EUR-15 năm thăng trầm (K2): Lọt vào tâm bão

Khi cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ nổ ra năm 2007, đồng EUR vươn tới đỉnh cao quyền lực so với USD. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, đồng tiền chung châu Âu đã bị quật ngã hoàn toàn.

Khi cuộc khủng hoảng tài chính xuất phát từ Hoa Kỳ nổ ra năm 2007, đồng EUR vươn tới đỉnh cao quyền lực so với USD. Tuy nhiên, chỉ 3 năm sau, đồng tiền chung châu Âu đã bị quật ngã hoàn toàn.

EUR-15 năm thăng trầm (K1): Từ tiền ảo thành tiền mạnh

Khủng hoảng niềm tin

Cuộc khủng hoảng đồng tiền chung EUR là kết quả sự kết hợp nhiều yếu tố phức tạp: toàn cầu hóa tài chính; tín dụng dễ dãi trong giai đoạn 2002-2008; khủng hoảng tài chính 2007-2008; mất cân bằng thương mại quốc tế; bong bóng bất động sản; đại suy thoái giai đoạn 2008-2012; lựa chọn chính sách tài chính liên quan đến doanh thu và chi phí của chính phủ; cách tiếp cận của các quốc gia để giải cứu ngành ngân hàng gặp khó khăn và các trái chủ tư nhân...

Một nghiên cứu trình lên Quốc hội Hoa Kỳ năm 2012 viết: “Cuộc khủng hoảng Eurozone đã hé lộ từ năm 2009, khi tân chính phủ Hy Lạp tiết lộ chính phủ tiền nhiệm đã báo cáo thâm hụt ngân sách ít hơn mức thực tế”. Sau khi đắc cử, Thủ tướng Paskon đã điều chỉnh thâm hụt ngân sách năm 2009 từ 6-8% GDP lên 12,7% GDP, trong khi quy định của Eurozone không được vượt quá 3%.

Thực tế nợ công Hy Lạp vượt 400 tỷ USD (hơn 120% GDP) và Pháp nắm tới 10% các khoản nợ đó đã khiến nhà đầu tư toàn cầu hoảng loạn. Năm 2010 Hy Lạp đã được ứng cứu 110 tỷ EUR vay trực tiếp từ EU và IMF. 2 năm sau, dù thi hành nhiều chính sách khắc khổ nhưng tình hình ở Hy Lạp vẫn không được cải thiện, Athens phải ngửa tay nhận thêm 130 tỷ EUR khoản vay ứng cứu khác.

Cuộc khủng hoảng sau đó lây lan sang Ireland và Bồ Đào Nha, gia tăng lo ngại về Italia, Tây Ban Nha và hệ thống ngân hàng châu Âu, cũng như sự mất cân bằng cơ bản trong Eurozone.

Đầu năm 2010, những quan ngại về tình hình nợ công ở các nước Eurozone lại bùng phát, khi những trái chủ ngày càng đòi hỏi lợi suất cao hơn đối với các nước có nợ công, thâm hụt ngân sách và tài khoản vãng lai cao, đặc biệt tại Hy Lạp và Bồ Đào Nha.

Để chống khủng hoảng, một số chính phủ đẩy mạnh tăng thuế và cắt giảm chi tiêu công, làm gia tăng bất ổn xã hội và dấy lên cuộc tranh luận gay gắt giữa các nhà kinh tế ủng hộ và phản đối việc gia tăng khắc khổ. Khủng hoảng niềm tin nổi lên với việc mở rộng chênh lệch lợi suất trái phiếu và bảo hiểm CDS (hợp đồng hoán đổi nợ xấu) giữa các quốc gia đó với các thành viên khác trong EU, đặc biệt là Đức.

Đến cuối năm 2011, ước tính cuộc khủng hoảng đã giúp Đức thu được hơn 9 tỷ EUR khi các nhà đầu tư đổ xô trú ẩn vào trái phiếu của nước này, dù lợi suất gần như bằng 0. Đến tháng 7-2012, Hà Lan, Áo và Phần Lan cũng được hưởng lợi nhờ lãi suất bằng 0 hoặc thậm chí âm.

Dù nợ công chỉ tăng đáng kể ở một vài nước Eurozone, với 3 nước bị ảnh hưởng nặng nhất là Hy Lạp, Ireland, Bồ Đào Nha và chỉ chiếm 6% GDP khu vực, nhưng nó khiến nhiều người lo ngại cuộc khủng hoảng sẽ lây lan khắp châu Âu, thậm chí làm tan rã khu vực đồng tiền chung.

Tính đến cuối năm 2012, cuộc khủng hoảng đã khiến 5/17 nước thành viên Eurozone phải cầu cứu từ bên ngoài. Đến giữa năm 2012, nhờ thành công trong nỗ lực củng cố tài chính và việc triển khai các cải cách cơ cấu ở các nước nguy cơ cao nhất, cùng nhiều biện pháp chính sách khác của các nhà lãnh đạo EU và ECB, tình hình tài chính trong Eurozone đã được cải thiện đáng kể, lợi suất trái phiếu giảm dần.

