EIU đánh giá cao nỗ lực kiềm chế lạm phát Việt Nam

Điều này được thể hiện qua việc tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đã giảm đáng kể trong 4 tháng gần đây.
 

Theo nhận định gần đây của Bộ phận dự báo, phân tích và tư vấn rủi ro (EIU) thuộc tập đoàn The Economist (Anh), các nhà hoạch định chính sách của Việt Nam đã thành công trong nỗ lực kiềm chế giá tiêu dùng tăng đột biến.

Điều này được thể hiện qua việc tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế đã giảm đáng kể trong 4 tháng gần đây.

Dẫn đánh giá của EIU, phóng viên TTXVN tại Anh ngày 14/11 cho biết tỷ lệ lạm phát của nền kinh tế Việt Nam trong tháng Mười vừa qua là 3,2%, thấp hơn so với mức 5% của tháng Sáu.

Lạm phát giá tiêu dùng giảm đã tạo điều kiện thuận lợi để Ngân hàng Nhà nước Việt Nam điều chỉnh chính sách tiền tệ nhằm thúc đẩy tốc độ tăng trưởng của nền kinh tế.

Mặc dù chưa có kế hoạch tăng lãi suất cơ bản, nhưng vừa qua ngân hàng này đã quyết định hạ trần lãi suất huy động có kỳ hạn bằng tiền đồng Việt Nam từ 6% xuống 5,5%. Trong khi đó, trần lãi suất huy động USD đối với tiền gửi cá nhân cũng giảm từ 1% xuống 0,75%.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho biết sẽ giảm lãi suất cho vay bằng tiền đồng Việt Nam với các kỳ hạn dưới một năm từ 8% xuống còn 7%.

Những bước đi này chứng tỏ Ngân hàng Nhà nước Việt Nam đang tranh thủ tỷ lệ lạm phát giảm để khuyến khích hoạt động cho vay, từ đó hỗ trợ cho tốc độ tăng trưởng kinh tế trong bối cảnh mức cầu trên thị trường thế giới chưa ổn định.

EIU cho rằng tỷ lệ lạm phát từng là một vấn đề "nóng" đặt ra đối với nền kinh tế Việt Nam.

Tuy nhiên, kể từ khi đặt trọng tâm vào mục tiêu bình ổn giá, các nhà hoạch định chính sách Việt Nam đã giúp tăng cường niềm tin trong nền kinh tế.

Theo EIU, nếu tính trung bình, tỷ lệ lạm phát trong 10 tháng đầu năm 2014 của nền kinh tế Việt Nam là khoảng 4,5%.

Như vậy, tỷ lệ lạm phát vẫn thấp hơn nhiều so với mục tiêu 7% được đề ra trước đó cho cả năm 2014. Thực tế này sẽ tạo thêm điều kiện thuận lợi để điều chỉnh chính sách tiền tệ.

Các tin khác