Thị trường bán lẻ: DN ngoại thống trị

Kể từ ngày 11-1-2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại đẩy mạnh độ phủ của mình và dần khẳng định vai trò thống trị tại thị trường Việt Nam.

Kể từ ngày 11-1-2015, Việt Nam sẽ mở cửa hoàn toàn cho các công ty bán lẻ 100% vốn đầu tư nước ngoài vào Việt Nam theo các cam kết của Việt Nam khi gia nhập WTO. Đây là cơ hội để doanh nghiệp (DN) bán lẻ ngoại đẩy mạnh độ phủ của mình và dần khẳng định vai trò thống trị tại thị trường Việt Nam.

Những “cá mập” đáng gờm

Năm 2009, thời điểm Việt Nam gia nhập WTO được hơn 1 năm, nhiều lãnh đạo của Bộ Công Thương, hiệp hội bán lẻ cũng như DN hoạt động trong ngành bán lẻ còn khá lạc quan khi cho rằng thị trường này vẫn nằm trong sự kiểm soát của DN nội. Lý lẽ cho sự lạc quan này từ nhận định các nhà bán lẻ ngoại đến Việt Nam thường gặp khó khăn trong việc tìm địa điểm đạt chuẩn theo yêu cầu của họ với mức giá chấp nhận được.

Bởi các đại gia bán lẻ quốc tế thường thâm nhập phân khúc các đại siêu thị với diện tích phải trên 10.000m2, có thể chứa trên 25.000 sản phẩm. Trong khi những địa điểm này ở Việt Nam khó kiếm và giá thuê rất đắt so với mặt bằng chung của khu vực.

Bên cạnh đó, những quy định về kiểm tra nhu cầu kinh tế (ENT) cũng phần nào kìm chân nhà đầu tư nước ngoài mở rộng hoạt động tại thị trường bán lẻ Việt Nam. Tuy nhiên, những nhận định này đã trở nên sai lầm khi chỉ hơn 1 năm sau, các đại gia bán lẻ quốc tế bằng nhiều con đường đã xuất hiện ở Việt Nam một cách rầm rộ, đặc biệt tại Hà Nội và TPHCM.

Nghiên cứu, đề xuất hỗ trợ từ Chính phủ những chính sách mà không vi phạm cam kết WTO, như hỗ trợ đào tạo năng lực quản lý và kỹ năng bán hàng; hỗ trợ xây dựng thương hiệu, ứng dụng các phương pháp quản lý hiện đại, thông tin thị trường… Bên cạnh đó, thông qua hình thức thuê, mượn, trả dần tiền thuê, tạo điều kiện thuận lợi cho DN trong nước tiếp cận các mặt bằng kinh doanh có vị trí thuận lợi, quy mô phù hợp với từng loại hình phân phối.

Ông Vũ Huy Hoàng,
Bộ trưởng Bộ Công Thương 

Hiện nay, thị trường bán lẻ nước ta bị bủa vây bởi nhiều cái tên lớn trong khu vực Đông Nam Á như Thái Lan, Malaysia, Singapore hay của châu Á như Hàn Quốc, Nhật Bản, cũng như một số nước khác mà tiêu biểu là Big C của Pháp, Metro của Đức. Trong đó người hàng xóm Thái Lan đánh giá Việt Nam là “đại dương xanh”. Bằng chứng là thương vụ đình đám mua lại Metro Việt Nam để thể hiện sự tăng tốc của Tập đoàn BJC nhằm hoàn thiện chuỗi sản xuất, phân phối, bán lẻ và sỉ tại thị trường Việt Nam.

Với tiềm lực tài chính mạnh, BJC đã dần lộ diện thông qua các cuộc mua bán - sáp nhập. Năm 2013 BJC đã mua lại chuỗi cửa hàng tiện lợi Family Mart và đổi tên thành B’mart cùng với tuyên bố chuỗi này sẽ bán 70% hàng của Thái Lan. Trước đó vào năm 2010, tập đoàn này cũng đã đầu tư vào Công ty Thái Corp International (TCI) và hiện đang nắm tỷ lệ sở hữu trên 75%.

TCI là công ty chuyên về phân phối có các cơ sở giao dịch khách hàng tại các tỉnh, thành với hơn 1.000 đại lý của hơn 50.000 cửa hàng bán lẻ tại Việt Nam. BJC cũng nắm cổ phần chi phối tại Công ty An Thái - nhà sản xuất, phân phối xuất nhập khẩu các sản phẩm tiêu dùng tại miền Nam. Một cái tên khác của Thái Lan là Central Group.

