Giảm áp lực trả nợ công-thành quả ngành Tài chính

Việc kéo dài kỳ hạn phát hành và giảm lãi suất của trái phiếu Chính phủ trong hơn 1 năm qua đã góp phần giảm áp lực trả nợ công cho khối trong nước. Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), đây là một thành quả cần được ghi nhận của ngành Tài chính.

Việc kéo dài kỳ hạn phát hành và giảm lãi suất của trái phiếu Chính phủ trong hơn 1 năm qua đã góp phần giảm áp lực trả nợ công cho khối trong nước. Theo ĐB Nguyễn Đức Kiên (Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội), đây là một thành quả cần được ghi nhận của ngành Tài chính.

 

Trước đó, Bộ trưởng Tài chính Đinh Tiến Dũng cho biết nợ trong nước chỉ có kỳ hạn khoảng 3 tới 4 năm. Trong đó, riêng trái phiếu Chính phủ những năm trước đây phát hành với kỳ hạn trung bình là 2,6 năm làm tăng áp lực bố trí chi trả nợ trong ngắn hạn. Áp lực trả nợ lên cao nhất vào năm 2016, khi đó đỉnh nợ công sẽ gần sát trần Quốc hội cho phép.

Thông cáo báo chí của Văn phòng Chính phủ tối 30/10 đưa ra một giải pháp quan trọng để giảm gánh nặng trả nợ công. Đó là khẩn trương cơ cấu lại nợ công theo hướng tăng nhanh tỷ trọng vay dài hạn và lãi suất thấp. Giải pháp này cũng đồng nghĩa với việc phát hành trái phiếu để đảo nợ, hay nôm na là “vay chỗ này, đập chỗ nọ”.

Trong gần 3 năm qua, ngành tài chính đã thực hiện giải pháp này. Đặc biệt từ đầu năm tới nay đã phát hành trái phiếu Chính phủ với kỳ hạn dài hơn, lãi suất tốt hơn.

Cụ thể, nếu như 2 năm trước, các khoản trái phiếu Chính phủ chủ yếu là ngắn hạn với 78% tổng số phát hành có kỳ hạn dưới 5 năm. Bằng biện pháp phát hành trái phiếu mới có kỳ hạn dài và lãi suất thấp hơn, ngành tài chính đã có một bước tiến trong việc cơ cấu lại trong 10 tháng đầu năm 2014. Cụ thể, số trái phiếu kỳ hạn 5 năm, 10 năm, 15 năm được phát hành đã tăng từ 22% năm 2013 lên 47% hiện nay.   

Mới đây, Kho bạc Nhà nước cho biết đã huy động được 183.890 tỷ đồng trái phiếu Chính phủ tính từ đầu năm tới nay. Tuy nhiên, Chính phủ cũng thống nhất chủ trương việc phát hành trái phiếu là để đảo nợ chứ nhất định không được làm tăng dư nợ công.

Việc trả nợ công thời gian qua được Bộ trưởng Tài chính cho biết là đã “trả đủ, trả đúng”. Tuy nhiên, cam kết của “người vay” đang bị “rung, lắc”, bởi số nợ trong nước đến hạn trả tăng cao vào 2 năm cuối nhiệm kỳ này. Vì vậy, yêu cầu của Chính phủ là vay đảo nợ (dự kiến vay đảo nợ cho năm 2015 là 130.000 tỷ đồng) và không được làm tăng dư nợ công.

“Chọn vay nợ để phát triển sản xuất rồi trả nợ, hay ngồi yên không làm gì?” là câu giải thích của Phó Thủ tướng Vũ Văn Ninh trong phiên họp Chính phủ ngày 29/10 về vấn đề nợ công. Trong điều kiện kinh tế của nước ta còn yếu kém, hạ tầng không đồng bộ trong khi cơ hội phát triển còn rất lớn, Chính phủ phải đi vay nợ để đầu tư hạ tầng, “mở đường” cho các nhà đầu tư trong và ngoài nước làm ăn cũng như đảm bảo an sinh xã hội.

Để xử lý nợ công tăng cao, áp lực trả nợ lớn, Chính phủ, các thành viên Chính phủ thời gian qua đã chủ động cung cấp thông tin đầy đủ về nợ công và các giải pháp đảm bảo an toàn nợ công.

Đặc biệt trong thảo luận sáng nay (30/10), các ý kiến của đại biểu Quốc hội đã đồng tình với Chính phủ về quan điểm vay nợ phục vụ đầu tư cũng như các giải pháp xử lý mất an toàn nợ công. Không gì hơn, bên cạnh cam kết thực hiện hiệu quả các công trình, dự án từ vay nợ cùng với sự tham gia giám sát chặt chẽ và chung vai của Quốc hội, nợ công sẽ không phải là gánh nặng mà là nguồn lực to lớn để phát triển đất nước.

Các tin khác