Tiếp tục lỗi hẹn tăng vốn

Đầu năm 2014, hàng loạt NHTM đã trình phương án tăng vốn điều lệ và được cổ đông thông qua, nhưng đến thời điểm này nhiều NH không hoàn thành được mục tiêu này. Song đây cũng không phải lần đầu các NH lỗi hẹn kế hoạch tăng vốn.

Đầu năm 2014, hàng loạt NHTM đã trình phương án tăng vốn điều lệ và được cổ đông thông qua, nhưng đến thời điểm này nhiều NH không hoàn thành được mục tiêu này. Song đây cũng không phải lần đầu các NH lỗi hẹn kế hoạch tăng vốn.

Áp lực phải tăng vốn

Để bảo đảm an toàn hoạt động của hệ thống, tính đến nay NHNN đã 3 lần điều chỉnh mức vốn điều lệ tối thiểu của các hệ thống NHTM, theo đó yêu cầu phải đáp ứng được mức vốn điều lệ 3.000 tỷ đồng vào cuối năm 2010.

Tuy vậy, sau khi các NH đáp ứng được tiêu chí này, các tổ chức xếp hạng quốc tế vẫn cho rằng các NHTM Việt Nam vẫn đang đối mặt với nhiều thách thức có thể ảnh hưởng đến mức tín nhiệm như lợi nhuận thấp, chất lượng tài sản chưa cao, năng lực vốn chưa mạnh…

Vì vậy, NHNN đã tiếp tục nghiên cứu dự thảo Nghị định mức vốn pháp định cho các TCTD, với dự kiến năm 2015 NHTM sẽ phải nâng vốn điều lệ lên 10.000 tỷ đồng. Nghị định này chưa kịp ban hành thì nền kinh tế rơi vào tình trạng khó khăn kéo dài ảnh hưởng lớn đến hoạt động của ngành NH nên đến nay vẫn chưa được nhắc đến.

Với kế hoạch tái cơ cấu, hệ thống NHTM sẽ thu gọn, NH nào đủ sức khỏe mới có thể tiếp tục tồn tại. Vì vậy, kế hoạch tăng vốn điều lệ để đảm bảo sức cạnh tranh trong thời gian tới không chỉ gói gọn ở các NH nhỏ, mà ở tất cả các NH để có được nền tảng vững chắc hơn trong cuộc đua khốc liệt tới đây.

Ông Nguyễn Văn Bình,
Thống đốc NHNN

Dù vậy, những năm qua các NHTM cũng đã chủ động lên kế hoạch tăng vốn dần trong từng năm để tránh áp lực lớn nếu như quy định này được NHNN áp dụng trong những năm tới. Thống kê được NHNN đưa ra hồi tháng 7-2014 cho biết, toàn hệ thống có 12 NH có vốn điều lệ dưới 4.000 tỷ đồng, trong đó có 6 NH (NamABank, VietBank, BaoVietBank, PGBank, KienLongBank, Vietcapital Bank) chỉ mới đáp ứng được yêu cầu vốn tối thiểu 3.000 tỷ đồng. Nếu phải tăng vốn lên 10.000 tỷ đồng sẽ là một sức ép không nhỏ với các NH, vì vậy chuẩn bị từng bước là rất cần thiết.

Ở top NH tầm trung, tính đến ngày 30-9-2013, dù vốn điều lệ của SCB (NH hợp nhất) đã đạt 12.295 tỷ đồng, nằm trong nhóm 7 NHTMCP lớn nhất Việt Nam, nhưng 2014 SCB vẫn tiếp tục đặt mục tiêu tăng vốn điều lệ 2.000 tỷ đồng để cải thiện thanh khoản, củng cố năng lực tài chính, bổ sung nguồn vốn kinh doanh, duy trì nợ quá hạn và nợ xấu ở ngưỡng an toàn.

Song song đó, áp dụng chuẩn mực Basel II NH không chỉ đáp ứng tỷ lệ an toàn vốn cao hơn mà còn phải đáp ứng nhiều tiêu chí như mức độ đủ vốn, quản lý rủi ro, nên áp lực tăng vốn rất lớn.

Trong mùa đại hội cổ đông năm 2014, các NHTM đã trình phương án tăng vốn điều lệ với tổng mức vốn dự kiến tăng vào khoảng 12.600 tỷ đồng, trong đó OCB, NamABank, SaigonBank trình kế hoạch tăng vốn lên 4.000 tỷ đồng;  BaoVietBank muốn tăng vốn từ 3.000 tỷ lên 5.200 tỷ đồng; DongA Bank đề ra mục tiêu tăng vốn từ 5.000 tỷ lên 6.000 tỷ đồng; VPBank muốn tăng vốn lên 7.325 tỷ đồng; SHB thông qua việc nâng vốn điều lệ lên 11.082 tỷ đồng…

Nhưng khó hoàn thành

Hồi đầu năm các NH tỏ ra rất quyết tâm khi đề ra mục tiêu này, nhưng cho đến thời điểm còn chưa đến 2 tháng nữa kết thúc năm 2014 vẫn chưa có NH nào thông báo về tiến độ, kết quả thực hiện tăng vốn điều lệ theo kế hoạch. Thực chất điều này cũng không nằm ngoài dự kiến của các cổ đông NH, bởi đây không phải là lần đầu tiên NH nói tăng vốn nhưng không hoàn thành đúng thời hạn.

