Thây ma chủ nghĩa tư bản (K1): Trật đường ray

6 năm sau thảm họa Lehman, các nước công nghiệp đang bị “hội chứng Nhật Bản”: Tăng trưởng èo uột, một cuộc khủng hoảng khác có thể đang tích tụ và hố ngăn cách giữa người giàu người nghèo tiếp tục mở rộng. Báo Spiegel của Đức cho rằng chủ nghĩa tư bản (CNTB) nay chỉ còn là cái thây ma.

6 năm sau thảm họa Lehman, các nước công nghiệp đang bị “hội chứng Nhật Bản”: Tăng trưởng èo uột, một cuộc khủng hoảng khác có thể đang tích tụ và hố ngăn cách giữa người giàu người nghèo tiếp tục mở rộng. Báo Spiegel của Đức cho rằng chủ nghĩa tư bản (CNTB) nay chỉ còn là cái thây ma.

Một thuật ngữ được nhắc đến thường xuyên tại các hội nghị thế giới, đó là "inclusion" (tạm dịch: toàn diện). Trước đây, nó đề cập đến một đặc điểm của các nước công nghiệp phương Tây: khả năng cho phép nhiều tầng lớp xã hội được hưởng lợi từ tiến bộ kinh tế và có thể tham gia vào đời sống chính trị. Tuy nhiên, đặc điểm này đang dần biến mất ở các nước TBCN.

Đình trệ kinh niên

Thuật ngữ này bây giờ thậm chí được sử dụng tại các cuộc họp của những nhân vật đặc biệt, như cuộc họp ở London vào tháng 5 vừa qua. Khoảng 250 cá nhân giàu có và cực kỳ giàu có, từ Chủ tịch Google Eric Schmidt cho đến Giám đốc điều hành Unilever Paul Polman, tập trung tại một lâu đài quyền quý trên sông Thames để than thở thực tế rằng, CNTB ngày nay mang lại quá ít lợi ích cho các tầng lớp thu nhập thấp.

Cựu Tổng thống Hoa Kỳ Bill Clinton nêu lên thực tế “cơ hội phân bổ không đồng đều”, trong khi Giám đốc Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF) Christine Lagarde chỉ trích hàng loạt vụ bê bối tài chính. Bà chủ nhà của cuộc họp - nhà đầu tư và người thừa kế Ngân hàng Lynn Forester de Rothschild - cho biết cảm thấy lo ngại về sự gắn kết xã hội khi công dân đã "mất niềm tin vào chính phủ của họ”.

Tất nhiên, không cần phải tham dự hội nghị London về CNTB toàn diện để nhận ra rằng các nước công nghiệp đang có vấn đề. Khi bức tường Berlin sụp đổ cách đây 25 năm, trật tự xã hội và nền kinh tế tự do của phương Tây dường như thẳng tiến trên con đường chiến thắng tưởng chừng không gì ngăn cản nổi.

Các chính trị gia trên toàn thế giới cùng nhau ca ngợi các thị trường phi điều tiết, thậm chí nhà khoa học chính trị Hoa Kỳ Francis Fukuyama đã gọi đó là "điểm dừng của lịch sử". Đến nay, không ai nói thêm về những lợi ích của phong trào tự do hóa tư bản. Nhưng vấn đề hiện nay là "đình trệ kinh niên", như cựu Bộ trưởng Tài chính Hoa Kỳ Larry Summers gọi.

Nền kinh tế Hoa Kỳ thậm chí tăng trưởng không bằng một nửa những năm 1990. Nhật Bản đã trở thành một con bệnh của châu Á. Và châu Âu đang chìm vào một cuộc suy thoái đã bắt đầu làm trì trệ cỗ máy xuất khẩu của Đức, đe dọa sự thịnh vượng của châu lục.

Sự không bền vững của CNTB thế kỷ 21 còn được thể hiện trong số liệu đáng thất vọng về thương mại Hoa Kỳ và sự sụt giảm bất ngờ trên toàn thế giới của các thị trường trái phiếu Hoa Kỳ đến giao dịch dầu thô. Trong khi đó, tại Hy Lạp, cuộc khủng hoảng vẫn chưa chấm dứt…

Cạn kiệt “vũ khí”

Các chính trị gia và lãnh đạo doanh nghiệp ở khắp nơi đang mời gọi những sáng kiến tăng trưởng mới, nhưng kho “vũ khí” của các chính phủ đang trống rỗng. Hàng tỷ USD chi cho các gói kích thích kinh tế sau cuộc khủng hoảng tài chính đã tạo ra núi nợ ở hầu hết các nước công nghiệp, đẩy các nước này vào tình cảnh thiếu hụt ngân sách cho các chương trình chi tiêu mới. Các ngân hàng trung ương cũng đã “hết đạn”.

