượng đỉnh dầu thô Platts ở London hồi tháng 5.

Theo đó, tổng lượng dầu thô truyền thống của thế giới khoảng 3.012 tỷ thùng và dầu đá phiến 345 tỷ thùng, trong đó dầu khí đá phiến của Hoa Kỳ chiếm 1/4 trữ lượng toàn thế giới. Giai đoạn 2005-2013, sản lượng khai thác dầu khí đá phiến ở Hoa Kỳ tăng từ 5% lên 35% tổng lượng dầu khí khai thác ở nước này sau khi hoàn thiện công nghệ khai thác dầu khí đá phiến trong đầu thập niên 2000.

Nếu tính tổng sản lượng dầu thô quy đổi, Hoa Kỳ đã đạt mức 11,5 triệu thùng/ngày, vượt qua cả Nga và Ả rập Saudi lên hàng đầu thế giới vào tháng 7-2014.

Trong dự báo ngắn hạn công bố hôm 12-11, Cơ quan Thông tin năng lượng Hoa Kỳ (EIA) cho biết sản lượng tại Hoa Kỳ đạt 8,9 triệu thùng/ngày trong tháng 10, sẽ tăng lên mức 9 triệu thùng/ngày vào tháng 12 tới, đạt bình quân 8,57 triệu thùng/ngày trong năm nay.

Trong năm 2015, EIA dự báo sản lượng bình quân 9,5 triệu thùng/ngày, mức cao nhất kể từ năm 1972. Trong khi đó, nhu cầu tiêu thụ ở Hoa Kỳ sẽ giảm còn 18,91 triệu thùng/ngày trong năm nay và 19,07 triệu thùng/ngày vào năm tới. EIA cũng giảm dự báo tiêu thụ dầu mỏ toàn cầu xuống còn 91,38 triệu thùng/ngày trong năm nay và 92,5 triệu thùng/ngày vào năm tới.

OPEC sẽ làm gì?

Giá dầu thô bình quân khoảng 95USD/thùng trong năm nay và 77,75USD/thùng vào năm tới. Đối với dầu Brent, mức giá bình quân 101,04USD/thùng trong năm 2014 và 83,42USD/thùng năm 2015.

Dự báo của EIA

Cho đến nay, đa số nhà chuyên môn đều đồng tình với dự báo của IEA, tức giá dầu sẽ khó hồi phục trong trung hạn. Thậm chí, Ngân hàng Goldman Sachs còn dự báo giá dầu WTI sẽ ở mức 70USD/thùng trong năm 2015. Sự sụt giảm đáng kể của giá dầu làm gia tăng nghi ngờ liệu các thành viên Tổ chức Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) có đưa ra quyết định cắt giảm sản lượng trong cuộc họp thượng đỉnh vào ngày 27-11 tới?

Theo ước tính, nếu giá dầu ở mức 80USD/thùng, các nước OPEC sẽ hụt 200 tỷ USD trong 1.000 tỷ USD doanh thu từ dầu thô. IEA ước tính OPEC có thể cắt giảm 1,3 triệu thùng/ngày trên sản lượng bình quân dự báo 28,8 triệu thùng/ngày vào quý I-2015.

Nhưng với một số nhà sản xuất chính trong OPEC, bao gồm Iraq, Iran, Libya, Nigeria và Venezuela, sẽ phải đối mặt với tình trạng hỗn loạn trong nước cả về chính trị lẫn kinh tế. Nhiều nhà quan sát đã đặt câu hỏi liệu một thỏa thuận cắt giảm có thể đạt được? Các quan chức của Ả Rập Saudi, Libya, Iraq, Venezuela, Algeria và Qatar đã họp với các đối tác trong OPEC trước cuộc họp thượng đỉnh 12 nước ngày 27-11.

“Áp lực giảm sản lượng đang lớn dần trong OPEC” - IEA cho biết. Cho đến nay, các bộ trưởng dầu mỏ ở Ả rập Saudi và Kuwait từ chối cắt giảm sản lượng, trong khi Libya, Venezuela và Ecuador kêu gọi hành động mạnh mẽ hơn để giữ giá dầu không bị giảm thêm.

Với chi phí sản xuất dầu đá phiến khoảng 50-100USD mỗi thùng dầu khai thác, nếu dầu giảm giá 10USD/thùng sẽ có một số giếng dầu hoạt động không hiệu quả kinh tế. Do đó, việc đầu tư vào các giếng mới sẽ giảm và sản xuất tại một số giếng dầu thậm chí có thể bị ngưng trệ.

Tình hình này sẽ ngăn cản Hoa Kỳ gia tăng sản xuất dầu trong tương lai. IEA ngày 12-11 dự báo giá dầu sụt giảm có thể cắt giảm sản lượng dầu đá phiến của Hoa Kỳ thêm 10% trong năm 2015 và làm chậm lại tốc độ tăng trưởng trong ngành này. Nhiều người tin rằng một khi Hoa Kỳ cắt giảm sản lượng, giá dầu sẽ sớm hồi phục.

Tuy nhiên, ông Halff nói: “Chúng ta có thể sẽ thấy một số phản ứng của các nhà sản xuất trước việc giá thấp hơn. Nhưng khi giá giảm cũng có thể cắt giảm đầu tư dầu đá phiến tại Hoa Kỳ, khả năng này không nên hiểu là giảm sản xuất, bởi nó rất nhỏ so với mức tăng gần đây trong việc sản xuất dầu đá phiến”. 

Các tin khác