Trong đợt tăng vốn tối thiểu lên 3.000 tỷ đồng theo Nghị định 141/2006/NĐ-CP, có đến 15 NH không hoàn thành đúng thời hạn 31-12-2010, nên sau đó Nghị định 10/2011/NĐ-CP được ban hành để dời thời hạn hoàn thành tăng vốn điều lệ 31-12-2011. Năm 2013, hàng loạt phương án tăng vốn điều lệ của NH đã được thông qua cổ đông nhưng không hoàn thành được.

Tại NamABank, năm 2013, tờ trình tăng vốn điều lệ lên 3.700 tỷ đồng lên NHNN sau đó rút lại. Lãnh đạo NamABank cho biết sau khi cân nhắc thời điểm năm 2014 mới phải tăng vốn để phù hợp với quá trình tái cơ cấu, phát triển mạng lưới, nâng cao mạng lưới… và dự kiến sẽ thực hiện trong quý III năm nay. Nhưng mới đây, theo Nghị quyết cuộc họp của đại hội cổ đông bất thường vào đầu tháng 9, NamABank thay đổi kế hoạch, sẽ chào bán toàn bộ 100 triệu cổ phiếu cho cổ đông hiện hữu bằng mệnh giá theo tỷ lệ 10:3,33 vào quý IV.

Hay như OCB, không tăng vốn được trong năm 2013 nên trong tờ trình tăng vốn năm 2014 có đưa ra lịch trình cụ thể hơn. Theo đó, giai đoạn 1 phát hành từ quỹ dự trữ bổ sung vốn điều lệ và lợi nhuận chưa phân phối các năm để phân phối theo tỷ lệ 10%/số cổ phiếu mà cổ đông sở hữu, giai đoạn 2 phát hành riêng lẻ cho đối tượng chọn lọc.

Nhưng đến nay NH này vẫn chưa có thông báo mới về vấn đề này. Nhiều NH khác cũng đưa ra kế hoạch khá nhiều nhưng đến nay vẫn cho biết đang trong quá trình thực hiện và chưa có kết quả cụ thể.

DongA Bank đã từng phát hành cổ phiếu tăng vốn nhưng không thành công. Ảnh: LONG THANH

DongA Bank đã từng phát hành cổ phiếu tăng vốn nhưng không thành công.
Ảnh: LONG THANH

Nhìn lại quá trình tăng vốn điều lệ cho thấy phương án của các NH chủ yếu thông qua các hình thức như chia cổ tức, phát hành cổ phiếu thưởng, chào bán cho đối tác chiến lược, cho cổ đông hoặc lựa chọn hợp nhất sáp nhập với TCTD khác.

Trong đó hình thức chào bán cho cổ đông là phương án được nhiều NH sử dụng với số vốn huy động kỳ vọng lớn nhưng cũng là phương án khó thành công nhất. Chẳng hạn trong đợt phát hành cổ phiếu năm 2013, DongABank chào bán 100 triệu cổ phiếu tương đương 1.000 tỷ đồng nhưng quá thời hạn cho phép chỉ huy động được gần 90 tỷ đồng trong tổng số 700 tỷ đồng tiền cổ đông đăng ký và cam kết mua cổ phiếu.

Nguyên nhân vì mệnh giá phát hành 10.000 đồng/cổ phiếu nhưng thị trường thời điểm đó chỉ giao dịch ở mức tối đa 8.600 đồng/cổ phiếu. Cuối cùng, NH này phải hủy bỏ đợt phát hành này vào tháng 4-2014 sau đó hoàn trả tiền kèm theo lãi suất 7,2%/năm cho các cổ đông đã nộp. Năm 2014, nhóm các NHTMCP lớn hầu như tránh phương án này mà chủ yếu hướng đến phương án phát hành cổ phiếu thưởng hoặc chào bán cho cổ đông chiến lược. Song điều này cũng không làm sôi động thị trường hơn so với trước đây.

Một chuyên gia tài chính nhận định, vài năm gần đây, tình hình kinh doanh của NH ngày càng ảm đạm, nợ xấu cao, trích lập dự phòng rủi ro lớn đã kéo giảm lợi nhuận, mức chia cổ tức hàng năm không còn hấp dẫn, thậm chí nhiều NH còn không chia cổ tức nên rất khó lấy được lòng tin của nhà đầu tư. Còn các cổ đông chiến lược nước ngoài lại có những yêu cầu rất cao, không phải NH nào cũng đáp ứng được để họ rót vốn. Vì vậy, cho đến thời điểm này nhiều NH dự kiến sẽ tiếp tục lỗi hẹn đối với kế hoạch tăng vốn điều lệ.

Các tin khác