EUR-15 năm thăng trầm (K3): Tương lai bất định

Cuộc khủng hoảng của đồng EUR cho đến nay vẫn chưa kết thúc, nhiều chuyên gia cảnh báo khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ rơi vào một thập niên mất mát nếu không có những cải tổ đúng đắn và sâu rộng.

Cuộc khủng hoảng của đồng EUR cho đến nay vẫn chưa kết thúc, nhiều chuyên gia cảnh báo khu vực đồng tiền chung châu Âu có thể sẽ rơi vào một thập niên mất mát nếu không có những cải tổ đúng đắn và sâu rộng.

EUR-15 năm thăng trầm (K2): Lọt vào tâm bão

EUR-15 năm thăng trầm (K1): Từ tiền ảo thành tiền mạnh

Đề xuất

Để vượt qua khủng hoảng một cách bền vững, nhiều đề xuất đã được đưa ra. Ngày 28-6-2012, các lãnh đạo Eurozone đồng ý để ESMF cho các ngân hàng yếu kém được vay trực tiếp, thay vì qua các chính phủ, để tránh làm gia tăng nợ công. Đề xuất cải tổ ngay lập tức làm giảm lợi suất dài hạn của các nước thành viên như Italia và Tây Ban Nha và giúp EUR tăng giá. Sau một thời gian dài triển khai hàng loạt chính sách khắc khổ, tình hình ở các nước thành viên nặng nợ vẫn không khá hơn.

Điều này khiến giới lãnh đạo châu Âu buộc phải suy xét nghiêm túc hơn về các biện pháp ứng phó. Đầu năm 2012, một quan chức IMF, người từng tham gia đàm phán các biện pháp khắc khổ ở Hy Lạp, thừa nhận những chương trình thắt lưng buộc bụng ở Hy Lạp có hại nhiều hơn lợi.

Tháng 10-2012, IMF cho biết những dự báo trước đó của họ về các nước triển khai khắc khổ đã quá lạc quan, do những biện pháp tăng thuế  và cắt giảm chi tiêu gây hại nhiều hơn dự báo, trong khi những nước triển khai các chương trình kích thích tài chính như Đức và Áo lại có kết quả tốt hơn dự báo.

Theo báo cáo Europlus Monitor năm 2012, các nước không nên thực thi khắc khổ tài chính hơn 2% GDP trong vòng 1 năm, nhằm tránh suy thoái kinh tế. Thay vì thắt lưng buộc bụng, giới chuyên môn đề xuất biện pháp “tăng trưởng nén”, tập trung vào tăng thuế nhưng không cắt giảm chi tiêu. Vì các nước thành viên Eurozone thiếu ngân sách để thực hiện, các nhà kinh tế đề xuất tăng 40 tỷ EUR vào quỹ dự phòng của Ngân hàng Đầu tư châu Âu (EIB) để ngân hàng này có thể cho vay gấp 10 lần con số đó (400 tỷ EUR) đến các doanh nghiệp nhỏ. Hiện EU đang có kế hoạch tăng 10 tỷ EUR vốn cho EIB.

Các nhà chuyên môn cũng tin rằng các nước EU cần tăng đáng kể khả năng cạnh tranh quốc tế của họ để tạo tăng trưởng kinh tế và cải thiện mậu dịch. Nhà báo, chuyên gia kinh tế nổi tiếng Fareed Zakaria viết trong một lưu ý tháng 11-2011 rằng việc tái cấu trúc nợ sẽ không thành công nếu không có tăng trưởng, đặc biệt với các nước châu Âu, do khu vực này đang đối mặt với 3 vấn đề lớn: dân số già, công nghệ cao (khiến tuyển dụng ít) và toàn cầu hóa (cho phép các công ty mở chi nhánh ngoài châu Âu).

Ngoài ra, còn một lý do rất quan trọng, từng khiến một số nước muốn rời bỏ đồng tiền chung, là các nước Eurozone không thể hạ giá đồng EUR để tăng sức cạnh tranh như các nước có đồng tiền độc lập vẫn làm mỗi khi kinh tế gặp cú sốc lớn. Để tăng sức cạnh tranh, các nhà phân tích đề xuất một loạt biện pháp như giảm lương, thuế doanh nghiệp, phí bảo hiểm...

Ngoài ra, các nhà lãnh đạo Eurozone còn đưa ra một số đề xuất dài hạn đáng chú ý. Tháng 6-2012, Thống đốc Ngân hàng Trung ương Đức Jens Weidmann đề xuất việc giao quyền kiểm soát tài chính các nước thành viên vào tay một cơ quan duy nhất, tức thành lập một liên minh tài chính. Ngày 21-11-2011, Ủy ban châu Âu (EC) đề xuất việc phát hành trái phiếu EUR (eurobond) của tất cả thành viên như một cách hữu hiệu để chống lại cuộc khủng hoảng.