Tính đến tháng 10-2012, chỉ còn 3/17 nước là Hy Lạp, Bồ Đào Nha và Síp vẫn phải chịu lợi suất trái phiếu dài hạn trên 6%. Đến tháng 1-2013, các cuộc đấu giá trái phiếu ở những nước nặng nợ như Ireland, Tây Ban Nha và Bồ Đào Nha thành công, cho thấy các nhà đầu tư tin tưởng vào các chính sách hỗ trợ của  ECB. Đến tháng 5-2014, chỉ có 2 nước (Hy Lạp và Síp ) cần sự giúp đỡ.

Đối sách

Ngày 9-5-2010, 27 nước thành viên EU đồng ý thành lập Quỹ bình ổn tài chính châu Âu (EFSF) nhằm hỗ trợ ổn định tài chính, thông qua việc cung cấp hỗ trợ tài chính đến các nước Eurozone đang gặp khó khăn. EFSF có thể phát hành trái phiếu hoặc công cụ nợ khác trên thị trường với sự hỗ trợ của Văn phòng Quản lý nợ Đức (GDMO).

Trái phiếu do EFSF phát hành được bảo đảm của các chính phủ thành viên Eurozone tùy theo tỷ lệ đóng góp của họ trong ECB. Tương tự, ngân sách cho vay 440 tỷ EUR của EFSF được chính phủ các nước Eurozone bảo đảm, có thể được kết hợp với các khoản vay lên đến 60 tỷ EUR từ Cơ chế Ổn định tài chính châu Âu (EFSM), thậm chí lên đến 250 tỷ EUR từ IMF.

Ngày 25-1-2011, EFSF đã phát hành 5 tỷ EUR trái phiếu 5 năm và được đặt hàng thêm 44,5 tỷ EUR. Đây là số tiền kỷ lục đối với bất kỳ cuộc đấu giá trái phiếu chính phủ nào ở châu Âu, cao hơn 24,5 tỷ EUR so với EFSM. Ngày 29-11-2011, bộ trưởng tài chính các nước Eurozone đồng ý mở rộng EFSF bằng cách phát hành các chứng chỉ đảm bảo đến 30% trái phiếu mới phát hành của các nước thành viên đang gặp khó khăn. Ngay sau đó, chứng khoán toàn cầu tăng vọt và EUR cũng có phiên tăng mạnh nhất 18 tháng.

Nợ công được ví gót chân Achilles của khu vực đồng EUR.

Nợ công được ví gót chân Achilles của khu vực đồng EUR.

Ngày 5-1-2011, EU tạo ra EFSM, một chương trình tài trợ khẩn cấp phụ thuộc vào nguồn vốn huy động trên thị trường tài chính, được Ủy ban châu Âu (EC) đảm bảo, sử dụng ngân sách của EU làm tài sản thế chấp. Nó hoạt động dưới sự giám sát của EC với mục đích giữ gìn sự ổn định tài chính ở châu Âu bằng cách cung cấp hỗ trợ tài chính cho các quốc gia thành viên EU đang gặp khó khăn kinh tế.

Quỹ của EFSM được hỗ trợ bởi tất cả 27 thành viên EU và được 3 đại gia đánh giá tín dụng toàn cầu Fitch, Moody và Standard & Poor xếp hạng AAA (cao nhất). Ngay sau khi ra đời, EFSM đã phát hành thành công 5 tỷ EUR trái phiếu để hỗ trợ tài chính cho Ireland với lợi suất 2,59%. Tháng 10-2011, lãnh đạo các nước Eurozone nhất trí xóa 50% nợ ngân hàng của Hy Lạp và tăng quỹ ứng cứu của EFSF lên 1.000 tỷ EUR, buộc các ngân hàng tăng vốn 9%. Các nhà lãnh đạo cũng cam kết tung 35 tỷ EUR tăng cường tín dụng để giảm thiệt hại cho các ngân hàng châu Âu.

Bên cạnh đó, ECB cũng tung ra nhiều chính sách. Tháng 5-2010, ngân hàng này bắt đầu mở hoạt động thị trường mua trái phiếu chính phủ và chứng khoán nợ tư nhân, đạt 219,5 tỷ EUR vào tháng 2-2012; tái khởi động cơ chế hoán đổi tiền tệ với Cục Dự trữ liên bang Hoa Kỳ (FED). ECB nhiều lần hạ lãi suất để kích tăng trưởng. Ngày 5-6, ECB cắt giảm lãi suất cơ bản xuống 0,15% và thiết lập lãi suất huy động ở -0,1%. ECB cũng tiến hành chương trình mua trái phiếu như chương trình QE của FED.

(Còn tiếp)

Các tin khác