Chỉ vài tháng sau khi khai trương trung tâm Robins tại Royal City Hà Nội, Central đã được cấp giấy phép để đưa vào hoạt động trung tâm mua sắm Robins tại Crescent Mall, TPHCM.

Một láng giềng khác là Singapore cũng đang dần hiện diện rõ nét tại thị trường Việt Nam. Đầu tháng 7 vừa qua, Tập đoàn Mapletree có trụ sở ở Singapore đã ký kết với Saigon Coop để chuẩn bị khai trương Trung tâm mua sắm SC Vivo City ở TPHCM.

Đây là một trong những trung tâm mua sắm lớn của Việt Nam khi sở hữu đến 62.000m2 mặt bằng bán lẻ. Trong khi đó, Hàn Quốc với Lotte đã trở nên quen thuộc với người tiêu dùng Việt Nam. Đến nay Lotte đã có 8 trung tâm thương mại tại TPHCM, Đồng Nai, Bình Dương, Bình Thuận, Đà Nẵng, Hà Nội.

Hoặc “cá mập” bán lẻ Aeon của Nhật Bản thâm nhập thị trường bán lẻ Việt Nam từ cuối năm 2011 bằng việc triển khai cửa hàng tiện ích Ministop qua hình thức nhượng quyền thương hiệu với sự kết hợp của Tập đoàn Trung Nguyên. Đến tháng 1-2014, Aeon mở trung tâm mua sắm đầu tiên tại TPHCM với số vốn đầu tư 100 triệu USD. Hiện AEON đã khai trương trung tâm mua sắm thứ 2 tại Bình Dương. Chiến lược kinh doanh của tập đoàn này là bám lấy tâm lý thích dùng hàng Nhật của người Việt Nam.

Bùng nổ trong tương lai gần

Nằm trong khu vực ASEAN được đánh giá năng động, lại đang ở thời kỳ dân số vàng với khoảng 42% dân số dưới độ tuổi 25, thị trường bán lẻ Việt Nam được dự báo đạt doanh thu 100 tỷ USD vào năm 2016. Nghiên cứu khách hàng của Hãng tư vấn Boston Consulting Group (BCG) công bố năm 2013 cho thấy người tiêu dùng Việt Nam lạc quan nhất trong 25 quốc gia mà hãng này khảo sát ở khu vực châu Á - Thái Bình Dương, với khoảng 80% tầng lớp trung lưu có thói quen mua sắm ở các siêu thị hoặc đại siêu thị.

Việt Nam cũng là quốc gia có tốc độ tăng nhanh nhất về số lượng tầng lớp trung lưu, từ 12 triệu người năm 2012 lên 33 triệu người năm 2020. Báo cáo gần đây nhất của CBRE cũng xếp thị trường bán lẻ Việt Nam đứng thứ 2 trong số 10 thị trường bán lẻ hấp dẫn nhất châu Á năm 2014.

Theo CBRE, các thành phố lớn của Việt Nam như Hà Nội, Đà Nẵng và TPHCM đều nằm trong top 10 thành phố có thị trường bán lẻ sôi động nhất khu vực châu Á - Thái Bình Dương, đặc biệt Hà Nội nằm trong top 3, chỉ sau Bắc Kinh và Thượng Hải. Cũng theo khảo sát của CBRE, Hà Nội và TPHCM là 2 trong số 10 thành phố có nhiều thương hiệu nước ngoài thâm nhập nhất trong vòng 2 năm qua.

Các tập đoàn bán lẻ “cá mập” thâm nhập thị trường Việt Nam là một xu thế đang diễn ra và không thể ngăn cản, bởi Việt Nam đã hội nhập, mở cửa. Nhìn từ phía DN Việt, chắc chắn sự xuất hiện của những đối thủ đáng gờm này có thể gây ảnh hưởng rất lớn đến hoạt động kinh doanh, đặc biệt trong bối cảnh hiện nay khi kinh tế khó khăn, thị trường bất động sản đang đình trệ.