Chủ tịch EC Jose Manuel Barroso cho rằng một kế hoạch như vậy sẽ phải được kết hợp với giám sát tài chính chặt chẽ và phối hợp chính sách kinh tế để tránh rủi ro đạo đức và đảm bảo tài chính công bền vững. Ngày 20-10-2011, Viện Nghiên cứu Kinh tế Áo (AIER) đề xuất nên biến EFSF thành Quỹ Tiền tệ châu Âu (EMF), có thể cung cấp cho các chính phủ trái phiếu EUR với lãi suất cố định ở mức thấp hơn tăng trưởng kinh tế trung hạn một ít. Các trái phiếu này không thể giao dịch nhưng có thể được các nhà đầu tư nắm giữ và chuyển thành tiền bất cứ lúc nào.

Nguy cơ tan rã

Các nhà kinh tế, chủ yếu ở bên ngoài châu Âu và theo trường phái Lý thuyết Tiền tệ Hiện đại (MMT), chỉ trích cấu trúc của Eurozone ngay từ đầu vì nó buộc các nước thành viên từ bỏ chủ quyền tiền tệ và kinh tế quốc gia nhưng lại thiếu một cơ quan tài chính tập trung.

Họ cho rằng, khi đối mặt với các vấn đề kinh tế, nếu không có một tổ chức như vậy, những nỗ lực ngăn chặn khủng hoảng ở từng quốc gia riêng lẻ sẽ không có hiệu quả. Nhà kinh tế Hoa Kỳ Martin Feldstein thậm chí còn gọi đồng EUR là “một thí nghiệm thất bại”. Một số nhà kinh tế phi Keynes, như Luca A. Ricci của IMF, cho rằng khu vực châu Âu không đáp ứng các tiêu chuẩn cần thiết cho một khu vực tiền tệ tối ưu, dù đang chuyển động theo hướng đó.

Cùng với diễn biến ngày một xấu của cuộc khủng hoảng Hy Lạp, những nhà chỉ trích ngày càng gay gắt hơn, thậm chí ủng hộ việc giải thể Eurozone. Nếu điều này không thể thực hiện ngay lập tức, họ khuyến cáo Hy Lạp và các quốc gia con nợ khác nên đơn phương rời khỏi bỏ đồng tiền chung, chấp nhận vỡ nợ để lấy lại chủ quyền tài chính và tái sử dụng đồng tiền quốc gia.

Một bài viết trên hãng tin tài chính nổi tiếng Bloomberg vào tháng 6-2011 cho rằng nếu gói cứu trợ Hy Lạp và Ireland thất bại, Đức nền rời khỏi đồng tiền chung để tự cứu mình. Những nhà chỉ trích lấy thí dụ Iceland, nước phi EU, đã trở thành điển hình phục hồi thành công ở châu Âu. Sau khi vỡ nợ, Iceland đã quyết liệt phá giá đồng nội tệ, giúp giảm lương 50% và làm xuất khẩu cạnh tranh hơn.

Tờ Wall Street Journal cũng đề xuất Đức có thể quay lại đồng Deutsche Mark, hoặc tạo ra một liên minh tiền tệ với Hà Lan, Áo, Phần Lan, Luxembourg và các nước khác ở châu Âu như Đan Mạch, Na Uy, Thụy Điển, Thụy Sĩ và vùng Baltic. Một liên minh tiền tệ với các nước có thặng dư tài khoản vãng lai kể trên sẽ tạo ra khối tín dụng lớn nhất thế giới, lớn hơn Trung Quốc hoặc Nhật Bản.

Wall Street Journal thêm rằng khi không có Đức trong khối, Eurozone sẽ được linh hoạt hơn trong các quyết định giữ lãi suất thấp và tham gia các chương trình nới lỏng định lượng hoặc kích thích tài chính dưới sự hỗ trợ của chính sách kinh tế lấy việc làm làm mục tiêu thay vì lạm phát làm mục tiêu như cấu trúc hiện tại.

Nguy cơ tan rã đồng EUR đã được nhắc đến nhiều lần.

Nguy cơ tan rã đồng EUR đã được nhắc đến nhiều lần.

Có nhiều ý kiến chống đối những đề xuất giải tán. Trước tiên, quá trình “thoát” khỏi Eurozone một cách chính thức sẽ tốn nhiều tiền của và công sức. Thứ hai, sự sụp đổ của đồng tiền chung sẽ dẫn đến phá sản ở một số nước thành viên và dẫn đến khủng hoảng trong thanh toán nội khối.

Thứ ba, vấn đề nợ công vẫn không được giải quyết, trong khi sẽ tạo các hiệu ứng lây lan và bất ổn sẽ lan toàn hệ thống. 2 nhà lãnh đạo lớn của khu vực đồng EUR lúc đó là Thủ tướng Đức Angela Merkel và cựu Tổng thống Pháp Nicolas Sarkozy nhiều lần khẳng định họ sẽ không cho phép Eurozone tan rã và sự tồn tại của đồng EUR chính là sự tồn tại của cả EU.

Các tin khác