Họ đã hạ lãi suất gần bằng không và đã chi hàng trăm tỷ USD để mua trái phiếu chính phủ. Tuy nhiên, một lượng lớn tiền được bơm vào lĩnh vực tài chính không tìm được đường để chảy vào nền kinh tế. Ở Nhật Bản, châu Âu hay Hoa Kỳ, các công ty hầu như không đầu tư vào máy móc, nhà máy mới, thay vào đó những cơn sốt giá đang bùng nổ trên thị trường chứng khoán toàn cầu, bất động sản và trái phiếu - một sự bùng nổ nguy hiểm do tiền giá rẻ, không phải nhờ tăng trưởng bền vững. Các chuyên gia của Ngân hàng Thanh toán Quốc tế (BIS) đã xác định những "dấu hiệu đáng lo ngại" của một vụ sụp đổ sắp xảy ra trong nhiều lĩnh vực.

Ngoài việc tạo ra những rủi ro mới, chính sách chống khủng hoảng của phương Tây cũng làm trầm trọng thêm cuộc xung đột ở chính các nước công nghiệp. Trong khi tiền lương của người lao động bị đình trệ và các tài khoản tiết kiệm truyền thống hầu như chẳng nhận được lãi suất, các tầng lớp giàu có - những người phần lớn thu nhập là từ tiền đẻ ra tiền - đang thu lợi nhuận khủng.

Theo Báo cáo Tài sản toàn cầu (GWR) mới nhất của Tập đoàn Tư vấn Boston, tài sản tư nhân trên toàn thế giới đã tăng khoảng 15% năm ngoái, nhanh gần gấp 2 lần so với năm 2012. Các dữ liệu cho thấy động cơ tăng trưởng của CNTB đang ẩn chứa sự sai lệch nguy hiểm. Các ngân hàng, quỹ tương hỗ và công ty đầu tư trước đây luôn cam đoan tiền tiết kiệm của công dân đã được chuyển đổi thành tiến bộ kỹ thuật, tăng trưởng và việc làm mới.

Tuy nhiên, những gì họ làm hiện nay là tái phân bổ của cải xã hội từ dưới lên trên. Tầng lớp trung lưu cũng bị ảnh hưởng tiêu cực khi trong nhiều năm qua, những người có thu nhập trung bình chứng kiến của cải của mình bị thu hẹp thay vì tăng trưởng.

Khoảng cách gia tăng

Nhà kinh tế của Đại học Harvard, Larry Katz chỉ trích xã hội Hoa Kỳ giống như tòa nhà chung cư bị biến dạng: Các căn hộ penthouse ở trên cùng ngày càng lớn hơn, những căn ở dưới thấp trở nên quá đông đúc, những căn ở tầng giữa bị bỏ trống và thang máy ngừng hoạt động.

Theo các cuộc thăm dò do Viện Allensbach tiến hành, chỉ 1/5 người Đức tin rằng điều kiện kinh tế ở Đức là công bằng; gần 90% nói khoảng cách giữa người giàu và người nghèo ngày càng rộng hơn.

CNTB ngày càng giống như một thành phố hư ảo. (Minh họa của Spiegel).

CNTB ngày càng giống như một thành phố hư ảo. (Minh họa của Spiegel).

Về mặt này, cuộc khủng hoảng của CNTB đã trở thành cuộc khủng hoảng của nền dân chủ. Nhiều người cảm thấy nước họ không còn được điều khiển bởi quốc hội và các cơ quan lập pháp, mà bởi các tổ chức lobby của ngành ngân hàng. Ngay các nhà ủng hộ thị trường tự do cũng bắt đầu sử dụng những thuật ngữ như "1% của xã hội" và "tài phiệt".

Bình luận viên trưởng của Financial Times, Martin Wolf, gọi tình trạng nới lỏng vốn thị trường là một hiệp ước với ma quỷ. Nếu có một ngôi sao nhạc rock trong số các nhà phân tích ngân hàng toàn cầu, đó là Mike Mayo, hay còn gọi là “CEO sát thủ”.

Các loại “vũ khí” Mayo của được xếp ngay ngắn tại văn phòng của ông trên tầng 15 của một tòa nhà chọc trời ở New York: những nghiên cứu chuyên sâu về ngành ngân hàng Hoa Kỳ. Mayo không quan tâm đến một lĩnh vực cụ thể mà tới cốt lõi của hệ thống kinh tế phương Tây. Karl Marx gọi ngân hàng là sản phẩm nhân tạo nhất và phát triển nhất của phương thức sản xuất tư bản.

Mayo cho biết các ngân hàng hiện nay đang tập trung xử lý nợ xấu và bù đắp những thiệt hại trong cuộc khủng hoảng vừa qua, vì vậy chúng đang kiềm chế sự phục hồi của toàn bộ nền kinh tế. “Hoạt động cho vay tín dụng lẽ ra phải lớn hơn 6 lần hiện nay. Nhưng các ngân hàng hiện nay không là động cơ của tăng trưởng” - Mayo nói.

(Còn tiếp)

Các tin khác