TS. Nguyễn Ngọc Hòa,
chuyên gia kinh tế

Chính sức hấp dẫn này của Việt Nam đã khiến các đại gia bán lẻ ngoại liên tiếp đặt những kế hoạch phát triển dài hơi. Chẳng hạn, Lotte đặt mục tiêu mở 50 trung tâm thương mại vào năm 2018 và nâng con số này lên 60 vào năm 2020. Tương tự Aeon cũng có kế hoạch năm 2015 sẽ khai trương trung tâm bán lẻ tại Hà Nội và dự kiến đến năm 2020 sẽ có 20 trung tâm thương mại tại Việt Nam.

Từ nay đến cuối năm, AEON sẽ thực hiện kế hoạch liên kết với 2 đơn vị bán lẻ của Việt Nam là Citimart và Favimart. Bên cạnh chuỗi Robins, Tập đoàn Central đã đưa vào Việt Nam hệ thống bán lẻ Anh Marks & Spencer thông qua việc mua nhượng quyền từ công ty Anh quốc. Cửa hàng này đã khai trương tại TPHCM hồi tháng 9 vừa qua.

Dự kiến đến năm 2020 sẽ có khoảng 20 cửa hàng Marks & Spencer được mở ở Việt Nam. Ngoài ra, từ năm 2015 thị trường bán lẻ Việt Nam có thể chào đón thêm nhiều cái tên mới như Wall-Mart, cùng nhiều kế hoạch của các nhà bán lẻ khu vực và thế giới đang ấp ủ mang vào thị trường Việt Nam.

Lép vế DN nội

Trước làn sóng đầu tư ồ ạt của DN ngoại, các nhà bán lẻ nội đang có những toan tính cho riêng mình trong một thị trường mà sức ép cạnh tranh ngày càng lớn. Song thực tế, dù rất nỗ lực nhưng DN nội vẫn bị lép vế. Những điểm yếu cố hữu của DN nội chính là tài chính, công nghệ cũng như năng lực, kinh nghiệm quản trị.

TS. Nguyễn Đình Cung, Viện trưởng Viện Nghiên cứu và quản lý kinh tế Trung ương, trong lần chia sẻ tại hội thảo gần đây về thị trường bán lẻ tại TPHCM đã băn khoăn: “Vì sao DN nước ngoài tận dụng được còn Việt Nam thì không? Đó là DN Việt đang vật lộn với hàng loạt thể chế, quy định… Điều này đã kìm hãm năng lực sáng tạo của DN. Vì thế, điều quan trọng cần phải làm trong ngành bán lẻ là xem những quy định, rủi ro, rắc rối đang cản trở nằm ở đâu, để có giải pháp tháo gỡ ngay”.

Cũng trăn trở vấn đề này, ông Phan Thế Ruệ, nguyên Chủ tịch Hiệp hội bán lẻ Việt Nam, chia sẻ DN bây giờ không mong Nhà nước hỗ trợ những gì lớn lao, mà chủ yếu làm thế nào để môi trường kinh doanh thông thoáng, bình đẳng giữa DN trong nước và DN nước ngoài. Nhất là cơ sở hạ tầng và các thủ tục hành chính liên quan đến kinh doanh, cần được minh bạch hóa, luật pháp hóa.

Theo đó, không dùng những quyết định hành chính ở những địa bàn để thay thế cho quy định về bán lẻ. Một chuyên gia kinh tế cũng từng tỏ ra băn khoăn xung quanh câu chuyện các DN nội mở hệ thống phân phối ở các địa phương. Vị này cho biết khi đi về nhiều địa phương thấy ưu tiên số một là chờ DN ngoại, trong khi những nhà phân phối lớn trong nước như Saigon Coop hay Phú Thái… rất khó khăn trong việc tìm kiếm địa điểm thuận lợi cho hệ thống phân phối của mình.

Thương hiệu Big C đang mở rộng thị phần ở các thành phố lớn trong nước.

Thương hiệu Big C đang mở rộng thị phần ở các thành phố lớn trong nước.

Nói như thế để thấy rằng, song hành với những nỗ lực của chính DN nội, sự trợ lực của các cơ quan chính quyền từ Trung ương đến địa phương cũng hết sức quan trọng, góp phần chung sức với DN trong cuộc chiến với nhiều “cá mập” ngoại.

Hội nhập sẽ mở ra nhiều cơ hội kinh doanh nhưng nếu không khéo cơ hội sẽ chỉ dành cho nhà đầu tư nước ngoài. Miếng ngon của thị trường bán lẻ Việt Nam liệu sẽ còn bao nhiêu cho DN nội thật khó để đưa ra câu trả lời trong bối cảnh hiện nay. 

Các tin khác