Thách thức tự do hóa lao động

Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) không chỉ mang đến sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… mà giữa các thành viên ASEAN còn có sự tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Theo nhiều ý kiến, cuộc cạnh tranh về lao động sẽ đẩy Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ hơn.

Việc hình thành Cộng đồng Kinh tế ASEAN (AEC) không chỉ mang đến sự tự do lưu chuyển hàng hóa, dịch vụ, đầu tư… mà giữa các thành viên ASEAN còn có sự tự do lưu chuyển lao động có tay nghề. Theo nhiều ý kiến, cuộc cạnh tranh về lao động sẽ đẩy Việt Nam đứng trước nhiều nguy cơ hơn.

Lợi thế lao động giá rẻ không còn

 

Sau khi AEC được hình thành sẽ có 8 ngành nghề người lao động được tự do di chuyển bao gồm: ngành y, nha khoa, kế toán, kiến trúc, kỹ sư, y tá, điều tra viên và du lịch. Tuy nhiên, điều kiện cho các lao động được tự do di chuyển trong các nước thành viên ASEAN phải được công nhận tay nghề tương đương các nước. Hiện nay, các thành viên ASEAN đã ký kết được một số thỏa thuận công nhận lẫn nhau (MRA).

Theo đó, MRA sẽ công nhận kỹ năng, bằng cấp được đào tạo giữa các quốc gia để lao động được dễ dàng di chuyển, cùng với những nới lỏng về visa, thời gian lưu trú... Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) mới đây đã công bố kết quả nghiên cứu của ILO và Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) về sự thay đổi thị trường lao động ASEAN sau sự ra đời của AEC vào cuối năm 2015. Theo đó, AEC sẽ tạo thêm 14 triệu việc làm ở khu vực ASEAN. Riêng với Việt Nam sẽ có cơ hội tăng trưởng việc làm thêm 10,5% vào năm 2025.

Tự do lưu chuyển lao động có tay nghề là một nội dung trong các hoạt động chính để thực hiện thị trường đơn nhất và không gian sản xuất chung mà AEC hướng đến. Việc dịch chuyển lao động có tay nghề và lao động phổ thông sẽ mang đến nhiều cơ hội và thách thức cho DN Việt Nam trong quá trình hội nhập. Do vậy, DN cần linh hoạt, nhạy bén và sớm nhận diện những cơ hội tiềm năng từ AEC để thúc đẩy quá trình phát triển quy mô sản xuất, nhằm hướng đến thị trường ASEAN và các thị trường khác mà ASEAN đã ký kết như Trung Quốc, Hàn Quốc, Nhật Bản…

Ông Lê Triệu Dũng,
Phó Vụ trưởng Vụ Chính sách Thương mại đa biên, Bộ Công Thương

Tuy nhiên, điều thu hút được sự quan tâm là trong 10,5% cơ hội tăng trưởng việc làm được nói tới, lao động Việt Nam sẽ được hưởng bao nhiêu hay sẽ nhường sân cho lao động nước ngoài. Nếu nhìn vào bối cảnh chung, hiện nay năng suất lao động của Việt Nam đang thua xa các nước trong khu vực ASEAN. Cụ thể, năng suất của người lao động Việt Nam chỉ bằng 1/5 so với Malaysia, 2/5 so với Thái Lan, thậm chí chỉ bằng 1/15 so với Singapore…

Còn nếu nhìn vào những ngành nghề được tự do di chuyển những lo lắng càng trở nên nhiều hơn. Một chuyên gia kinh tế đã từng thốt lên rằng chúng ta có nghĩ khi AEC được hình thành, các quản lý trong các nhà hàng, khách sạn sẽ toàn là người nước ngoài, bởi thực tế hiện nay đội ngũ nhân sự trong ngành du lịch nước ta còn yếu và thiếu rất nhiều.

Thực ra, không chỉ khi AEC hình thành, mà ngay từ bây giờ không ít khu nghỉ dưỡng của Việt Nam đang có người Myanmar hoặc Philippines làm quản lý. Lâu nay Việt Nam vẫn có lợi thế lao động giá rẻ nhưng khi hội nhập việc đòi hỏi lao động có tay nghề, kỹ năng và kỷ luật lại đang khiến lợi thế này trở thành thế yếu.

Tại một cuộc hội thảo hồi tháng 9 vừa qua bàn về vấn đề lao động trong cộng đồng ASEAN, ông Gyorgy Sziraczki, Giám đốc văn phòng ILO tại Việt Nam, nhìn nhận: “Nguồn lao động trẻ và dồi dào đã mở ra cho Việt Nam nhiều cơ hội. Nhưng đáng tiếc trình độ kỹ năng và chuyên môn thấp của người lao động lại cản trở Việt Nam nắm bắt cơ hội này”.

Đó là chưa kể một số nước trong khu vực đã có những quy định riêng trong việc dịch chuyển lao động vào quốc gia mình, trong khi việc này tại Việt Nam vẫn chưa thực sự rõ nét. Đáng lo ngại hơn, khi AEC hình thành, việc tự do di chuyển lao động sẽ không chỉ dừng lại ở 8 ngành nghề nói trên mà còn có thể mở rộng ra nhiều ngành nghề khác.

Nguy và cơ cho DN

Người lao động sẽ có ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển và thịnh vượng của một  DN. Bởi khi có sự tự do di chuyển lao động trong khu vực ASEAN, DN Việt Nam cũng sẽ đón nhận những cơ hội và thách thức.

Ông Ngô Đình Đức, Tổng giám đốc Công ty Nhân sự L&A, đã phân tích những vấn đề này: “DN Việt Nam sẽ có cơ hội thu hút nguồn nhân lực chất lượng có kỹ năng quản lý, chuyên môn và năng suất cao. Song cũng không thể tránh khỏi những thách thức như người lao động chất lượng cao có nhiều lựa chọn hơn; người lao động chuyên môn trong nước ít (chỉ 20%) lại là nhóm có nguy cơ chảy máu chất xám cao; việc cạnh tranh sẽ không còn giới hạn ở phạm vi trong nước mà là với những nền kinh tế phát triển hơn; yêu cầu về năng suất lao động là tối cần thiết và DN sẽ phải có hệ thống quản lý chuyên nghiệp”.

Vậy DN cần làm gì? Thực ra, mỗi DN cũng đang tự đi tìm câu trả lời cho mình và cũng có những DN đang có sự chuẩn bị từ rất sớm cho bài toán nhân lực.

Ông Hồ Quỳnh Hưng, Chủ tịch HĐQT, Tổng giám đốc Công ty Bóng đèn Điện Quang, chia sẻ nhân lực thực sự là bài toán lớn. Quản trị nguồn nhân lực dựa vào chính sách chế độ là rất quan trọng nhưng chưa đủ. Vấn đề làm sao phải tạo được động lực, sự gắn bó với DN cho người lao động. Bàn về câu chuyện luân chuyển lao động và cơ hội cho lao động Việt Nam không chỉ có vai trò và trách nhiệm của DN, mà đó còn là vai trò của hệ thống giáo dục.

Theo đó, làm sao để sinh viên khi còn ngồi trên ghế giảng đường đã biết về câu chuyện hội nhập; làm sao để giảng dạy gần với thực tiễn là một câu chuyện không mới nhưng chưa bao giờ cũ, nhất là trong bối cảnh hiện nay. Với 14 triệu việc làm được tạo ra ở khu vực ASEAN sau khi hình thành AEC, làm sao để lao động Việt Nam có thể nắm bắt được một phần trong đó.

Các tin khác